Để phục vụ cho Đại hội 19 (sẽ khai mạc vào ngày 18-10 ở thủ đô Bắc Kinh), ngày 21-9, tàu cao tốc nhanh nhất thế giới (gắn hơn 2.500 cảm biến, nhiều hơn so với các mẫu trước đây tới 500 bộ phận) chính thức chạy tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải (dài 1.318 km), với tốc độ 350 km/giờ. Và đến nay mọi công tác chuẩn bị cho Đại hội 19 đã hoàn tất. Vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay là nhân sự cho Đại hội 19 bởi có người nói, phương án cuối cùng vẫn chưa được chốt. Có dư luận cho rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc có thể tạo ra một số bất ngờ tại Đại hội 19, cho dù công tác chuẩn bị chính thức được vận hành từ quý 3-2015, do ông Tập Cận Bình lãnh đạo.
Những dấu ấn mang tên Tập Cận Bình
Theo giới truyền thông, sau hơn 4 năm cầm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã ghi dấu ấn với nhiều thành tựu đáng kể như vượt trước kế hoạch đề ra khi GDP năm 2016 đã gấp 4,22 lần so với năm 2000 (trước 4 năm theo mục tiêu do Đại hội 16 đề ra – GDP năm 2020 gấp 4 lần GDP năm 2000). Dự tính GDP/đầu người năm 2017 sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2000, vượt trước 3 năm so với mục tiêu do Đại hội 17 đề ra – GDP/đầu người năm 2020 gấp 4 lần GDP năm 2000. Từ những cải thiện, nâng cao về tư duy chỉ đạo kinh tế vĩ mô, những thành tựu kinh tế cụ thể, có thể thấy quy mô của nền kinh tế Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Chiến lược “đi ra ngoài” được thúc đẩy mạnh mẽ – năm 2015, lần đầu tiên đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ lớn hơn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.
Trung Quốc tiếp tục giương cao ngọn cờ “Giấc mộng Trung Hoa”, “Hoàn thành toàn diện xây dựng xã hội tiểu khang vào năm 2020” và “4 tự tin” – tự tin về đường lối, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ, tự tin về văn hóa của Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Trung Quốc còn kiên trì “3 kiên quyết” – hưởng ứng những gì Trung ương đề ra, thực hiện những việc Trung ương đã quyết định, không làm những việc Trung ương cấm. Ngoài ra, Bắc Kinh quyết tâm thực hiện “2 mục tiêu 100 năm” – 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc và 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Năm 2049, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và tới thời điểm đó, Bắc Kinh có thể hoàn thành “Giấc mộng Trung Hoa”, mục tiêu ông Tập Cận Bình đưa ra khi trở thành Tổng Bí thư (cuối năm 2012). Và để đạt được điều đó, Bắc Kinh phải kiểm soát “Vùng đất rìa” – khái niệm được Spykman đưa ra năm 1942. Spykman cho rằng, ai thống trị “Vùng đất rìa”, người đó thống trị lục địa Á-Âu. Và ai thống trị lục địa Á-Âu, người đó nắm vận mệnh thế giới trong tay. Tiếp đến là kiểm soát “đảo-thế giới” – theo quan điểm của nhà địa lý H. J. Mackinder đề cập trong các tác phẩm năm 1904. Theo đó, “đảo-thế giới” là dải đất gồm châu Á, châu Âu và châu Phi.
Theo giới phân tích, việc thành lập Ủy ban An ninh quốc gia do ông Tập Cận Bình đứng đầu là quyết định lớn kể từ khi nước CHND Trung Hoa được thành lập (1-10-1949). Sự ra đời của Ủy ban An ninh quốc gia (bổ nhiệm Trần Văn Thanh làm Bộ trưởng Bộ An ninh hồi tháng 11-2016) cũng chứng tỏ tính phức tạp, tính bức bách và tầm quan trọng của vấn đề an ninh trong tình hình mới. Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc vừa cho biết, tính đến nay đã có 69 quốc gia và tổ chức quốc tế ký thỏa thuận hợp tác cùng xây dựng “Một vành đai, Một con đường” với Trung Quốc. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới ngày càng ít phụ thuộc vào Anh, Mỹ, chuyển sang phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, Nhật Bản và Canada. Ông Clayton Dube, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Mỹ-Trung thuộc Đại học Nam California từng tuyên bố, Trung Quốc đang tích lũy quyền lực mềm lớn hơn trong một số lĩnh vực. Theo bảng xếp hạng 30 quốc gia có tầm ảnh hưởng trên thế giới thông qua quyền lực mềm năm 2017, thứ hạng của Trung Quốc đã tăng từ vị trí 28 lên 25.
Theo báo cáo của ông Hồ An Cương, Viện trưởng Viện nghiên cứu “Quốc tình” thuộc Đại học Thanh Hoa (tháng 4-2017), tính theo sức mua (PPP), tỷ trọng quốc lực tổng hợp của Trung Quốc trong năm 2015 đã vượt Mỹ – Trung Quốc chiếm 19,68%, trong khi Mỹ chỉ 14,22%. Và đến năm 2020, GDP của Trung Quốc sẽ gấp 1,43 lần GDP của Mỹ và quốc lực tổng hợp của Trung Quốc sẽ gấp 1,75 lần quốc lực tổng hợp của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tốc độ phát triển kinh tế liên tục giảm, phải gồng mình khắc phục những hậu quả nghiêm trọng của hơn 40 năm phát triển “thô”, sự cản trở của 1 số nhóm lợi ích, đấu tranh quyền lực, mâu thuẫn và bất đồng nội bộ ngày càng sâu sắc, năng lực chấp chính của đảng cầm quyền còn yếu, tình trạng suy thoái biến chất trong đảng…
Box: Trung Quốc đã trở thành quốc gia có lượng phát minh, bản quyền lớn nhất thế giới. Riêng 3 quý đầu năm 2016, đã có 2,649 triệu thương hiệu được đăng ký, tăng 25,2% so với năm 2015. Quy mô thị trường nội địa mở rộng nhanh – năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký mới đạt 4 vạn hộ/ngày, hiện có khoảng 80 triệu doanh nghiệp – nhiều hơn dân số nước Đức, tương đương với tổng số lượng doanh nghiệp của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu cộng lại. Thu nhập của người dân được nâng cao đáng kể – thu nhập bình quân của thành thị và nông thôn lần lượt tăng 5,7% và 6,3%