Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐàm luậnĐại hội 19: "Thời đại mới" của TQ đã tới

Đại hội 19: “Thời đại mới” của TQ đã tới

Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội 19 (khoảng 30.000 chữ) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình dài gấp đôi của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Năm 2012, ông Hồ Cẩm Đào chỉ mất chưa tới 95 phút đã đọc xong Báo cáo chính trị.Còn Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội 19 có tiêu đề “Đảm bảo chiến thắng quyết định trong việc xây dựng một xã hội hiện đại, thịnh vượng về mọi mặt và phấn đấu vì sự thành công lớn của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong một kỷ nguyên mới” của ông Tập Cận Bình đề cập tới 14 điểm cơ bản và gần như không bỏ sót bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội Trung Quốc. 3 tiếng 23 phút là thời gian ông Tập Cận Bình đọc Báo cáo chính trị và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã sử dụng cụm từ “thời đại mới” tới 36 lần.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội

“Trung Quốc đã bước vào thời đại mới và cần đóng vai trò trung tâm trên thế giới. Tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc cho thấy có “lựa chọn mới” cho các nước”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Theo ông Tập Cận Bình, nền kinh tế Trung Quốc đã biến đổi từ bước tăng trưởng nhanh sang giai đoạn phát triển chất lượng cao. Ông Tập Cận Bình đã dẫn số liệu tăng trưởng kinh tế để minh chứng cho phát biểu của mình – GDP tăng từ 54.000 tỷ NDT năm 2012 lên 80.000 tỷ NDT, chiếm 30% GDP thế giới. Và điều này chứng tỏ, việc hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa về cơ bản vào năm 2035 và trở thành cường quốc thế giới hàng đầu vào giữa thế kỷ là nằm trong tầm tay. “Cần thúc đẩy phát triển một nền kinh tế với các cơ chế thị trường hiệu quả hơn, năng động trong từng thực thể và điều tiết vĩ mô mạnh mẽ”, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi phải coi trọng chất lượng trong quá trình phát triển kinh tế. Theo ông Tập Cận Bình, từ năm 2035 đến giữa thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành nước XHCN “giàu có, hùng mạnh, dân chủ, hài hòa, văn minh, hiện đại”.

“Vị thế quốc tế của Trung Quốc đã gia tăng ở mức chưa từng có. Và quyền lực mềm của Trung Quốc, cùng ảnh hưởng quốc tế của văn hoá Trung Quốc đã tăng lên rất đáng kể”, ông Tập Cận Bình khẳng định. Từ thập niên 1950, Trung Quốc đã chủ trương tiến hành “4 hiện đại hóa” để xây dựng đất nước – hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng và hiện đại hóa khoa học kỹ thuật. Và hiện là cuộc “hiện đại hóa thứ 5” của Trung Quốc. Cuộc chiến chống tham nhũng, giảm đói nghèo và ô nhiễm, cải thiện an ninh quốc gia nằm trong những thành tựu chính của Báo cáo chính trị. Ông Tập Cận Bình coi tham nhũng là mối đe dọa lớn đối với quyền lực của đảng. Ông Tập Cận Bình cũng không quên kêu gọi nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tăng cường thực thi và giám sát Hiến pháp, không để bất cứ tổ chức và cá nhân nào có đặc quyền đứng trên Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời nhấn mạnh, giáo dục là nền tảng để phục hưng đất nước Trung Quốc, nên phải được ưu tiên và coi trọng.

Giới bình luận cho rằng, phương châm của ông Đặng Tiểu Bình đã bị ông Tập Cận Bình bỏ qua bởi Chủ tịch Quân ủy Trung ương bộc lộ rõ tham vọng và muốn đi đầu – Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng thiên về phòng thủ, nhưng không bao giờ từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp! Với những gì đang diễn ra trên thực tế khiến dư luận nghi ngờ tuyên bố của ông Tập Cận Bình khi khẳng định (trong báo cáo chính trị), Trung Quốc không bao giờ làm ảnh hưởng tới lợi ích của các nước khác, không can dự vào công việc nội bộ của quốc gia khác hay muốn làm bá chủ thế giới dù có phát triển đến đâu. Ông Tập Cận Bình cũng cho biết, Trung Quốc đang cố gắng để hiện đại hóa quốc phòng vào năm 2035 và trở thành lực lượng đẳng cấp thế giới vào năm 2050. Theo đó, đến năm 2020, cơ giới hóa quân đội về cơ bản được hoàn thành, các ứng dụng công nghệ đạt được những bước tiến lớn và khả năng chiến lược được cải thiện. Quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang và phòng thủ quốc gia dự tính được hoàn thành vào năm 2035. Ông Tập Cận Bình không quên cảnh báo, quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.

Theo giới phân tích, báo cáo chính trị có thể được gói trong 3 điểm chính. Thứ nhất, ông Tập Cận Bình đang tập trung tối đa để củng cố quyền lực thông qua cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời hiện đại hóa quân đội. Thứ hai, Trung Quốc phải đóng vai trò “siêu cường” khi Mỹ có một Tổng thống bất thường và rơi vào chủ nghĩa bảo hộ. Và điều này khiến Trung Quốc phải đưa ra “lý thuyết, mô hình phát triển” hấp dẫn để các quốc gia khác noi theo, ít nhất về mặt lý luận. Ông Tập Cận Bình đã gián tiếp ​​chỉ trích Tổng thống Donald Trump khi lên án chủ nghĩa biệt lập. Thứ ba, những bất ổn trên thế giới và khu vực, nhất là ở bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông… khiến Trung Quốc phải đối đầu với nhiều thách thức, trong khi Bắc Kinh còn quá nhiều việc phải giải quyết.

RELATED ARTICLES

Tin mới