Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHà Nội đổi đất lấy...6 cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống

Hà Nội đổi đất lấy…6 cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư hạn chế, theo chuyên gia, Hà Nội có thể áp dụng việc đổi đất lấy hạ tầng và đây sẽ là nguồn vốn lớn nhất.

Cầu Thanh Trì bắc qua sông Hồng

Hà Nội vừa đề xuất xây 6 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống với  tổng mức đầu tư gần 57.000 tỷ đồng.

Trước đó, theo Nghị quyết về dự án công trình trọng điểm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của TP Hà Nội được thông qua vào cuối năm ngoái, trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị có 38 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 452 nghìn tỷ đồng, nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020 khoảng gần 189 nghìn tỷ đồng.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội dự định thực hiện số lượng dự án hạ tầng giao thông đô thị với số tiền đầu tư khổng lồ nói trên là có thể hiểu được và cần thiết bởi giao thông của một thành phố lớn ngốn rất nhiều tiền và thời gian.

Ông dẫn ví dụ, cách đây hàng chục năm hệ thống metro ở Bangkok, Thái Lan đã tiêu tốn đến 11-12 tỷ USD. Hay TP Budapest (Hungary) có đến 9 cây cầu bắc qua sông Danube nối giữa vùng Buda và Pest.

“Những thứ Hà Nội đưa ra là thiết yếu, còn về kế hoạch thực hiện, việc huy động vốn đòi hỏi Hà Nội phải chủ động và rất quyết tâm thì mới có thể làm được.

Lợi thế của Hà Nội là tài nguyên đất đai. Nếu TP Hà Nội quyết tâm mang tài nguyên đất đai với hàng nghìn ha phát triển các dự án, lấy tiền thu từ đất để phát triển hạ tầng giao thông, nói cách khác là đổi đất lấy hạ tầng, thì có thể làm được.

Đây có lẽ sẽ là nguồn vốn lớn nhất Hà Nội huy động được và sẽ chủ yếu trông vào đó, còn thuế phí hiện nay cũng đã thu đến tối đa mà nguồn đó dành cho phát triển hạ tầng là không đáng kể. Đối với nguồn vốn xã hội hóa, khó có nhà đầu tư nào có thể bỏ ra số tiền lớn cho Hà Nội vay”, PGS.TS Nguyễn Quang Toản nhận định.

Vị chuyên gia giao thông thừa nhận, biện pháp đổi đất lấy hạ tầng tồn tại nhiều bất cập, tiêu cực nhưng ông tin rằng nếu làm minh bạch, đấu thầu các dự án, từ các cây cầu tới đất… thì những thứ vốn tù mù trước đây có thể giảm bớt.

Mặt khác, theo vị chuyên gia, lực lượng kinh doanh bất động sản bây giờ cũng đã khác trước đây. Tiềm lực của họ lớn, lại biết kinh doanh nên ông tin rằng có thể làm được. Vấn đề mấu chốt là phải cân đối giữa thị trường bất động sản và thời điểm đầu tư các công trình mà TP định thực hiện. Chẳng hạn, chỉ thực hiện trong chu kỳ dăm ba năm, khi chưa đến thời kỳ suy thoái của thị trường bất động sản.

“Hà Nội muốn thời gian tới sẽ làm 6 cây cầu, địa điểm đã có nhưng đó mới là do phía Hà Nội đưa ra, xuất phát từ nhu cầu của mình. Còn các nhà đầu tư, nếu kêu gọi họ sẽ vào và cũng có yêu cầu. Khi hai bên gặp nhau thì mới thể bàn bạc, thỏa thuận, chứ không thể tù mù được”, PGS.TS Nguyễn Quang Toản nói.

Trước băn khoăn với nhu cầu về số vốn đầu tư khổng lồ, liệu Hà Nội lấy đâu ra đất để đổi, nhất là khi không phải đất nào người ta cũng đổi mà phải là đất “bờ xôi ruộng mật”, đất ở vị trí đẹp trong đô thị, PGS Toản tỏ ra lạc quan. Ông cho hay đối với các dự án mà Hà Nội vừa đưa ra đã có thông tin về một số nhà đầu tư định tham gia, các nhà đầu tư đã xem xét và xác lập dự án của mình.

“Hiện nay các dự án chủ yếu làm theo hình thức hợp tác công tư khi nguồn vốn ngân sách có hạn. Tuy nhiên, yêu cầu đầu tiên là Hà Nội phải minh bạch các điều kiện, phải kiên quyết thực hiện cam kết của mình, tạo tin cậy đối với nhà đầu tư.

Hà Nội phải sáng suốt chọn lựa nhà đầu tư có năng lực, nếu không sẽ rất rủi ro dẫn tới việc xây dựng, cân đối dự án không tốt, cuối cùng không thực hiện được hoặc thực hiện nửa chừng, đẩy Hà Nội vào khó khăn.

Những nhà đầu tư có năng lực đã nhận làm thì TP phải thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của mình, chính sách không được thay đổi theo tư duy nhiệm kỳ”, PGS.TS Nguyễn Quang Toản nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông kết luận: phát triển hạ tầng giao thông là rất cần thiết nhưng Hà Nội phải chọn lọc kỹ càng và làm đâu được đấy, đừng dàn trải đến mức có công trình hàng chục năm không xong, gây lãng phí, tốn kém.

“Những thứ Hà Nội đề xuất không phải là mới mà nằm trong những quy hoạch trước nay của TP. Tính đến nay Hà Nội đã làm 6-7 quy hoạch, trong đó thuê cả chuyên gia quốc tế từ các nước tiên tiến tin cậy, thế nhưng khi điểm lại Hà Nội chưa thực hiện được nhiều.

Chẳng hạn, tuyến metro Nhổn-Ga Hà Nội được thai nghén từ đầu những năm 2000 và được thông qua vào khoảng năm 2005 nhưng 20-25 năm sau có thể nó mới được đưa vào khai thác.

Tương tự, cho đến nay dường như chưa có con đường nào hình thành theo đúng quy hoạch. Đường Phạm Văn Đồng là một ví dụ. Quy hoạch mở rộng con đường này có từ năm 1992 nhưng cố gắng lắm thì ngoài năm 2020 con đường ấy mới có thể xong”, vị chuyên gia dẫn chứng.

Từ đây, ông khẳng định, nếu cứ giữ thói quen ấy thì dẫu có đổ bao nhiêu tiền vào thì cũng chẳng đi đến đâu.

“Nếu theo quy hoạch thì dự án nào cũng có lý và cần thiết, nhưng do khó khăn này khác, trong đó khó khăn cơ bản nhất là thiếu quyết tâm và thiếu vốn, cuối cùng nó không đưa đến hiệu quả gì cả”.

RELATED ARTICLES

Tin mới