Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 18/12/17

Bản tin Biển Đông ngày 18/12/17

Bản tin Biển Đông ngày 18/12/2017.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc xây dựng các công trình quân sự mới trên Biển Đông

Ngày 18/12, The Philippine Star đưa tin, phát biểu tại Diễn đàn Quỹ Hội đồng Tây Đại Dương – Hàn Quốc diễn ra ngày 12/12 tại Washington, Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết hiện nay Mỹ đã có một cơ chế chủ động để tiến hành đàm phán về những vấn đề phức tạp của Washington và Bắc Kinh, trong đó có vấn đề Biển Đông và việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hoá các cấu trúc ở khu vực. Tuy nhiên ông Tillerson khẳng định hành động xây dựng của Trung Quốc trên các đảo là “không thể chấp nhận được”. Bên cạnh đó, ông tiếp tục nhấn mạnh lời kêu gọi của Mỹ về “một vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương  tự do và cởi mở” có thể đảm bảo cho lưu thông thương mại và sự phát triển kinh tế của các nước diễn ra bình thường.

Trung Quốc ngang nhiên nguỵ biện cho hành động quân sự hoá của họ trên Biển Đông là “bình thường”

Ngày 17/12, The Standard đưa tin, ngày 15/12, sau khi Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) công bố một loạt các hình ảnh vệ tinh mới tố cáo Trung Quốc vẫn đang tiếp tục việc xây dựng trái phép các cơ sở quân sự mới trên Biển Đông, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng một mặt ngang nhiên nguỵ biện: “nếu như Trung Quốc tiến hành bất cứ hoạt động xây dựng hoà bình nào, hay triển khai các cơ sở phòng thủ cần thiết, thì đó là hoạt động rất bình thường vì nằm trong khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Mặt khác, ông này lại đổ lỗi “có một số cá nhân đang cố thổi phồng vụ việc”.

Điều đáng nói là, đúng vào thời điểm AMTI công bố hình ảnh vệ tinh lại diễn ra một loạt các cuộc họp hợp tác an ninh quốc phòng song phương thường niên (ADST) giữa các quan chức quân sự và quốc phòng của Trung Quốc và Philippines tại Camp Aguinaldo, Philippines. Ông Arsenio Andolong, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines cho hay, ADST là cơ chế đối thoại song phương giữa Philippines và Trung Quốc, được thành lập dựa trên Biên bản Ghi nhớ Hợp tác Quốc phòng 2004. Kể từ năm 2005, đã có 4 ADST được tổ chức luân phiên bởi 2 bên, với cuộc mới đây nhất được tổ chức tại Bắc Kinh năm 2013. Tại ADST lần thứ 5 lần này, quan chức hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình an ninh hiện nay cũng như vạch ra các kế hoạch nhằm đối phó với những mối lo ngại an ninh đối với cả hai nước. Ông cho biết, các cuộc thảo luận đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của khu vực. Tại đó, các quan chức đã nhất trí giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông, thông qua các phương thức hợp pháp, minh bạch và không áp đặt, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc các bên đã thông qua được khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm tránh những bất đồng nghiêm trọng có thể có giữa hai bên. Ông Andolong nhấn mạnh, phía Philippines tỏ ra lạc quan với việc hai bên đã thông qua được khung COC hồi tháng 8/2017 đã góp phần đưa hai nước đến gần hơn với việc đạt được một COC ở Biển Đông hiệu quả và có giá trị ràng buộc.

Trung Quốc úp mở kế hoạch độc chiếm Biển Đông bằng 10 vệ tinh giám sát

Ngày 15/12, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, theo tờ Hainan Daily dẫn lời chuyên gia Lý Hiểu Minh thuộc Viện nghiên cứu Trái đất số và Cảm biến từ xa Tam Á, Trung Quốc, nước này đang có kế hoạch phóng 10 vệ tinh trong 3 năm tới để giám sát 24/24 toàn bộ khu vực Biển Đông, động thái mà giới quan sát cho là nhằm “củng cố năng lực kiểm soát của Bắc Kinh ở khu vực “. Kế hoạch nói trên được hé lộ vài giờ sau khi Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố nhiều thông tin cùng hình ảnh cho thấy trong năm 2017, Trung Quốc đã tiếp tục âm thầm xây dựng phi pháp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Điều đáng lo ngại là, theo như một chuyên gia về cảm biến từ xa ở Bắc Kinh cho hay, số vệ tinh dự kiến phóng sẽ góp phần hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc để “sử dụng cho mục đích quân sự khi cần”. Cụ thể, Trung Quốc đang lên kế hoạch phóng 10 vệ tinh, bao gồm các vệ tinh viễn thám “siêu phổ” và “radar khẩu độ tổng hợp” tinh vi hơn, từ đảo Hải Nam ở phía Nam Trung Quốc từ nay cho tới năm 2021. Tân Hoa Xã cho biết 3 vệ tinh đầu tiên dự kiến sẽ đi vào quỹ đạo từ năm 2019, tiếp đó là các vệ tinh và radar còn lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới