Friday, April 19, 2024
Trang chủĐàm luậnGiải mã tầm nhìn của Bắc Kinh về khu vực “cộng đồng...

Giải mã tầm nhìn của Bắc Kinh về khu vực “cộng đồng chung vận mệnh” (Phần 3)

Tập Cận Bình cũng đã sử dụng thuật ngữ cộng đồng chung vận mệnh trong bối cảnh hai sự kiện lớn liên quan đến an ninh: Trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban an ninh quốc gia mới vào tháng 4/2014 và tại Hội nghị thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin tại châu Á (CICA) vào tháng 5/2014.

Tại cuộc họp của Ủy ban an ninh quốc gia, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh kết nối giữa an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế và khẳng định rằng an ninh trong và ngoài nước đều quan trọng đối với Trung Quốc. Ông cũng lưu ‎ý rằng Trung Quốc cần phải “không những chú ý đến an ninh của riêng mình, mà còn tới an ninh chung, tạo ra một cộng đồng chung vận mệnh, thúc đẩy lợi ích chung và cùng nhau tiến bộ hướng tới mục tiêu an ninh chung”.

Một tháng sau, tại Hội nghị thượng đỉnh CICA, Tập Cận Bình đã khẳng định: “Tất cả chúng ta đều sống trong cùng một gia đình châu Á. Với các lợi ích và an ninh của chúng ta gắn bó rất chặt chẽ, chúng ta sẽ cùng nổi hoặc cùng chìm và chúng ta đang ngày càng trở thành một cộng đồng chung vận mệnh”.

Do đó, bối cảnh mà khái niệm này đã được sử dụng đem lại một vài dấu hiệu quan trọng về ý nghĩa của nó. Thứ nhất, bối cảnh này mang tính dung nạp, cho thấy khả năng các nước hợp tác với nhau bất chấp những sự khác biệt lớn về chính trị xã hội hay văn hóa.

Thứ hai, nó áp dụng hầu hết cho châu Á và các nước láng giềng của Trung Quốc. Thứ ba, khái niệm này có cả thành phần kinh tế lẫn an ninh. Các mục tiêu của nó là củng cố cả “sự phát triển chung” lẫn “an ninh chung”, phản ánh quan điểm chung của Tập Cận Bình rằng “phát triển là nền tảng của an ninh, và an ninh là một điều kiện để phát triển”.

BRI không có ý định tạo ra một thể chế khu vực, siêu quốc gia mới mà sẽ là thể chế châu Á tương đương với Liên minh châu Âu. Bắc Kinh không thiết lập bất kỳ cơ chế thể chế trung tâm nào hay ban thư ký để định hình và thống trị “cộng đồng chung vận mệnh” này, và không có hiệp ước nào được ký kết. Các nước “Vành đai và Con đường” “không bắt buộc phải chuyển giao chủ quyền của họ hay chấp nhận bất kỳ sự hiện diện quân sự nào”.

BRI vượt qua các ranh giới khu vực truyền thống và “xóa bỏ những chia rẽ nhân tạo giữa Trung Đông, Tây Á, Trung Á và Đông Á”. Chính quyền Trung Quốc khẳng định rằng dự án này mang tính cởi mở và dung nạp và tất cả đều hoan nghênh được “ngồi trên chuyến tàu tốc hành của sự phát triển của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo hai nhà phân tích Trung Quốc, các quốc gia này, đặc biệt các nước “ít nhiều phụ thuộc vào nền kinh tế của Trung Quốc”, cuối cùng có thể “hình thành một khối” với Trung Quốc và xây dựng một “kiểu liên minh mới, không nhằm chống lại một bên thứ ba, nhưng khi phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh có thể có tiếng nói chung và phản ứng thống nhất”.

 
Không có một khuôn khổ thể chế cứng nhắc, cộng đồng này giống như một mạng lưới không chính thức. Các nguyên tắc và chuẩn mực mà sẽ điều tiết và tạo dựng các tương tác giữa các thành viên của nó không được nêu rõ ràng, ngoài thực tế rằng chúng nên “được cùng xây dựng thông qua tham vấn để đáp ứng các lợi ích của tất cả”.

Tuy nhiên, không thể không lưu ý rằng Trung Quốc là bên tham gia lớn nhất và quyền lực nhất trong cộng đồng này và đem lại vai trò lãnh đạo: Khởi xướng dự án BRI, tự miêu tả mình là nước cung cấp hàng hóa công hào hiệp; đề xuất một danh sách các lĩnh vực có thể hợp tác dưới sự bảo trợ của BRI; và thúc giục các nước khác tham gia. Bắc Kinh cũng đem lại những sự khích lệ về vật chất dưới dạng đầu tư, các dự án cơ sở hạ tầng và các lợi ích kinh tế và an ninh chung cho các thành viên của cộng đồng.

Như một học giả Trung Quốc đã giải thích với tác giả vào tháng 12/2016 rằng đổi lại, họ mong đợi các thành viên ngầm nhất trí không thách thức các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, chỉ trích tư thế của họ hay can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ.

Một mô hình tương tác như vậy, dựa trên một giao kèo ngầm giữa một Trung Quốc trung tâm về văn hóa và chính trị ở phần cốt lõi và các nước láng giềng châu Á của họ ở ngoại vi, mang hơi hướng “cảm giác quen thuộc khó hiểu”. Trở lại thế kỷ 19, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã được thiết lập xung quanh điều mà nhà Hán học John Fairbank đã mô tả là như hệ thống cống nạp hay “thiên hạ”.

Các hoàng đế sẽ cho phép các nước ngoài thiết lập tiếp xúc thương mại và ngoại giao với Trung Quốc với điều kiện các sứ thần của các nước này sẽ phải chứng tỏ được lòng thành kính của mình bằng cách dâng cho họ vật cống nạp dưới dạng các món quà như “các sản phẩm địa phương và hàng hóa tiêu dùng quý hiếm”, cũng như những cử chỉ mang tính biểu tượng như cúi đầu.

Đổi lại, người trị vì Trung Quốc sẽ ban tặng các món quà quý giá như vàng và lụa và nhiều “biểu tượng quan trọng cho tính hợp pháp và sự chấp nhận cho phép được vào thế giới văn minh lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Các nước láng giềng của Trung Quốc đã không chỉ tìm kiếm lợi nhuận kinh tế mà còn sự bảo vệ quân sự, hoặc “cam kết đáng tin cậy” ở mức tối thiểu của Trung Quốc “không lạm dụng quyền lực của mình đổi lấy sự chấp nhận của họ đối với uy thế văn minh của Trung Quốc”. Mặc dù là một khái niệm gây tranh cãi, hệ thống cống nạp phản ánh thực tế của một châu Á lấy Trung Quốc làm trung tâm, phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc không chỉ về văn hóa mà còn về an ninh và thương mại.

Như Thiếu tướng Kiều Lương đã lưu ý tại một hội nghị chuyên đề về an ninh quốc tế của trường Đại học Quốc phòng quốc gia, chiến lược “Vành đai và Con đường” “có một cảm giác về hệ thống ‘thiên hạ’”. “Các điểm đánh dấu một sự biến đổi hiện đại của hệ thống cống nạp Trung Quốc cổ đại”, như Peter Chang mô tả, đã đặc biệt rõ ràng trong Diễn đàn BRI gần đây. Khoảng 30 nhà lãnh đạo thế giới và 1500 đại biểu đã tham dự, một số sẵn sàng ký kết Biên bản ghi nhớ liên quan đến các hàng hóa tiêu dùng như dầu mỏ và khí đốt, nước, đất nông nghiệp, và tiếp cận thị trường.

Các đại diện của các tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo thế giới không cúi đầu nhưng về mặt biểu tượng, họ đã đưa ra những lời ca ngợi và tán thành tầm nhìn BRI của Tập Cận Bình. Thậm chí Fiji đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thay vào đó thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.

Đổi lại, Tập Cận Bình không trao cho họ vàng hay lụa, mà những lời hứa đầu tư, các hiệp định thương mại tự do, các khoản vay, các khu công nghiệp, đường sắt, lưới điện, hỗ trợ thực thi pháp luật và hợp tác giáo dục nhiều hơn.

Vượt ra ngoài mục đích mang tính biểu tượng là giành lại vị trí của Trung Quốc tại trung tâm của châu Á, trật tự khu vực mà có thể phát triển như một kết quả của dự án BRI thành công sẽ rất khác với trật tự mà các nền dân chủ tự do ủng hộ.

Không giống các nước phương Tây, Trung Quốc không áp đặt bất kỳ điều kiện nào lên các đối tác của họ: Không đòi hỏi sự minh bạch của chính phủ, các biện pháp chống tham nhũng hay cam kết đối với “cai trị hiệu quả, tự do kinh tế và đầu tư vào các công dân của mình” để đổi lấy đầu tư, sự giúp đỡ về kinh tế và hợp tác an ninh.

Bằng việc giúp đỡ các nước láng giềng độc tài của mình đạt được tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc sẽ đưa cho họ các biện pháp để tăng cường và bảo vệ sự thống trị của họ. Hợp tác an ninh được tăng cường nhờ BRI cũng sẽ cho phép các nước này cải thiện các kỹ thuật kiểm soát xã hội của họ.

Cộng đồng chung vận mệnh không phải một nhóm các nền dân chủ tương tác với nhau theo một loạt quy tắc và giá trị tự do như cai trị hiệu quả và bảo vệ nhân quyền. Ý nghĩa của “tính dung nạp” của BRI là không chỉ các nền dân chủ không bị ngăn chặn tham gia, mà còn có nghĩa là các nhà nước độc tài mới cũng có cùng sự tiếp cận đến với các lợi ích đầu tư và thương mại của Trung Quốc như bất kỳ nước nào khác, mà không cần điều kiện chính trị.

Tuy nhiên, duy trì sự đa dạng chính trị và xã hội của lục địa Á-Âu không đồng nghĩa là tất cả các nước đều bình đẳng. Vì quy mô, nền văn minh và sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của nước này, Trung Quốc tự thấy mình ở vị trí cao nhất trong cộng đồng mà họ nhắm mục tiêu tạo ra.

Theo ngôn từ của Samuel Huntington, vai trò mới này là bá quyền khu vực dành cho Trung Quốc được hình dung như một “dự báo mở rộng của bản sắc văn minh Trung Quốc”. Các chuẩn mực mà BRI muốn đặt ra dưới chiêu bài tinh thần Con đường tơ lụa được bao bọc trong lớp vỏ các nguyên tắc và yếu tố Nho giáo mới của trí tuệ Trung Quốc truyền thống mà đã được lựa chọn cẩn thận để phù hợp với mục đích rộng lớn hơn là bác bỏ các quyền phổ quát và chuẩn mực tự do.

Thay vì tạo ra nền tảng cho một ‎ý thức hệ mới hoặc một trật tự quốc tế mà sẽ thay thế trật tự hiện tại bằng các thể chế và quy tắc mới, BRI có thể đưa lục địa Á-Âu trở thành một miếng ghép phi tự do chèn vào trật tự toàn cầu. Khu vực này sẽ vẫn trao đổi thương mại và tương tác ngoại giao với phần còn lại của thế giới, nhưng tầm ảnh hưởng của các giá trị và chuẩn mực của phương Tây sẽ bị thu nhỏ đáng kể. 
Kết luận

Có những lý do để hoài nghi về các triển vọng hệ thống cống nạp sẽ quay trở lại trong thế giới thế kỷ 21. Ngay dù nếu chế độ Trung Quốc có ý định sử dụng BRI để chuẩn bị cho một trật tự Á-Âu lấy Trung Quốc làm trung tâm trong tương lai, nước này phải thuyết phục các nước khác về tính hợp pháp của tuyên bố quyền lãnh đạo của Trung Quốc.

Các giá trị và chuẩn mực Con đường tơ lụa mà Bắc Kinh đang tạo dựng sẽ phải chứng tỏ được sức hút của chúng đối với các nước đi theo tiềm tàng. Điều được cho là ưu thế đạo đức của mô hình Trung Quốc, mà được giới tinh hoa của nước này tán dương, có thể không vượt qua được bài kiểm tra là sự phản đối của các cường quốc khu vực khác đối với sự bá quyền của Trung Quốc. Các nước nhỏ hơn có thể cũng thấy ngày càng khó có thể chấp nhận tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở ngay ngưỡng cửa của họ.

Tuy nhiên, vào thời điểm sự phản đối ngày càng tăng đối với các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, sẽ là một sai lầm khi bác bỏ lời chỉ trích ngày càng gay gắt của Trung Quốc được truyền qua bộ máy tuyên truyền của nước này đối với chủ nghĩa tự do mà Mỹ lãnh đạo. Những yêu cầu về toàn cầu hóa công bằng hơn, cân bằng hơn như những gì Tập Cận Bình đã đưa ra trong bài phát biểu tại Davos của ông, có thể không chỉ có tiếng vang trong thế giới các nước đang phát triển mà còn ở các quốc gia công nghiệp tiên tiến, mà các xã hội của họ đang vật lộn với những hậu quả của việc bãi bỏ quy định quá mức. Bất chấp tính thực tế của chúng, những tham vọng của Trung Quốc thay đổi các chuẩn mực và mô hình tương tác ở khu vực láng giềng rộng lớn hơn của họ là có thật.

Ban lãnh đạo này đã cống hiến những nguồn lực đáng kể – trí tuệ, ngoại giao, tuyên truyền – để biến chúng trở thành sự thật. Chỉ vì phương Tây chưa hoàn toàn hiểu chúng không đồng nghĩa là chúng không có ý nghĩa, không quan trọng hoặc buộc phải thất bại.

RELATED ARTICLES

Tin mới