Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên và Biển Đông trong chuyến công du châu Á của...

Triều Tiên và Biển Đông trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Trump

Tổng thống Trump đạt được một số tiến triển hơn người tiền nhiệm trong việc ứng phó với Trung Quốc, dù Bắc Kinh vẫn có những quan điểm khác biệt với Washington về các vấn đề như Triều Tiên và Biển Đông.

Hôm nay là ngày cuối cùng trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Quốc, nơi ông được tiếp đón trọng thị hơn so với cựu Tổng thống Barack Obama.

Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ phát biểu với các phóng viên tại Nhật Bản vào ngày 5/11, chuyến đi của Tổng thống Trump tới Trung Quốc có ba mục tiêu trọng tâm là: tăng cường các biện pháp quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên, thúc đẩy một khu vực tự do và cởi mở tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và tăng cường sự thịnh vượng của Hoa Kỳ.

Sự hợp tác của Trung Quốc là chìa khóa để tiến tới cả ba mục tiêu, nhưng đối với mỗi vấn đề này, Hoa Kỳ và Trung Quốc có những quan điểm rất khác nhau.

Triều Tiên

Tổng thống Trump đã đạt được tiến bộ hơn bất kỳ vị tổng thống nào trước đó, buộc Trung Quốc ủng hộ và thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Bắc Kinh được coi là đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua. Mối quan hệ giữa hai nước đặc biệt thắm thiết dưới thời cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Kim Jong Il, nhưng đã phai nhạt đáng kể sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức năm 2012.

Từ lâu nay, chính quyền Trung Quốc không muốn xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, hay gây sức ép quá lớn với Bình Nhưỡng. Tình trạng chiến tranh hoặc sự sụp đổ của chính quyền họ Kim có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn, khi người Triều Tiên ồ ạt tháo chạy sang biên giới Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng muốn giữ Triều Tiên như một vùng đệm giữa lãnh thổ của Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ. Những quan điểm này vẫn còn đó, nhưng gần đây Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn lòng hợp tác với Mỹ nhằm kiềm chế Triều Tiên sau khi nhận thấy tham vọng hạt nhân của lãnh đạo Kim Jong Un đã trở nên quá nguy hiểm.

Biển Đông

Ngoài ra, Washington và Bắc Kinh còn có những quan điểm khác biệt về Biển Đông, nơi chính quyền Trung Quốc nhận chủ quyền đối với vùng biển, bất chấp tuyên bố chủ quyền từ các bên khác như Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines, và Việt Nam.

Tòa án quốc tế năm ngoái đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông, dù vậy Bắc Kinh liên tục tiến hành xây dựng đảo và trang bị các tài sản quân sự tại vùng biển này.

Sơ đồ mô tả "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đòi chủ quyền phi pháp tại Biển Đông (Ảnh: Wikimedia Commons)

Sơ đồ mô tả “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đòi chủ quyền phi pháp tại Biển Đông (Ảnh: Wikimedia)

Với việc kiểm soát lãnh hải và tài nguyên ở Biển Đông, Trung Quốc đã thách thức trật tự toàn cầu mà Mỹ thúc đẩy từ thời chiến tranh Thái Bình Dương, theo phân tích của ông Leszek Buszynski, Giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Australia, được đăng trên The Conversation.

Người tiền nhiệm của ông Trump, cựu Tổng thống Obama bị chỉ trích vì chính sách mềm mỏng với Trung Quốc và việc ngăn cản hải quân Mỹ tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh ra sức xây dựng đảo.

Vài ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump cũng phê phán ông Obama về chính sách này trong cuộc phỏng vấn với Reuters. Ông nói: “Điều này không xảy ra dưới chính quyền Trump, điều này đã xảy ra dưới chính quyền Obama. Nhiều thứ đã diễn ra mà đáng lẽ chúng không được phép. Một trong số đó là việc xây dựng một tổ hợp quân sự khổng lồ ở giữa Biển Đông.”

 Tháng 7, Tổng thống Trump đã phê duyệt kế hoạch tròn một năm cho phép Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm chống lại tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại khu vực. Động thái này cho thấy quan điểm cứng rắn của ông Trump về Biển Đông, khác xa chính quyền tiền nhiệm. Dưới thời Obama, hải quân Mỹ phải xin phép từng lượt, từng lượt, mỗi khi muốn tiến hành một hoạt động tự do hàng hải tại vùng biển.

Trong suốt chuyến thăm của ông Trump tại 5 nước châu Á, hải quân Mỹ triển khai 3 nhóm tàu sân bay hiện diện ở vùng biển châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc huy động lực lượng chưa từng có này được cho là một thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên và/hoặc Trung Quốc.

Sự thịnh vượng của Mỹ

Hoa Kỳ vẫn có những đòn bẩy đáng kể đối với Trung Quốc nhằm đạt được mục tiêu mang lại sự thịnh vượng cho nước Mỹ, theo các chuyên gia.

Trên bề mặt, ông Trump và ông Tập sẽ tổ chức các giao dịch thương mại và cho thấy sự hợp tác giữa hai nền kinh tế khổng lồ của thế giới. Tuy nhiên, thật ra, Hoa Kỳ phải công nhận rằng Trung Quốc không thể là một đồng minh, theo ông Derek Scissors, một học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

“Chúng ta đang ở trong một cuộc xung đột căn bản với Trung Quốc, điều này cần phải được thừa nhận”, ông Scissors nói.

Hoa Kỳ có một số lợi thế lớn trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Trung Quốc, theo học giả Gordon Chang, tác giả cuốn “The Coming Collapse of China”.

Một ngày trước khi ông Trump bắt đầu chuyến thăm châu Á của mình, Hoa Kỳ đã cấm Ngân hàng Trung Quốc Đan Đông tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ vì công ty này là nơi tiến hành rửa tiền cho Triều Tiên.

Động thái này được nhìn nhận là một cú đánh vào Trung Quốc, cảnh báo họ về sự cần thiết phải hợp tác về Triều Tiên và tính dễ tổn thương của hệ thống tài chính Trung Quốc.

Ông Chang nói: “Nếu bạn cô lập các ngân hàng Trung Quốc khỏi hoạt động kinh doanh, bạn sẽ làm hỏng hệ thống tài chính Trung Quốc.”

RELATED ARTICLES

Tin mới