Bản tin Biển Đông ngày 11/12/2017.
Vấn đề bế tắc ở Biển Đông
Ngày 10/12, trang The Star của Malaysia đưa tin, tại một Hội nghị do Viện Nghiên cứu biể Malaysia (Mima) và Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh tổ chức gần đây có tên “Đổi mới hình thức hợp tác ở Biển Đông: Các cách tiếp cận mới nhằm giải quyết vấn đề an ninh biển”, các quan chức hàng hải và hải quân, các quan chức ngoại giao và học giả của Trung Quốc và một số nước ASEAN đã tập trung thảo luận về các thách thức liên quan đến tài nguyên và việc bảo vệ môi trường tại Biển Đông, trong bối cảnh khu vực đang bị đe doạ bởi tình trạng đánh cá quá mức, đánh cá bất hợp pháp và các tranh chấp lãnh thổ. Tại Hội nghị, các chuyên gia đều tỏ quan ngại trước việc ngư dân một số nước trong khu vực như Việt Nam và Philippines phải tìm đến các ngư trường khác để đánh bắt do lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc ngang nhiên đơn phương áp đặt đối với một nửa Biển Đông. Trong khi đó, cựu Phó Chỉ huy Đơn vị Biển Hoa Đông thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, Tiến sỹ Yu Zhi Rong, lại thản nhiên cho rằng “lệnh cấm này rất hiệu quả trong việc bảo vệ và khôi phục nguồn cá, qua đó cải thiện sinh thái ngư trường, lợi ích lâu dài của ngư dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định và lành mạnh của ngành ngư nghiệp”.
Trước tình hình nghiêm trọng này, nhiều học giả đã đề xuất cần phải đặt ra một số quy định nhằm giải quyết tình trạng đánh bắt cá và các phương thức đánh cá. Gilang Kembara, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Indonesia đã đưa ra ý kiến rằng cần phải đặt ra các lệnh cấm đối với một số thiết bị đánh cá như lưới đánh cá không chỉ làm mất đi nguồn thuỷ sản “thương mại” mà còn cả các tài nguyên khác không được sử dụng làm thực phẩm. Bên cạnh đó, ông bày tỏ hy vọng rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai sẽ có nội dung quy định về khu vực mà hoạt động đánh cá bị coi bất hợp pháp và sau đó sẽ được đưa thành khu bảo tồn biển với sự tham gia của nhiều bên về lâu dài. Tuy nhiên, ông Yu lại cho rằng ý tưởng này không dễ triển khai vì các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Các chuyên gia an ninh hối thúc Philippines xây dựng các liên minh an ninh mới nhằm đối phó với hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 11/12, Manila Bulletin đưa tin, tại một Toạ đàm bàn tròn do Trung tâm Nghiên cứu Stratbase Albert del Rosario (ADRI) tổ chức, các chuyên gia an ninh của Philippines đã hối thúc Chính phủ cần tìm kiếm thêm các thoả thuận dạng như Thoả thuận về các Lực lượng thăm viếng (Visiting Forces Agreement – VFA) với các nước ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhằm đối phó với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay. Theo Tiến sĩ Renato De Castro thuộc Đại học De La Salle, một trong những thoả thuận khả thi có thể là một VFA với Nhật Bản và Úc hoặc một thoả thuận ba bên bởi “Nhật Bản và Úc có chung quan điểm về tầm quan trọng của việc khuyến khích các quốc gia thuộc bên thứ ba thể hiện vai trò tích cực đối với an ninh khu vực” và “sự cần thiết của việc thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với hai nước này”. Ngoài ra, ông De Castro cho rằng Philippines cũng có thể thúc đẩy thoả thuận “Kim Cương An ninh Dân chủ”, một thoả thuận hợp tác không chính thức giữa Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ có thể giúp Philippines nâng cao năng lực biển và góp phần xây dựng trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực. Đại diện ADRI cũng nhất trí cho rằng Thoả thuận này có thể giúp Philippines nâng cao năng lực hàng hải trước sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Đông Á.