Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSân bay Long Thành: ĐBQH lo tiêu cực, đội vốn

Sân bay Long Thành: ĐBQH lo tiêu cực, đội vốn

3 tuần họp Quốc hội, chi phí GPMB sân bay Long Thành giảm được 111 tỷ, ĐBQH lo tiêu cực, đội vốn…

Thảo luận tại hội trường Quốc hội, sáng 13/11, nhiều ĐBQH nêu ý kiến góp ý cho báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Lo dự án “đầu voi, đuôi chuột”

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho biết, trong báo cáo dự thảo nghị quyết mới được gửi tới, diện tích đất thu hồi cho Cảng hàng không sân bay Long Thành là 5399,35ha. Tổng mức đầu tư là 22.938 tỉ đồng.

Hai con số này đều nhỏ hơn so với báo cáo ban đầu trình Quốc hội. Cụ thể, diện tích giải phóng mặt bằng đã giảm đi 185,79 ha, tổng mức đầu tư giảm 111 tỷ đồng. Vị đại biểu đánh giá cao tinh thầm thẩm tra chi tiết của Ủy ban kinh tế.

Đồng thời, ông cũng cho biết ủng hộ phương án bổ sung khoản vốn còn thiếu gần 18.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dành cho các dự án trọng điểm quốc gia.

“Trước đó, Quốc hội đã bấm thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công, trong đó có bố trí 80.000 tỉ cho các dự án trọng điểm Quốc gia trong kế hoạch 2016 – 2020. 55.000 tỉ đồng trong số này đã chi cho cao tốc Bắc Nam phía đông, còn lại chúng ta có thể sử dụng vào đây. Nó cũng thể hiện sự cấp bách, có thể giải ngân được ngay”, ông Ngân nói.

Đề cập tới một vấn đề khác là nguy cơ lấn chiếm đất đã được thu hồi. Tại nghị quyết 94 ngày 25/6/2015, Quốc hội đã thông qua làm Long Thành có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025, chỉ sử dụng 1165 ha đất. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiến hành thu hồi trên 5.000 ha đất. Câu hỏi đặt ra là hơn 4.000 ha, trong đó 1.000 ha đất Quốc phòng sẽ được dùng để làm gì trong giai đoạn này?

“Để tránh việc tái lấn chiếm đất mà chúng ta đã thu hồi, nên giao đất về cho địa phương Đồng Nai để khai thác. Nên ưu tiên cho hộ dân đã nhận tiền đền bù thu hồi đất nhưng muốn thuê lại mặt bằng để khai thác. Đây là nguồn lực bổ sung có thể huy động ngay lập tức, hỗ trợ tài chính cho việc triển khai dự án”, đại biểu Ngân đánh giá.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Dương Trung Quốc cho hay, người dân địa phương mong muốn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thực hiện, bởi vì 12 năm qua “gần như là dự án treo”.

Theo đại biểu Quốc, bất kỳ dự án lớn nào được triển khai, câu hỏi đầu tiên của dư luận là có tiêu cực hay không, có khả năng xảy ra tiêu cực hay không. Chính vì thế, sự thận trọng như Quốc hội đang làm khi triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hết sức cần thiết.

“Chúng ta cần sớm triển khai công trình này. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc đến câu nói “dân gian, quan tham”, chúng ta đừng ngại với câu nói này vì nó được người xưa tổng kết. Đứng trước cơ hội như triển khai một dự án lớn phải xem xét từ hai chiều. Vì thế, trong nghị quyết của Quốc hội bên cạnh việc điều chỉnh đảm bảo cho tính khả thi dự án, chúng tôi muốn nhấn mạnh khâu giám sát”, đại biểu Quốc nói.

“Đất nghĩa trang đắt hơn đất biệt thự”

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), lại đề cập tới việc quy hoạch khu nghĩa trang tại xã Bình An.

Ông Cường cho biết, báo cáo của Chính phủ cho thấy tại đây sẽ quy hoạch khu nghĩa trang 50,9 ha, trong đó 20 ha là nghĩa trang nhân dân phục vụ cho dự án tái định cư (di dời nhà cửa và mộ phần của dòng tộc), còn lại giao cho công ty TNHH Hoa Viên Bình An để kinh doanh.

Ông Cường lưu ý, “trong phạm vi cách thành phố lớn từ 40 – 70 km như hiện nay thì giá bán mỗi m2 đất đặt phần mộ cho người chết còn cao hơn giá đất xây dựng cho người sống”. Với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt tại xã Bình An là xã nằm ở trung tâm phát triển đô thị trong tương lai, nhiều khả năng đất nghĩa trang có giá cao hơn so với đất đô thị, đất biệt thự.

Ông Cường đề nghị, nếu quy hoạch nghĩa trang tại Bình An với diện tích đất gần gấp 3 lần nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) hiện nay thì cần cân nhắc giữa lợi ích trước mắt rất lớn, nhưng lâu dài sẽ cản trở sự phát triển của cả một khu vực trung tâm Đông Nam Bộ.

“Tôi e ngại với quy hoạch và tầm nhìn cho dự án như thế thì Long Thành rất khó trở thành thành phố sân bay, mà trở thành thành phố nghĩa trang”, ông nói.

Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tiếp thu các ý kiến và mong muốn Quốc hội ủng hộ dự án.

Ông Thể nhấn mạnh: “Chúng ta còn 8 năm nữa, nếu theo tiến độ này chúng ta thực hiện tốt thì 2025 mới đưa giai đoạn 1 của sân bay Long Thành vào hoạt động. 8 năm tới có thể nói là hết sức khó khăn cho ngành giao thông và TP.HCM, vì mấu chốt quan trọng là tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải nghiêm trọng ở tất cả các nẻo đường”.

Do đó, Bộ trưởng Thể khẳng định triển khai sân bay Long Thành là đòi hỏi cấp thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế, khi mà người dân, kể cả các nhà đầu tư và mục tiêu phát triển du lịch, nếu không có sân bay này thì rất khó khăn.

RELATED ARTICLES

Tin mới