Thursday, November 14, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTràn lan hàng TQ đội lốt hàng Việt: Hàng hiệu cũng bị...

Tràn lan hàng TQ đội lốt hàng Việt: Hàng hiệu cũng bị giả xuất xứ

Nhiều nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới được gắn mác xuất xứ “made in Vietnam” nhưng thực tế nhập từ Trung Quốc.

Đa số sản phẩm hàng hiệu xuất khẩu gắn mác ‘Made in Vietnam’ đều từ Trung Quốc

Giá chênh đến 32 lần

Cửa hàng thời trang S. trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM thuộc chuỗi hệ thống 4 cửa hàng thời trang tại TP.HCM luôn cập nhật những mẫu mới nổi tiếng trên thị trường. Đặc biệt, dù chỉ bán hàng hiệu song giá tại đây rẻ đến bất ngờ. Một chiếc áo thun mẫu mới màu đen, tay và cổ có viền vàng hiệu Polo Dior có giá 180.000 đồng/cái, trong khi sản phẩm này trên trang bán hàng chính hãng có giá 5,8 triệu đồng, cao gấp 32 lần. Tương tự, một chiếc đầm mẫu mùa hè hiệu Zara có giá tầm 280.000 – 300.000 đồng trong khi sản phẩm tương tự tại trang Zara khoảng 1.200.000 đồng. Các nhãn hiệu H&M, Forever 21, Gucci… giá rẻ tại đây đều gắn mác xuất xứ “made in Vietnam”.

Trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 có khá nhiều cửa hàng bán giày trẻ em và người lớn. Đôi giày trẻ em gắn thương hiệu Clarks, Dior, CK… tại tiệm T. có giá 250.000 – 350.000 đồng/đôi; giày nữ hiệu Aldo, Nine West… từ 350.000 – 400.000 đồng/đôi, dưới đế giày in rõ dòng chữ “made in Vietnam”. Nhân viên bán hàng giải thích, đây là hàng doanh nghiệp trong nước gia công cho các hãng thế giới. Trong khi cùng đôi giày Clarks nói trên tại cửa hàng “chuyên giày xuất khẩu” trên đường Lý Chính Thắng (Q.3) có giá 650.000 đồng; giày người lớn thuộc 2 thương hiệu Aldo, Nine West có giá không dưới 1,8 triệu đồng/đôi tại các cửa hàng trong các trung tâm thương mại.

Tại các trung tâm bán hàng thời trang lớn trên địa bàn TP.HCM như Saigon Square, Little Saigon, Rubik Zoo tràn ngập hàng giày dép, áo quần gắn mác thương hiệu quốc tế, xuất xứ VN. Một chủ quầy hàng chuyên áo đầm mang các nhãn hiệu nước ngoài “made in VN” trong Little Saigon (Q.1) giải thích, hàng “made in Vietnam” vì Mỹ nhập hàng từ VN, sau đó VN nhập lại từ Mỹ.

Lật bên trong đôi giày Clarks dành cho trẻ em, chỉ cái mác bị cắt, ông Thảo, kinh doanh giày xuất khẩu trên đường Lý Chính Thắng (Q.3), giải thích: “Hàng xuất khẩu chính hãng bị vài lỗi nhỏ thường bị cắt nhãn như thế này, đưa ra ngoài bán làm từ thiện của nhân viên công ty. Còn đa số đều bị buộc phải hủy nên không có chuyện hàng xuất khẩu chính hãng làm tại VN lại bán tràn lan giá rẻ”.

Ra lò từ Trung Quốc

Bà Th. Thúy (Q.8, TP.HCM), chủ xưởng may có hơn 100 công nhân, chuyên thiết kế và may áo đầm thời trang hiệu D.T, cung cấp cho các shop thời trang từ nam ra bắc, cho biết: “Khoảng 90% hàng thời trang gắn mác thương hiệu quốc tế là nhập từ Trung Quốc. Các công ty may hàng xuất khẩu tại VN được tuyển chọn gia công cho các nhãn hàng thường được thử thách rất gắt gao về độ trung thành với thương hiệu.

Rất khó có chuyện tuồn hàng xuất khẩu ra ngoài để bán, vì nếu bị phát hiện sẽ bị ngưng gia công. Thế nên, nói hàng hiệu “made in Vietnam” nếu là hàng nhập vẫn có giá rất cao, không hề rẻ”. Bà Thúy cho biết, 6 khách hàng lớn của bà tại Hà Nội chuyên đặt hàng thời trang mùa hè với số lượng lớn. “Họ đặt mua hàng ren may đẹp để bán cho khách xịn. Đổi lại, họ nhập hàng thời trang quốc tế từ Trung Quốc bán giá rẻ hơn 1/2 hàng Việt, gắn mác xuất xứ Việt. Trung Quốc là công xưởng thế giới, cái gì họ chẳng làm được”, bà Thúy cho hay.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, khẳng định: “Các nhãn hàng thời trang quốc tế giá rẻ gắn mác “made in Vietnam” không nằm trong hệ thống phân phối của các nhãn hàng này và được bán tràn lan ngoài thị trường chắc chắn là hàng giả. Nguyên tắc làm gia công xuất khẩu thì hàng bị lỗi sẽ được đếm từng chiếc và tiêu hủy sau đó. Còn việc cắt mác hàng lỗi đem bán ra ngoài, phải chờ mẫu đó hết thịnh hành một thời gian, thậm chí vài năm sau mới cho bán làm từ thiện”.

Một khảo sát về “Những nơi sản xuất ưa chuộng nhất 2017” do nhóm nghiên cứu Statista thực hiện trên 52 quốc gia mới đây cho thấy, hàng hóa “made in Vietnam” xếp thứ 46 với 31/100 điểm, cao hơn “made in China” 3 bậc khi Trung Quốc chỉ được 28/100 điểm. Nói một cách nào đó, trong lòng người tiêu dùng thế giới, sản phẩm VN được đánh giá cao hơn Trung Quốc dù cả hai đều được đánh giá lợi thế về mặt giá cả. Đây cũng là lý do hàng Trung Quốc phải giả danh xuất xứ Việt để bán tràn lan ngoài thị trường.

RELATED ARTICLES

Tin mới