Tuesday, April 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam đầu tư R&D thấp hơn Lào-Campuchia: Vì thói ăn xổi?

Việt Nam đầu tư R&D thấp hơn Lào-Campuchia: Vì thói ăn xổi?

Việc đầu tư phát triển sản phẩm mang tính lâu dài, tốn kém, trước mắt chưa thể ra được thị trường khiến nhiều doanh nghiệp ngại ngần.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu doanh nghiệp Campuchia chi 1,9% doanh thu hàng năm cho R&D (nghiên cứu và phát triển), Lào chi đến 14,5% thì doanh nghiệp Việt chỉ chi 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D.

Bình luận về những con số này, PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn, Trưởng khoa Công nghệ, Đại học Cần Thơ cho rằng, tổng số lượng doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn Lào và Campuchia nên khi chia trung bình, chỉ số của Việt Nam thấp hơn là tất yếu.

Bởi thế, để chính xác hơn, ông đề nghị phân loại doanh nghiệp thành hai loại:

Thứ nhất, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo dạng mua sản phẩm của hãng nào đó về bán lại. Những doanh nghiệp này hầu như không đầu tư cho R&D.

Thứ hai, doanh nghiệp sản xuất và chế tạo sản phẩm. Những doanh nghiệp dạng này ở Việt Nam không nhiều. Họ có đầu tư cho R&D, có tài trợ, phối hợp với các trường đại học để làm các nghiên cứu. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, do loại hình doanh nghiệp dịch vụ của Việt Nam quá nhiều nên nếu cộng lại chia trung bình, cuối cùng chỉ số của Việt Nam sẽ bị thấp.

Dù vậy, nhìn vào thực tế tại các doanh nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn khẳng định, việc doanh nghiệp Việt ít đầu tư cho R&D là hệ quả của một nền kinh tế gia công. 

“Doanh nghiệp Việt Nam loại hình dịch vụ quá nhiều, chủ yếu làm gia công theo dạng ăn xổi,  mua đi bán lại trong khi đầu tư phát triển sản phẩm mang tính lâu dài hơn, đầu tư tốn kém, sản phẩm trước mắt chưa ra được thị trường nên nhiều doanh nghiệp ngại phát triển sản phẩm mới.

Đối với loại hình doanh nghiệp dịch vụ, trên thế giới cũng không có doanh nghiệp dịch vụ nào đầu tư nghiên cứu phát triển, chẳng qua họ chỉ đầu tư cho dịch vụ của mình tốt hơn. Doanh nghiệp phải có lãi, quản lý được rủi ro thì mới đầu tư phát triển sản phẩm mới.

Chính bởi điểu này nên một thời gian dài, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam thuần túy không có nhiều do đầu tư kinh doanh như thế rủi ro, thời gian đầu tư dài, vốn ban đầu lớn, đợi đến lúc sản phẩm được đưa ra thị trường sẽ rất mệt mỏi”, PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn phân tích.

Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp làm ra sản phẩm, vị Trưởng khoa Công nghệ của Đại học Cần  Thơ nhấn mạnh, họ thậm chí còn có phòng R&D riêng phối hợp với các viện, trường. Đến thời điểm này, doanh nghiệp Việt Nam có yếu tố nước ngoài vẫn nghiên cứu phát triển tốt, thậm chí còn tài trợ cho nhiều viện, trường.

Ông dẫn ngay trường hợp của Đại học Cần Thơ làm ví dụ. Thời gian qua, trường ông phối hợp khá thành công với doanh nghiệp nghiên cứu và họ đầu tư sẵn phòng thí nghiệm để trường dạy cho sinh viên luôn.

“Mỗi năm Đại học Cần Thơ nhận khoảng 3-5 tỷ đồng tài trợ từ các doanh nghiệp. Nhà trường và doanh nghiệp phối hợp theo nhiều dạng, nhưng chủ yếu vẫn là đào tạo con người cho doanh nghiệp, phục vụ cho quá trình phát triển sản phẩm của họ. 

Để phát triển sản phẩm, kể cả sản phẩm ứng dụng hay cơ bản, yêu cầu đầu tiên là phải có con người gần gũi với doanh nghiệp. Chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp thành lập một phòng sử dụng chung, doanh nghiệp có thể dùng phòng đó giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, còn trường dùng phòng đó đào tạo sinh viên.

Sau khi sinh viên ra trường sẽ gần gũi hơn với sản phẩm hơn và điều đó hỗ trợ rất tốt cho việc làm của sinh viên tại doanh nghiệp sau này. Hiện nay một số hãng lớn như Mitsubishi, Siemen… đều phòng thí nghiệm trong khoa.

Sinh viên sẽ làm luận văn tốt nghiệp ở doanh nghiệp, kỹ sư của doanh nghiệp sẽ hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp với chính sản phẩm của họ, từ sản phẩm đó sẽ phát triển lên”, PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn cho biết.

Ông nhận định, nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là nhân sự. Nhân sự để doanh nghiệp có thể sử dụng ngay, đỡ mất chi phí đào tạo lại. Nhà trường và doanh nghiệp phối hợp sử dụng nguồn lực của mình để thử nghiệm sản phẩm của doanh nghiệp, từ đó từng bước phát triển lên sản phẩm.

Mặt khác, việc đầu tư cho trường, viện cũng là một cách truyền thông để quảng bá cho thương hiệu của doanh nghiệp nên doanh nghiệp rất mạnh dạn trong chuyện này.

Đánh giá một cách tổng thể, PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn cho rằng, để doanh nghiệp hào hứng đầu tư cho R&D hơn, quan trọng nhất vẫn là chính sách của Nhà nước. Nhà nước cần tạo điều kiện ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có mặt bằng xây dựng nhà xưởng với giá ưu đãi, thời hạn lâu hơn, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư trang thiết bị cơ bản ban đầu…

RELATED ARTICLES

Tin mới