Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóng"Bộ tứ" của Mỹ có gì ghê gớm mà TQ phải "sục...

“Bộ tứ” của Mỹ có gì ghê gớm mà TQ phải “sục sôi”?

Giới chuyên gia nhận định, sự xuất hiện của “Bộ tứ” gồm Mỹ – Ấn Độ – Nhật Bản – Australia đang trở thành thách thức lớn trước chiến lược bá chủ khu vực của Trung Quốc.

Sự xuất hiện của “Bộ Tứ” khiến Trung Quốc lo lắng.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hôm 13/11, Bắc Kinh đã có những phản ứng thận trọng sau cuộc gặp đầu tiên của “Bộ tứ”, liên minh giữa Mỹ và 3 nước Ấn Độ, Nhật Bản và Australia bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Manila trước đó một ngày.

Giới chuyên gia nhận định, Bắc Kinh hiện đang lo ngại về khả năng “Bộ tứ” sẽ kiềm chế “các kế hoạch chiến lược” của quốc gia này ở châu Á – Thái Bình Dương.

Phản ứng trước cuộc họp của “Bộ tứ” gồm Mỹ – Ấn Độ – Nhật Bản – Australia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, chương trình hợp tác trong khu vực không nên bị chính trị hóa hoặc mang tính ngăn chặn.

Cuộc họp của “Bộ Tứ” diễn ra trong bối cảnh Mỹ dường như đang thay đổi trọng tâm chiến lược thông qua việc Tổng thống Donald Trump sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” trong chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ tới châu Á.

Theo giới quan sát, cuộc họp của “Bộ Tứ” đã một lần nữa nhấn mạnh sự nghi ngờ và lo lắng của các nước láng giềng Trung Quốc khi mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình theo đuổi tham vọng biến Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực. Sự xuất hiện của Bộ Tứ còn thể hiện cuộc đua khốc liệt giữa Bắc Kinh và Washington trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Thuật ngữ này cho thấy, các cam kết ngoại giao và an ninh của Mỹ đã được mở rộng vượt qua cả khu vực Thái Bình Dương cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ khi phải đối mặt với một đối thủ mạnh hơn là Trung Quốc.

Dù Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gợi ý thành lập “Bộ Tứ” vào năm 2007 nhưng do mối quan hệ ràng buộc với Trung Quốc mà Ấn Độ và Australia từng do dự tham gia liên minh này.

Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Australia đã thay đổi quan điểm sau khi Bắc Kinh tuyên bố theo đuổi “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Sáng kiến của Trung Quốc được xem là lời thách thức trước trật tự thế giới do Mỹ thiết lập cũng như thể hiện chiến lược mở rộng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Thêm vào đó, cuộc đối đầu căng thẳng suốt hơn 2 tháng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở vùng tranh chấp Doklam hồi đầu năm nay đã khiến New Delhi “bừng tỉnh”.

Trong cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN, “Bộ Tứ” đã thống nhất hợp tác vì “một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thịnh vượng”.

Đáng nói, cuộc họp của “Bộ Tứ” không đưa ra thông cáo chung và giới chức Mỹ cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng, cuộc gặp này nhằm đề ra chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

Về phần mình, hồi tuần trước, Bắc Kinh đã đưa ra lời cảnh báo rằng bất cứ động thái nào liên quan tới việc thành lập nhóm an ninh khu vực không nên nhắm tới hoặc phá hoại “lợi ích của bên thứ ba”.

Trong cuộc họp riêng với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị ASEAN hôm 13/11, Tổng thống Mỹ Trump cũng đã thảo luận về vấn đề an ninh khu vực và cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và an ninh giữa hai nước.

Còn trong một buổi họp với các nhà lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Trump đã kêu gọi xây dựng các mối quan hệ mật thiết hơn với các nước Đông Nam Á đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo châu Á không nên trở thành “vệ tinh” cho bất cứ ai. Lời nhắn nhủ của ông Trump được xem là nhằm tới Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang mở rộng mạng lưới quan hệ trong khu vực.

Chuyên gia Zhang Mingliang tại Đại học Jinan nhận định, sự xuất hiện của “Bộ Tứ” là nhằm đối phó trước chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.

Đồng quan điểm với ông Zhang, chuyên gia Du Jifeng từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhấn mạnh, 4 nước Mỹ – Nhật Bản- Ấn Độ – Australia không bị rơi vào cuộc đua cạnh tranh lợi ích chiến lược trong các vấn đề an ninh chủ chốt khu vực bao gồm Biển Đông và Triều Tiên.

Tuy nhiên, để tránh chọc giận Trung Quốc, 4 nước đã không nêu tên cụ thể mà chỉ âm thầm nhấn mạnh mối lo ngại về sự trỗi dậy của Bắc Kinh và vội vã bàn thảo sau cánh gà về phương thức đối phó lâu dài.

Cũng theo ông Du, Bắc Kinh đã “báo động” trước sự hình thành của những liên minh an ninh như “Bộ Tứ” dù nhóm an ninh này mới chỉ là trong giai đoạn sơ khai. Không loại trừ khả năng “Bộ Tứ” sẽ còn lôi kéo thêm các nước nhỏ trong khu vực tham gia cùng.

Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS tại London nhận định, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản có lý do riêng để kỳ vọng vào “Bộ Tứ” nhất là trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực ngày càng sụt giảm dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Trump.

Song theo một nhà ngoại giao Philippines giấu tên, khả năng “Bộ Tứ’ không có tầm ảnh hưởng tới ASEAN bởi “không có quốc gia nào tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tham gia “Bộ Tứ”. Nếu các nước không liên quan tới Biển Đông thì đó cũng không phải là vấn đề chủ quyền của họ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới