Sunday, September 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tăng cường thêm biện pháp chống tham nhũng

TQ tăng cường thêm biện pháp chống tham nhũng

Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc tiếp tục được đẩy mạnh và mức độ điều tra, xử lý ngày càng kiên quyết hơn.

Trung Quốc coi tệ nạn tham nhũng là một trong những nguy cơ hàng đầu có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ nếu không được kịp thời ngăn chặn.

Bởi vậy, kể từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 đến nay, nước này đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng có quy mô sâu rộng và tiến hành quyết liệt;

Không cho phép có bất cứ một “vùng cấm” hoặc một sự “đặc cách” đối với bất kỳ lĩnh vực hoặc cá nhân nào.

Theo đó, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc còn được biết đến với tên gọi chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”.

Trong năm năm qua, đã có tới 440 “hổ lớn” – quan chức ở cấp tỉnh trở lên, trong đó có 43 người là ủy viên và ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương bị điều tra, truy tố và xét xử.

Có hơn 71.900 “ruồi” – quan chức cấp thành phố và quận (huyện), trong đó có 8.900 là quan chức cấp thành phố và hơn 63.000 là quan chức cấp quận (huyện) đã bị trừng phạt vì tham nhũng.

Cùng với đó, Trung Quốc đã phối hợp với nhiều quốc gia trên thế giới để bắt giữ tới 3.453 “cáo” – quan chức đã từng “nhúng chàm” chạy trốn ra nước ngoài.

Kết quả này đã góp phần quan trọng tiến tới làm trong sạch bộ máy lãnh đạo, củng cố được lòng tin của người dân đối với Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kết quả này mới chỉ là bước đầu và cuộc chiến chống tham nhũng sẽ còn rất nhiều cam go thách thức cho đến khi đạt đến mục tiêu cao nhất của cuộc chiến này.

Để thực hiện thêm quyết tâm trong chiến dịch chống tham nhũng, kể từ sau Đại hội 19  đến nay, Trung Quốc tiếp tục điều tra và bắt giữ nhiều quan chức liên quan đến hành vi “vi phạm kỷ luật Đảng nghiêm trọng” – một cách nói ám chỉ đến hành vi tham nhũng, trong đó có hai “hổ lớn” là cán bộ cấp cao.

Theo thông báo mới đây của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, ông Lỗ Vĩ – Phó Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương và ông Lưu Cường – Phó Tỉnh trưởng Liêu Ninh đang bị điều tra vì có những dấu hiệu “vi phạm kỷ luật Đảng nghiêm trọng”.

Ông Vương Kỳ Sơn (bên trái) cánh tay đắc lực một thời của ông Tập trong cuộc chiến chống tham nhũng (Ảnh: Reuters)

Tại Đại hội 19, ông Tập Cận Bình tiếp tục nhấn mạnh về nguy cơ mà tệ nạn tham nhũng gây ra đối với sự tồn vong của chế độ, cũng như tính chất nghiêm trọng, phức tạp của tệ nạn này.

Ông Tập khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng không bao giờ được phép nơi lỏng hoặc dừng lại.

“Tham nhũng sẽ vẫn là mối đe dọa lớn nhất mà Đảng phải đối mặt, tất cả các đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải có quyết tâm và sự kiên cường cao nhất.

Chúng ta phải kiên trì trong một cuộc chiến đầy cam go và không bao giờ được phép dừng lại.

Hiện tại, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng và phức tạp, các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải giữ quyết tâm vững như bàn thạch, thế lực áp đảo để giành được thắng lợi to lớn”, ông Tập nói. [1]

Cuộc điều tra đối với hai quan chức cao cấp liên quan đến “vi phạm kỷ luật Đảng nghiêm trọng” là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy, Trung Quốc đã thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích mà Đại hội 19 xác định và sẽ không để cho cuộc chiến chống tham nhũng một phút nào được nơi lỏng.

Theo nguồn tin của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, tính từ tháng 10 đến nay, Trung Quốc đã xử lý 6.190 quan chức ở các cấp vì đã “vi phạm kỷ luật Đảng nghiêm trọng”, trong tổng số 4.353 vụ vi phạm được điều tra.

Nếu tính từ đầu năm 2017 đến nay, đã có tổng cộng 53.195 quan chức bị xử lý, trong tổng số 37.824 vụ vi phạm được điều tra. [2]

Theo đó, có thể nhận thấy, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc tiếp tục được đẩy mạnh và mức độ điều tra, xử lý ngày càng kiên quyết hơn.

Trước đó, đã có một số người lầm tưởng rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc có thể sẽ chững lại sau khi đã đạt được những kết quả khả quan trong 5 năm qua.

Cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang là một trong những con “hổ lớn” bị trừng phạt trong chiến dịch chống tham nhũng (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trong khi, một số người khác lại cho rằng, nếu thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn có thể sẽ khiến cán bộ không dám hành động, không tự tin trong việc đề xuất, triển khai và thực hiện các chính sách, do đó, sẽ kìm hãm sự sáng tạo của cán bộ cũng như sự tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, những người có quan điểm về một sự nơi lỏng hoặc ngưng nghỉ trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc sau Đại hội 19 là bởi họ chưa có sự nhìn nhận đúng đắn vấn đề, vì không nhận ra rằng:

Dù cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào có đạt được thành công ra sao, thì tệ nạn tham nhũng vẫn sẽ không bao giờ chấm dứt hẳn.

Bời vì nó luôn tiềm ẩn và len lỏi trong tư tưởng của những người có chức, có quyền nhưng thiếu cái tâm vì dân.

Và do đó, cuộc chiến này sẽ không bao giờ có điểm kết thúc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức rất rõ vấn đề này.

Họ hiểu rằng, kết quả của chiến dịch chống tham nhũng trong 5 năm qua đã làm cho các hành vi tham nhũng của các quan chức nước này giảm đi đáng kể nhưng sẽ không bao giờ dứt hẳn.

Cho nên bất kỳ một sự buông lỏng nào cũng có thể dẫn đến sự thất bại trong cuộc chiến đầy thách thức này.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc cũng không hề quan ngại về việc khi đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng sẽ khiến cho các quan chức không dám mạnh dạn hành động trong thực thi công vụ, vì đây là nhận định hoàn toàn không chính xác.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc Triệu Lạc Tế – người thay thế xứng đáng vị trí của ông Vương Kỳ Sơn (Ảnh: AP)

Bởi trên thực tế, kết quả mà cuộc chiến chống tham nhũng đem lại đã giúp cho các quan chức có cái nhìn tích cực và trách nhiệm hơn trong thực thi công vụ.

Trong 5 năm thực hiện chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù Trung Quốc đã đạt được những kết quả to lớn khi điều tra, bắt giữ, xử lý hàng ngàn quan chức từ cấp thấp cho đến cấp cao;

Thế nhưng nước này vẫn nhận thấy cần phải có thêm các biện pháp để tăng cường sức mạnh cho chiến dịch chống tham nhũng đầy cam go này, nhằm loại trừ cái nguy cơ đang đe dọa sự sống còn của đảng và chế độ.

Theo đó, hồi đầu tháng 11, Trung Quốc đã tiến hành thí điểm cải cách hệ thống Ủy ban giám sát để kết hợp với các cơ quan hành pháp và tư pháp trong thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng.

Dự án thí điểm này đang được triển khai thực hiện tại Thủ đô Bắc Kinh, tỉnh Thiểm Tây và tỉnh Chiết Giang, sau đó sẽ được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Hệ thống Ủy ban giám sát sẽ được thành lập ở cấp tỉnh, thành phố, quận (huyện), có quyền hạn giám sát những người thực thi quyền lực công trong phạm vi giám sát của Ủy ban giám sát ở từng cấp.

Các Ủy ban giám sát sẽ chịu trách nhiệm về ba nhiệm vụ chính, đó là: giám sát, điều tra và xử phạt.

Thực hiện chức năng này, các Ủy ban giám sát sẽ có trách nhiệm giám sát việc thực thi nghĩa vụ và đạo đức của các công chức;

Điều tra các hoạt động bất hợp pháp như: chiếm đoạt của công làm của riêng, lạm dụng quyền lực, bỏ bê công việc và lãng phí công quỹ;

Ban hành các hình phạt hành chính; và chuyển các vụ án nghi ngờ có dấu hiệu hình sự sang Viện kiểm sát.

Các Ủy ban giám sát cũng được phép sử dụng một số công cụ khác để hỗ trợ cho việc thực thi chức năng, nhiệm vụ giám sát, như:

Yêu cầu được khám xét nơi ở và nơi làm việc, đóng băng tài sản và tạm giữ những người vi phạm.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tiến hành điều chỉnh một số quy định của pháp luật có liên quan đến chức năng giám sát, như quy định về giám sát hành chính, quy định về thủ tục tố tụng hình sự, luật quốc phòng, luật cảnh sát vũ trang.

Và tiến tới sẽ cải cách lực lượng cảnh sát vũ trang theo hướng tinh gọn và hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. [3]

Có thể nhận thấy, mặc dù Trung Quốc đã đạt được những kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng kể từ cuối năm 2012 đến nay, nhưng nước này vẫn đặc biệt coi trọng việc đẩy mạnh thực thi chiến dịch này, nhằm làm trong sạch bộ máy công quyền và nâng cao hơn nữa lòng tin của người dân đối với đảng, nhà nước và chế độ.

Việc cải cách hệ thống Ủy ban giám sát từ cấp tỉnh xuống đến cấp quận (huyện) và điều chỉnh một số quy định pháp luật liên quan là những nỗ lực mới nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng kể từ sau Đại hội 19 CPC.

RELATED ARTICLES

Tin mới