Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam viện trợ Philippines 200 tấn gạo

Việt Nam viện trợ Philippines 200 tấn gạo

Việt Nam sẽ viện trợ 200 tấn gạo cho người dân Marawi, miền nam Philippines, sau khi thành phố được giải phóng khỏi phiến quân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm qua gặp song phương Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bên lề hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước chúc mừng Tổng thống Duterte đã giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi ở miền nam Philippines khỏi phiến quân khủng bố và thông báo Việt Nam đang tiến hành các thủ tục để viện trợ 200 tấn gạo hỗ trợ người dân thành phố này, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. 

Phiến quân thân IS đánh chiếm Marawi, thành phố nằm ở phía nam Philippines với phần đông dân số theo đạo Hồi, từ ngày 23/5. Đến ngày 17/10, sau 148 ngày giao tranh, quân đội Philippines tuyên bố giải phóng hòan toàn thành phố, tiêu diệt tổng cộng 824 phiến quân, giải cứu 1.771 con tin. Tuy nhiên, giao tranh cũng khiến 162 binh sĩ chính phủ thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Philippines về an ninh, phòng, chống khủng bố, cướp biển, tội phạm công nghệ cao, ma tuý, buôn bán người và hợp tác trên biển như tìm kiếm cứu hộ.

Chủ tịch nước đề nghị phía Philippines tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho thuyền viên Việt Nam bị bắt cóc tại nước này cũng như tích cực điều tra và thông báo kết quả vụ hai ngư dân Việt Nam bị thiệt mạng.

Tổng thống Duterte cảm ơn chính phủ Việt Nam đã viện trợ gạo để hỗ trợ cho người dân ở thành phố Marawi và cam kết sẽ tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn cho các thuyền viên bị bắt cóc tại Philippines cũng như xử lý nghiêm minh vụ việc bắn ngư dân Việt Nam, sớm trao trả các ngư dân Việt Nam về nước. 

Hai bên nhất trí thúc đẩy tăng cường đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong các vấn đề lớn liên quan đến an ninh, lợi ích của mỗi nước và của khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không. Hai lãnh đạo nhất trí kiên trì giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), phối hợp chặt chẽ để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

RELATED ARTICLES

Tin mới