Thursday, November 14, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐông Nam Á đang tìm đến vũ khí TQ

Đông Nam Á đang tìm đến vũ khí TQ

Trung Quốc đang thúc nhanh mật độ gắn kết quân sự với Đông Nam Á, làm vững chắc hơn ảnh hưởng của mình ở khu vực.

Súng trường M4 của Trung Quốc sẽ được trang bị cho cảnh sát Philippines. Ảnh: SCMP

Ngày 5-10, Trung Quốc giao 3.000 khẩu súng trường M4, 3 triệu viên đạn và 30 súng bắn tỉa cho Philippines như một biểu hiện của “tình hữu nghị và hợp tác” giữa hai nước. Số súng trường này trị giá khoảng 3,3 triệu USD sẽ được trang bị cho lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines. Philippines từng đề nghị mua 26.000 khẩu súng trường M4 từ Mỹ nhưng bị Quốc hội Mỹ bác năm ngoái.

Đây đã là lần thứ hai Trung Quốc trao súng cho Philippines kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên làm tổng thống Philippines năm ngoái. Trong khoảng một năm nay, Trung Quốc đã hỗ trợ quân sự cho Philippines khoảng 300 triệu USD.

Từ diễn biến này có thể thấy Trung Quốc đang tập trung phủ sóng gắn kết quân sự với Đông Nam Á, làm vững chắc hơn ảnh hưởng của mình ở khu vực, khi ngoài Philippines còn có nhiều nước Đông Nam Á khác tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc.

Tại Thái Lan, quân đội hoàng gia chuẩn bị nhận chuyển giao đơn hàng 28 xe tăng chiến đấu VT24 từ Trung Quốc, sau 18 tháng đồng ý mua chúng với giá 147 triệu USD. Số xe tăng này sẽ đến căn cứ hải quân Sattahip của quân đội hoàng gia Thái Lan vào tuần tới, thay thế xe tăng cũ của Mỹ vốn đã được Thái Lan sử dụng từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngoài đơn hàng này, hồi tháng 4, chính phủ Thái Lan đồng ý chi thêm 58 triệu USD mua thêm 10 xe tăng Trung Quốc.

“Các xe tăng này sẽ thay thế các xe tăng M41 vốn nhỏ và cũ” – theo người phát ngôn chính phủ Thái Lan Sansern Kaewkamnerd.

Theo kế hoạch thì ngoài hai đợt này Thái Lan là sẽ còn mua thêm một đợt nữa, để có tổng cộng 49 xe tăng Trung Quốc thay thế xe tăng Mỹ.

Thái Lan cũng đã đặt mua bộ 3 tàu ngầm tấn công điện diesel lớp 039A Yuan từ cuối năm 2016 và một số xe chiến đấu bộ binh VN1 hồi tháng 3.

Là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, tuy nhiên Thái Lan dần ngả về Trung Quốc sau khi quan hệ với Mỹ có dấu hiệu nguội lạnh từ sau cuộc đảo chính ở Thái Lan năm 2014.

Malaysia đồng ý mua 4 tàu tuần tra ven biển của Trung Quốc với giá 277 triệu USD, sau chuyến thăm của Thủ tướng Najib Razak đến Trung Quốc tháng 11-2016. 2 chiếc được sản xuất ở Trung Quốc, 2 chiếc còn lại sẽ được sản xuất ở Malaysia.

Các tàu tuần tra ven biển này là tàu tuần tra tốc độ nhanh, có thể được trang bị tên lửa, nơi trực thăng cất cánh. Tàu này nguyên thủy được thiết kế cho an ninh bờ biển, tuần tra và giám sát hàng hải, tuy nhiên cũng có thể triển khai tìm kiếm, cứu hộ thảm họa. Đây là thỏa thuận quốc phòng quan trọng đầu tiên của Malaysia với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông luôn cao.

Malaysia củng cố quan hệ với Trung Quốc sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện Thủ tướng Najib liên quan một vụ bê bối rửa tiền tại Quỹ phát triển Malaysia (1MDB) do ông Najib thành lập và là chủ tịch hội đồng cố vấn của Quỹ.

Với Myanmar, Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất. Phần lớn máy bay chiến đấu, xe bọc thép, súng, tàu hải quân của Myanmar có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Năm 2012, hải quân Trung Quốc chuyển giao 2 tàu khu trục lớp 053H1 cho hải quân Myanmar. Tháng 5 vừa rồi, hải quân hai nước lần đầu tập trận chung. Trung Quốc triển khai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Changchun, tàu hộ tống trang bị tên lửa dẫn đường Jingzhou, tàu tiếp cận Chaodu tham gia tập trận. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc theo đuổi tăng hiện diện hải quân ở vịnh Bengal và Ấn Độ Dương.

Tại Indonesia, năm ngoái hải quân nước này đã mua 1 hệ thống vũ khí trên tàu từ Trung Quốc. Hệ thống vũ khí này có radar dẫn đường, tương tự hệ thống súng máy Gatling trang bị cho tàu chiến của Mỹ. Indonesia trang bị chúng trên một tàu hộ tống nhằm tăng sức mạnh phòng thủ trước tên lửa chống tàu và các vũ khí dẫn đường.

Ngoài ra, từ 2005-2009 Indonesia còn đặt mua từ Trung Quốc một số lượng tên lửa chống tàu C-802, tên lửa đất đối không xách tay, và các hệ thống radar trên không. Hai nước còn đồng ý trao đổi công nghệ về một số loại khí tài quân sự.

Trong khi đó tại Campuchia đầu năm nay, một đơn vị hỗ trợ của hải quân Mỹ bị đề nghị rời đi, một dấu hiệu cho thấy Campuchia đang muốn nới lỏng quan hệ với Mỹ và đến gần hơn với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới