Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaSự "trỗi dậy" của ông Tập Cận Bình

Sự “trỗi dậy” của ông Tập Cận Bình

Được tôi luyện từ trong gian khổ, ông Tập Cận Bình được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo có quyền lực lớn nhất trong hàng thập niên qua ở Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình sẽ là người chủ trì lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19, sự kiện chính trị lớn nhất trong năm của Trung Quốc được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh từ ngày 18/10 với sự tham gia của 2.287 đại biểu.

Theo CNA, đại hội lần này sẽ ghi nhận những thay đổi lớn về mặt nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo của Trung Quốc. Dù chi tiết về cuộc họp chính trị quan trọng này vẫn chưa được hé lộ, song nhiều chuyên gia cho rằng một bản sửa đổi hiến pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được công bố và nội dung của bản hiến pháp được xem là học thuyết do nhà lãnh đạo Tập Cận Bình xây dựng.

Nói cách khác, ông Tập sẽ trở thành nhà lãnh đạo “trung tâm” sánh ngang với vai trò mà hai cựu lãnh đạo là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình từng nắm giữ.Nếu bản sửa đổi hiến pháp được thông qua, ông Tập sẽ trở thành một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc có quyền lực cao nhất trong nhiều thập niên qua.

Bên cạnh đó, nếu trong Đại hội Đảng lần thứ 19, tên của ông Tập Cận Bình được viết trong bản sửa đổi hiến pháp như một học thuyết dẫn đường, ông Tập sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên kể từ sau thời của chủ tịch Mao Trạch Đông làm được điều này ngay trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình.

7 năm gian khổ

Ngôi làng Liangjiahe ở tỉnh Thiểm Tây là một trong những khu vực nghèo đói nhất ở Trung Quốc. Đâ cũng là nơi ông Tập đã có quãng thời gian 7 năm gắn bó khi còn là một cậu thanh niên mới 15 tuổi được gửi về làng Liangjiahe theo chủ trương để thanh niên thành thị có học vấn được trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn của người nông dân mà cố chủ tịch Mao Trạch Đông đưa ra.

Ông Tập từng phải trải qua cuộc sống vô cùng khắc nghiệt khi phải lao động trên các cánh đồng và ban đêm ngủ trên tấm thảm rơm đầy bọ chét.

“Chúng tôi đã chọn ông ấy làm người đứng đầu bởi ông ấy sống chan hòa với mọi người dù cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn. Ông ấy đã làm việc rất chăm chỉ và biết lập kế hoạch. Đó là lý do chúng tôi chọn ông ấy làm lãnh đạo”, CNA dẫn lời bà Liu Jielian nhớ lại quãng thời gian ông Tập tới sống ở làng Liangjiahe.

Bản thân ông Tập cũng từng thừa nhận chính quãng thời gian đầy gian khó khi được “gửi tới” làng Liangjiahe đã trở thành một phần quan trọng tạo nên con người nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện tại.

Giờ đây, khi ông Tập trở thành chủ tịch Trung Quốc, làng Liangjiahe cũng trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo du khách tới thăm. Theo đó, mỗi năm, khoảng 100.000 lượt du khách đã tới thăm ngôi làng Liangjiahe.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng việc quảng bá Liangjiahe là một “ngôi làng đáng sợ” là một phần trong nỗ lực nâng tầm hình ảnh cho ông Tập trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19.

Ông Tom Rafferty, nhà phân tích thuộc Đơn vị Tình báo kinh tế tại Bắc Kinh nhận định, lịch sử cá nhân của ông Tập đang được truyền thông Trung Quốc tập trung khai thác để chứng minh với nền tảng gian khổ đã trải qua, ông Tập có thể vượt qua được những khó khăn trong sự nghiệp.

“Sự chú ý dồn vào những việc mà ông Tập đã làm ở các khu vực nông thôn của Trung Quốc từ những ngày đầu bước vào nghiệp chính trị và sau đó là sự thăng tiến của ông Tập ở khu vực bờ biển phía đông. Tuy nhiên, quãng thời gian ở làng Liangjiahe là điểm nhấn hình thành quan điểm chính trị của nhà lãnh đạo Trung Quốc”, ông Rafferty chia sẻ.

Vấn đề Đài Loan

Trong nhiệm kỳ 5 năm, ông Tập chủ yếu tập trung vào chính sách đối ngoại và chống tham nhũng, do đó vấn đề Đài Loan dường như bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, ông Tập cũng từng nhấn mạnh một giải pháp chính trị để giải quyết bất đồng giữa Trung Quốc và Đài Loan không thể bị trì hoãn mãi mãi.

Chia sẻ với CNA, Giáo sư Alexander Huang tại Đại học Tamkang của Đài Loan nhận định, một khi hoàn thành việc củng cố quyền lực, ông Tập sẽ sẽ đưa ra quyết sách một là dùng vũ lực để buộc Đài Loan phải tuân theo hoặc giảm áp lực để khuyến khích Đài Loan hợp tác với Trung Quốc để duy trì khuôn khổ quan hệ giữa hai bên.

Song kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, Trung Quốc đã cho đóng băng toàn bộ hoạt động liên lạc và đối thoại với Đài Loan.

Thậm chí, Bắc Kinh ngày càng gây sức ép với Đài Bắc như ngăn không cho đại diện của Đài Loan tham dự cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế thế giới cũng như nhiều cuộc họp quốc tế khác.

“Trong thời gian nắm quyền lãnh đạo, ông Tập chắc chắn sẽ thúc đẩy mãnh mẽ con đường hợp nhất Trung Quốc – Đài Loan. Song mục tiêu hợp nhất Đài Loan sẽ chưa thể được thực hiện trong thời gian ông Tập tại vị”, Tiến sĩ Shi Yinhong tại Đại học Renmin, Trung Quốc chia sẻ.

Xây dựng di sản cho riêng mình

Ông Tập sẽ phải tìm cách giải quyết những vấn đề nổi cộm trong nước như tình trạng di dân và thất nghiệp do sự phát triển của nền kinh tế và ngành công nghiệp. 

Cụ thể, cuộc sống của người dân sinh sống tại ngôi làng Guzhuangtou ở tỉnh Hà Bắc chủ yếu phụ thuộc vào việc sản xuất túi nhựa.

Song nhiều người dân ở đây bắt đầu tỏ ra lo lắng khi chính quyền Bắc Kinh thông báo cho xây dựng một thành phố mới mang tên “Kỷ nguyên mới Xiongan” ở tỉnh Hà Bắc. Một khi hoàn thành, thành phố này sẽ có diện tích lớn 3 lần so với thành phố New York của Mỹ.

Ông Zhao Xiaogui, một cư dân sinh sống ở làng Guzhuangtou chia sẻ: “Để xây dựng thành phố ‘Kỷ nguyên mới Xiongan’, chúng tôi sẽ mất nơi sinh sống và cả công việc. Khu vực này chủ yếu sản xuất túi nhựa và các nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động, chúng tôi sẽ bị thất nghiệp. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi các khoản bồi thường”.

Thành phố mang tên “Kỷ nguyên mới Xiongan”, nằm cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 100 km về phía nam, sẽ bao trùm 3 hạt Xiong, Anxin và Rongcheng của tỉnh Hà Bắc. Đây cũng là một trong những nơi ô nhiễm nhất ở Trung Quốc và phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm cả nguồn đất và nước. Nhưng trong tương lai, khi thành phố Xiongan hoàn thiện, các doanh nghiệp nhà nước, các trường đại học, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu và các tổ chức nhà nước ít quan trọng sẽ được di dời về khu vực này.

Dù thông tin chi tiết về dự án xây dựng thành phố Xiongan không được tiết lộ, song giới truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh đây là một “chiến lược vô cùng quan trọng cho hàng ngàn năm tới”.

Còn theo giới phân tích, ông Tập muốn hình thành một di sản của riêng minh ở Xiongan.

“Ông Tập muốn có một dự án di sản như cách mà cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã làm ở Thâm Quyến. Đây cũng là cách ông Đặng đảm bảo vị trí sáng giá của mình trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Còn ông Tập muốn biến Xiongan làm nơi có thể thay thế Thâm Quyến hoặc Thượng Hải”, chuyên gia Rafferty nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới