Trong khi giá xuất khẩu gạo năm nay gần bằng năm trước thì lượng bán lại nhiều hơn cùng kỳ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 8 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu đạt gần 3,96 triệu tấn, thu về 1,75 tỉ USD, tăng gần 20% về lượng và 17,5% về giá trị so với cùng kỳ.
Còn nếu tính trên hợp đồng xuất khẩu mà các doanh nghiệp đã đăng ký đối tác, số lượng xuất khẩu là 5,1 triệu tấn, tăng gần 19% so với cùng kỳ, tức là còn gần 1,2 triệu tấn đã ký nhưng chưa giao hàng còn chờ xuất khẩu.
Đây là cơ sở để Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 5,2 triệu lên 6,5 triệu tấn của cả năm 2017, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 của hiệp hội vì vào đầu tháng 7, VFA đã điều chỉnh dự báo lượng gạo xuất khẩu cho cả năm vào khoảng 5,7 triệu tấn.
Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đứng đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi chiếm gần 41% thị phần, với 1,38 triệu tấn, đạt 623 triệu đô la Mỹ, tăng gần 33% về khối lượng và tăng hơn 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Nhìn vào đây có thể thấy, giá xuất khẩu gạo trong năm nay gần bằng năm trước nhưng lượng bán lại nhiều hơn cùng kỳ.
Điều đáng buồn được giới chuyên gia chỉ ra rằng, sau khi nhập khẩu gạo Việt Nam, thương nhân Trung Quốc lại đóng bao bì mới in thương hiệu của công ty Trung Quốc. Họa hoằn lắm mới có công ty Trung Quốc in chữ (rất nhỏ) gạo nhập từ Việt Nam.
Mặt khác, phía Trung Quốc cũng đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn cho nhà xuất khẩu gạo theo cách của các nước khó tính như Mỹ, Nhật Bản – không chỉ gạo an toàn mà còn truy xuất được nguồn gốc.
Đến nay, trong tổng số khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, chỉ có 22 doanh nghiệp được phía Trung Quốc cấp phép, báo Người lao động hồi tháng 7/2017 cho biết. Do vậy, để được xuất khẩu sang Trung Quốc, ngành gạo Việt Nam phải nâng chuẩn, từ đó cả thị trường sẽ được hưởng lợi.