Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVì sao vỉa hè đá xanh Hà Nội vừa lát đã nứt?

Vì sao vỉa hè đá xanh Hà Nội vừa lát đã nứt?

Đá tự nhiên đã có vết rạn sẵn, nếu cốt nền không tốt thì chỉ một thời gian ngắn đá sẽ nứt vỡ ngay.

Ông Nguyễn Quang Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vật liệu xây dựng Toàn Phát Hà Nội đã phân tích một vài nguyên nhân khiến đá tự nhiên có tuổi thọ 70 năm mới lát trên nhiều vỉa hè tuyến phố Hà Nội đã nhanh chóng xuống cấp,

Theo đó, xét về mặt kỹ thuật, trước khi lát đá, phần ở dưới phải đầm lu kỹ, phần bê tông chỉ cần thêm khoảng 4-5 phân, sau đó cán xi cát vàng rồi lát đá. Nếu làm đúng tiêu chuẩn thì dẫu xe có trọng tải vài tấn đi lên, vỉa hè cũng không bị rạn nứt.

Theo ông Nguyễn Quang Tuyên, điểm yếu của đá tự nhiên là có vết rạn sẵn, nếu làm đầm nền không tốt thì chỉ một thời gian ngắn, đá sẽ bị rạn vỡ.

“Nếu đá nguyên khối để làm bậc có độ dày vài ba chục phân thì còn đỡ, nhưng đã là đá lát thì độ dày chỉ tầm 3-5 phân kiểu gì cũng dễ vỡ vì đá đã có vết rạn sẵn. Có thể lúc mài bóng mắt thường không nhìn thấy nhưng trong quá  trình sử dụng, chỉ cần cốt nền yếu là đá rạn vỡ ngay”, ông nói.

Từ đây, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vật liệu xây dựng Toàn Phát Hà Nội nhận định, việc vỉa hè đá tự nhiên trên một số tuyến phố Hà Nội vừa lát được vài tháng đã nứt vỡ, chỗ lồi chỗ lõm có thể xuất phát từ việc đầm nền không tốt, khâu giám sát thi công lại kém.

“Khi thi công các tuyến phố, nhiều chỗ phải đào đất lên rồi mới lát. Nguyên tắc là nơi nào đào đất thì phải đầm nền, sau đó đổ bê tông dày 4-5 phân, cán xi cát vàng rồi lát đá hay gạch lên. Nếu chỉ lu những chỗ đào bới, không đầm nền tốt thì đất vẫn có độ lún, đá sẽ vỡ.

Trong trường hợp không đổ bê tông đi chăng nữa thì cán xi cát vàng độ 3-4 phân rồi lát gạch hay đá lên thì ô tô vài chục chỗ ngồi vẫn đi thoải mái. Quan trọng nhất là phải có độ kết dính giữa các lớp.

Tôi đã thấy nhiều trường hợp khi có giám sát ở đó thì nhà thầu thi công làm rất cẩn thận, nhưng khi không có giám sát, nhà thầu làm ẩu, trốn đổ bê tông, trốn cán, chỉ làm sao cho nhanh, cán cát xong đổ xi tinh lên rồi dán gạch lên. Khi phối trộn vật liệu làm không đúng, các lớp không có độ kết dính, đi một thời gian thì gạch vỡ.

Bởi vậy, giám sát thi công vô cùng quan trọng. Nếu thi công đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì tuổi thọ vỉa hè đá tự nhiên hay gạch được cả trăm năm, nhưng làm ẩu, ăn bớt thì vài tháng đã nát hết dù đá hay gạch tốt đến đâu”, ông Nguyễn Quang Tuyên nhấn mạnh.

Vị giám đốc ngành vật liệu xây dựng vẫn không hiểu tại sao Hà Nội sử dụng đá tự nhiên vừa đắt, vừa dễ rạn vỡ để lát hơn 930 tuyến phố, trong khi gạch terrazzo vừa rẻ, vừa bền hơn nhiều lại không dùng.

“Đá tự nhiên dễ rạn vỡ hơn gạch terrazzo. Bản thân gạch terrazzo có 70% là đá nhưng còn phối trộn với cát vàng, xi măng tạo độ kết dính để ghép thủy lực nên chắc hơn nhiều

Chúng tôi đã thi công nhiều tuyến đường, trong cả các khu chung cư cao cấp, chỉ cần bó vỉa đá, còn lại lát gạch terrazzo, giám sát đúng tiêu chuẩn thì gạch chịu lực rất tốt, xe đi thoải mái.

Chưa kể, sử dụng gạch terrazzo rẻ hơn nhiều. Hà Nội có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch terrazzo, nguyên liệu có sẵn do tận dụng được nguồn đá xây dựng của Hà Nội, chúng tôi chỉ việc sàng lại lấy các bột, mạt để làm cốt bê tông, khiến chi phí giảm đi rất nhiều. Gạch terrazzo cao cấp cũng chỉ 70.000 đồng/m2, cả hóa đơn xuất ra mới là 85.000 đồng/m2.

Các nước phát triển vẫn sử dụng gạch terrazzo để lát vỉa hè, đá tự nhiên chỉ được dùng ở những nơi trọng điểm, các tuyến phố đi bộ, phố cổ. Không rõ Hà Nội giàu cỡ nào mà chơi sang vậy?”, ông Tuyên đặt câu hỏi.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới