Saturday, September 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHàn Quốc chọn Mỹ - Nhật hay Bắc Kinh?

Hàn Quốc chọn Mỹ – Nhật hay Bắc Kinh?

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã trở nên băng giá trong gần hai năm qua, thế nhưng giữa hai nước đang có quá nhiều đòn bẩy để nối lại mối quan hệ.

Ngày 13/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lên đường sang Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông tới Trung Quốc, kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 5 vừa qua.

Trong chuyến thăm lần này, ngoài các hoạt động gặp gỡ đại diện cộng đồng người Hàn Quốc đang sinh sống tại Trung Quốc và dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước, ông Moon Jae-in đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trọng tâm của gặp thượng đỉnh này, hai bên thảo luận các biện pháp thiết lập lại mối quan hệ song phương giữa hai nước và hướng giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng như xây dựng nền hòa bình trong khu vực. [1]

Gần hai năm qua, mối quan hệ Trung – Hàn trở nên băng giá kể từ khi Seoul đồng ý cho Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Cả Washington và Seoul đều khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối chỉ nhằm bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại phản ứng giận dữ khi cho rằng, động thái này đang làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Theo đó, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt các biện pháp chế tài trừng phạt kinh tế không chính thức đối với Hàn Quốc, khiến các công ty du lịch, các hãng sản xuất ô tô và nhà bán lẻ của Hàn Quốc điêu đứng.

Tuy nhiên, mối quan hệ Trung – Hàn đã có dấu hiệu ấm lại kể từ hồi tháng 11, khi Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam.

Vậy, dấu hiệu tan băng này bắt nguồn từ những lý do gì?

Hàn Quốc đã chấp nhận thực hiện yêu cầu “ba không” của Trung Quốc

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí tiến tới “bình thường hóa quan hệ song phương giữa hai nước”.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu đối với Hàn Quốc là phải thực hiện đầy đủ điều kiện “Ba không” mà Trung Quốc đặt ra.

Điều kiện “Ba không” này bao gồm: Hàn Quốc không được triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại nước này, không được tham gia bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào của Hoa Kỳ trên khắp khu vực, và không được tham gia liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những yêu cầu này đã được Tổng thống Moon Jae-in bước đầu chấp nhận và hứa sẽ thực hiện các hành động kiềm chế quân sự.

Có thể nói, đây là một sự “hy sinh” rất lớn của Hàn Quốc để đổi lấy việc cải thiện mối quan hệ kinh tế và chính trị với Bắc Kinh.

Đồng thời điều này cũng cho thấy Seoul không còn lựa chọn nào thích hợp hơn khi đứng cạnh người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn muốn có một lời hứa chính thức từ Hàn Quốc trong một hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước, và chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in lần này chính là cơ hội để hai bên khẳng định rõ ràng quan điểm hợp tác của mình.

Trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Moon Jae-in, ông Nam Gwan-Pyo, Phó giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc cho biết:

Chuyến thăm lần này sẽ là một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, bằng cách “khôi phục lại lòng tin song phương và tăng cường tình hữu nghị giữa các lãnh đạo hai nước”.

Nếu những điều mà hai bên đã dự tính được khẳng định chính thức trong cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, thì việc tan băng trong mối quan hệ Trung – Hàn chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, thực tế này lại đặt ra câu hỏi về vị trí của Hoa Kỳ và Nhật Bản trong chiến lược của Hàn Quốc đối với các đồng minh này.

Hàn Quốc dường như đang cố gắng đảm bảo sự cân bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc và với Hoa Kỳ, để không làm phật lòng bên nào, nhằm tránh những sức ép không cần thiết.

Còn đối với Nhật Bản, có vẻ như Hàn Quốc không thật sự mặn mà về một liên minh quân sự, khi các yếu tố về lịch sử và những tranh cãi xung quanh chủ quyền tại quần đảo Dokdo/Takeshima giữa hai nước vẫn đang là rào cản.

Bởi vậy, việc Hàn Quốc tán đồng và thực hiện điều kiện “Ba không” của Trung Quốc cũng là điều có thể hiểu được.

Vì lợi ích kinh tế giữa hai nước là không thể đánh đổi

Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ tư châu Á, bởi vậy quan hệ kinh tế, thương mại song phương có tác động rất lớn đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế hai nước.

Hồi tháng 6/2015, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do song phương (FTA) sau 3 năm đàm phán dai dẳng và được coi là thỏa thuận có khối lượng thương mại lớn nhất đối với Hàn Quốc cho đến nay.

Bởi nó bao trùm 17 lĩnh vực, trong đó có giao thương về hàng hóa và dịch vụ, các quy định về đầu tư và thương mại, cũng như thương mại điện tử và hoạt động mua sắm công.

Theo Hiệp định Thương mại Tự do song phương giữa hai nước, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ các hàng rào thuế quan đối với 92% sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc trong vòng 20 năm, trong khi Bắc Kinh sẽ miễn thuế cho 91% các loại hàng hóa của Hàn Quốc.

Hiệp định Thương mại Tự do song phương Trung – Hàn cũng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng giá trị thương mại hai chiều hàng năm lên hơn 300 tỷ USD.

Dự tính sau 10 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do song phương Trung – Hàn, sẽ giúp tăng GDP của Hàn Quốc thêm 0,96%, tạo thêm khoảng 53.800 việc làm mới cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Đối với Trung Quốc, Hiệp định Thương mại Tự do song phương cũng đem lại những lợi ích tương tự như Hàn Quốc.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất các loại hàng hóa của Hàn Quốc, ngược lại Hàn Quốc cũng là điểm đến của 25% sản lượng hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc.

Con số này cao hơn 12% so với thị trường Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc áp đặt các chế tài trừng phạt kinh tế không chính thức đối với Hàn Quốc do liên quan đến vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên tầm cao giai đoạn cuối, khiến cho nền kinh tế hai bên đều chịu thiệt hại.

Trong đó, Hàn Quốc là nước phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn.

Một cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc hồi tháng 3 (Ảnh: CNN)

Tính riêng ngành du lịch của Hàn Quốc đã phải chịu thiệt hại khoảng 4,7 tỷ USD do lượng khách du lịch từ Trung Quốc sụt giảm.

Đó là chưa kể đến doanh số thương mại của các hãng xe hơi, mỹ phẩm và các loại hàng hóa bán lẻ khác của Hàn Quốc bị sụt giảm nghiêm trọng do sự tẩy chay ở thị trường Trung Quốc.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phía Trung Quốc áp đặt đối với Hàn Quốc đã khiến sự tăng trưởng GDP của Hàn Quốc trong năm 2017 bị giảm 0,3 % [tương đương với tổn thất khoảng 14,76 tỷ USD] so với năm 2016. [2]

Ở chiều ngược lại, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc cũng khiến Trung Quốc rơi vào cảnh “gậy ông đập lưng ông”.

Bởi lâu nay, Trung Quốc phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng nguyên liệu từ Hàn Quốc để phục vụ các ngành công nghiệp sản xuất, nhất là các nguyên liệu thô, linh kiện và thiết bị công nghiệp.

Khi các biện pháp trừng phạt kinh tế được áp dụng, nguồn cung ứng nguyên liệu từ Hàn Quốc bị ngưng trệ, đã khiến các công ty sản xuất của Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Vì lẽ đó, việc Trung Quốc và Hàn Quốc xúc tiến các biện pháp để bình thường hóa quan hệ sau hơn một năm đóng băng là hoàn toàn phù hợp với lợi ích và nhu cầu phát triển kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước cả trong hiện tại và tương lai.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP)

Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu mà cả hai cùng hướng tới

Trung Quốc và Hàn Quốc đều là những quốc gia láng giềng của Triều Tiên, bởi vậy mọi sự biến động ở quốc gia bí ẩn nhất thế giới này đều có tác động ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của họ.

Vì lẽ đó, mà cả Bắc Kinh và Seoul đều thể hiện quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên thông qua các giải pháp hòa bình.

Hồi tháng 11, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm châu Á, trong các cuộc hội đàm song phương, cả Seoul và Bắc Kinh đều thể hiện rõ quan điểm kiên trì về giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề Triều Tiên với Washington.

Sự đồng nhất quan điểm này chính là chất xúc tác quan trọng để Bắc Kinh và Seoul xích lại gần nhau, nhằm ngăn chặn nguy cơ về một giải pháp quân sự mà Hoa Kỳ có thể sử dụng để trừng phạt Triều Tiên khi sự kiềm chế vượt quá giới hạn và thúc đẩy Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.

Tóm lại, mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã trở nên băng giá trong gần hai năm qua liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Hoa Kỳ, thế nhưng giữa hai nước đang có quá nhiều đòn bẩy để thúc đẩy họ nối lại mối quan hệ.

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Moon Jae-in chắc chắn sẽ mở ra một chương mới trong mối quan hệ Trung – Hàn, khi mà ngoài những đòn bẩy thúc đẩy họ, thì Hàn Quốc cũng đã chấp nhận điều kiện “Ba không” mà phía Trung Quốc đặt ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới