Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHồng Kông: Dân thiếu đất sống, lô đất quân đội TQ quản...

Hồng Kông: Dân thiếu đất sống, lô đất quân đội TQ quản lí vẫn “bất khả xâm phạm”

Theo hồ sơ chính quyền địa phương, quân đội Trung Quốc nắm quyền sở hữu khoảng 2.700 ha trên khắp toàn Hồng Kông.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa diễu hành cùng biểu ngữ “Vì một Hồng Kông ngày mai tốt đẹp hơn”. Ảnh: Reuters.

Khủng hoảng nhà đất nghiêm trọng

Theo Reuters, một số nhà lập pháp và nhà hoạt động tại Hồng Kông đã lên tiếng kêu gọi chính quyền địa phương xem xét sử dụng khu đất quân sự trị giá hơn 100 tỉ USD thuộc quyền kiểm soát của quân đội Trung Quốc trước tình hình thị trường bất động sản của đặc khu này đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Năm 1997, quân đội Anh chính thức trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, và chính sách “một quốc gia, hai chế độ” đã được duy trì tại đây.  Đến nay, tại Hồng Kông, Quân Giải phóng Nhân dân Trun Quốc (PLA) vẫn sở hữu 19 lô đất quân sự thuộc vùng chiếm đóng cũ của quân đội Anh.

Phóng viên Reuters cho biết, trong số các khu biệt thự, căn hộ cho sĩ quan, trường bắn… được xây dựng trên 19 lô đất quân sự thuộc sở hữu của PLA, hiện chỉ có vài địa điểm được sử dụng. Những địa điểm còn lại đều đã xập xệ, xuống cấp và hầu như bị bỏ hoang.

Ông Denis Ma, Trưởng phòng nghiên cứu công ty tư vấn bất động sản JLL, ước tính tổng giá trị khu đất quân sự có thể lên đến 135 tỉ USD.

Dựa vào giá đất tại khu vực lân cận, ông Ma kết luận chỉ riêng khu căn cứ trung tâm với diện tích khoảng 420.000m2 đã có tổng giá trị lên đến 29 tỉ USD. Nếu được quy hoạch hợp lý, 65.000 hộ gia đình có thể tái định cư tại khu đất quân sự này.

Theo hồ sơ chính quyền địa phương, PLA nắm quyền sở hữu khoảng 2.700 ha trên khắp toàn Hồng Kông.

Khủng hoảng bất động sản

Việc người dân thiếu nhà ở là một trong những nguyên do khiến căng thẳng xã hội và chính trị gia tăng tại Hồng Kông – một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.

Trước đề xuất của dư luận về việc lấy đất quân sự làm đất dân dụng, lực lượng đặc nhiệm mới thành lập thuộc chính quyền Hồng Kông chịu trách nhiệm quy hoạch nhà đất cho biết đề xuất này “khó có thể thực hiện.” Thay vào đó, nhóm này đề nghị cải tạo và tái sử dụng 1.400 ha diện tích đất cũ.

Theo thỏa thuận Trung – Anh năm 1997 và Luật Cơ bản của Hồng Kông, Bắc Kinh được quyền trực tiếp kiểm soát các mặt quốc phòng và đối ngoại của đặc khu tự trị này.

Người phát ngôn của lãnh đạo Hồng Kông tuyên bố: “Theo dữ liệu của chúng tôi, hiện nay tất cả các cơ sở quân sự tại Hồng Kông đều đang hoạt động với mục đích phòng vệ bình thường và không địa điểm nào bị bỏ hoang.”

Ông khẳng định chính quyền vẫn sẽ cẩn trọng cân nhắc đề xuất của người dân và dự kiến sẽ công bố khuyến nghị vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, theo ông Eddie Chu, một nhà lập pháp tại Hồng Kông, “chính quyền đặc khu này vẫn sẽ tránh đối đầu với Bắc Kinh, dù tái định cư lô đất quân sự thành đất dân dụng là điều hết sức bình thường”.

Hiện Bộ Quốc phòng Trung quốc chưa lên tiếng về vấn đề này.

Hệ thống phòng thủ tốt

Chuyên gia an ninh Hồng Kông đánh giá cao lực lượng quân sự hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc – điều này khác hẳn so với tình hình an ninh lỏng lẻo tại Hồng Kông khi quân đội Anh chiếm đóng vùng lãnh thổ này trong thời kì Chiến tranh Lạnh.

Ông Trevor Hollingsbee, cựu quan chức an ninh và hải quân Hồng Kông, cho biết: “Hiện nay Hồng Kông được bảo vệ sát sao bởi Tư lệnh Quân khu Nam của PLA. Tuy nhiên, sự hiện diện của lực lượng này tại Hồng Kông không phải vì lợi ích chiến lược quan trọng, mà để Trung Quốc khẳng định chủ quyền.”

Tại lễ kỉ niệm 20 năm quân đội Anh bàn giao lãnh thổ hồi tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố lực lượng PLA tại Hồng Kông là “hiện thân quan trọng của chủ quyền quốc gia.”

Các chuyên gia an ninh và nhà ngoại giao cho rằng doanh trại trung tâm, căn cứ hải quân, sân bay, doanh trại ở Kowloon – bãi chứa xe tăng hạng nhẹ, đồng thời là đồn trú của đơn vị chống bạo lực – là những căn cứ quân sự quan trọng đối với PLA.

Tuy nhiên theo Reuters, khu doanh trại ở Kowloon rộng 10 ha và các khu dân cư gần Shek Kong hầu như bị bỏ hoang. Một số lính gác vẫn được phân công bảo vệ lối vào khu doanh trại ở Kowloon, tuy nhiên một số tòa nhà tại đó có vẻ đổ nát và không có người ở.

Các khu dân cư ở Shek Kong ít được sử dụng dù là ngày hay đêm và an ninh tại đó khá lỏng lẻo. Tại các khu trại gần biên giới, các toán quân nhỏ chỉ tuần hành vào sáng sớm ngoài các hầm trú ẩn đầy cỏ dại.

Theo các nhà ngoại giao Hồng Kông, 122 ha diện tích pháo đài Stanley thuộc bờ biển phía Nam Hồng Kông hầu như cũng không được sử dụng.

Các chuyên gia an ninh cho rằng khoảng một nửa trong số 8.000 đến 10.000 binh lính PLA tại Hồng Kông đóng quân trong thành phố. Các đơn vị chủ chốt đóng quân tại miền Nam Trung Quốc cùng với các loại vũ khí tân tiến nhất, bao gồm máy bay phản lực và vũ khí phòng không.

Reuters cho hay, theo luật pháp Trung Quốc về đất quân sự, bất kì lô đất không được sử dụng đều phải được trao trả “miễn đền bù” cho chính quyền địa phương sau khi chính phủ phê duyệt, do đó bất kì thỏa thuận nào cũng không có lợi đối với phía PLA.

RELATED ARTICLES

Tin mới