Saturday, September 14, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 21/12/17

Bản tin Biển Đông ngày 21/12/17

Bản tin Biển Đông ngày 21/12/2017.

Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch hàng hải Châu Á hối thúc các bên tranh chấp Biển Đông xây dựng một lập trường thống nhất trước các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

ABS-CBN đưa tin, trả lời phỏng vấn của Đài ANC ngày 20/12, ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng các bên tranh chấp Biển Đông, bao gồm Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines, cần phải cùng nhau xây dựng một lập trường thống nhất và vững mạnh để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Ông Poling nhấn mạnh, các quốc gia Đông Nam Á này cần phải đặt ra một cách cụ thể những vấn đề họ muốn được đề cập trong COC, dù là vấn đề giải quyết tranh chấp hay dàn xếp chia sẻ tài nguyên một cách hợp lý. Bên cạnh đó, ông cho rằng để đạt được hiệu quả cao nhất, COC cũng sẽ phải nêu những vấn đề rất cụ thể khác, chẳng hạn như vấn đề quân sự hoá và những động thái được xem là “hành động gây hấn” – một nội dung chưa được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) hiện thực hoá. Ông Poling cũng hối thúc Chính phủ Philippines cần đưa ra lập trường mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông cũng như kêu gọi Manila và Washington có sự ghi nhận rõ ràng về Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Phi bởi “mối lo ngại lớn nhất” của Poling là “Trung Quốc sẽ bước qua lằn ranh đỏ mà họ lầm tưởng rằng sẽ không khiến Mỹ phải đưa ra phản ứng”, “chính điều này là tác nhân gây ra leo thang căng thẳng (ở Biển Đông) không dự đoán trước”.

Học giả quốc tế cảnh báo: năm 2018, Trung Quốc sẽ tăng cường phô trương sức mạnh quân sự trên biển nhằm răn đe các siêu cường ngoài khu vực

Ngày 20/12, VOA News đăng bài viết “Trung Quốc sẽ tăng cường phô trương sức mạnh quân sự trên biển nhằm răn đe các siêu cường ngoài khu vực” của nhà báo Ralph Jennings. Tác giả Jennings cho biết, theo nguồn tin từ các chuyên gia khu vực và quốc tế, trong năm 2018, Trung Quốc sẽ tăng cường phô trương quân sự nhằm “răn đe” các nước ngoài trong cũng như ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ… thông qua kế hoạch phát triển hệ thống viễn thám radar và đưa các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông làm bãi đỗ, đậu cho các máy bay chiến đấu, thậm chí còn có khả năng thiết lập một vùng nhận diện phòng không hoặc bất cứ phương thức kiểm soát trên biển nào khác. Theo Oh Ei Sun, chuyên gia nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore đánh giá, có thể Trung Quốc đang trông đợi rằng bằng việc tăng cường các hoạt động quân sự có thể giúp nước này tăng thêm “thế mặc cả”, qua đó loại bỏ sự “can dự” của Mỹ và các nước đồng minh, những nước có tiềm lực và ảnh hưởng lớn về mặt quân sự nhằm kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như đã có nhiều hỗ trợ đối với các nước Đông Nam Á là các bên tranh chấp Biển Đông “can thiệp” vào “điểm nóng” này trong năm tới. Ông Collin Koh, nghiên cứu viên về an ninh biển của Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng, sở dĩ các học giả quốc tế đưa ra cảnh báo trên là vì hiện nay Trung Quốc đã có đủ cơ sở vật chất để hạ đáp các máy bay chiến đấu và trạm dừng chân, tiếp nhiên liệu của các đội tàu, máy bay quân sự, sau khi ngang ngược tiếp tục hoạt động xây dựng thêm các cơ sở quân sự trên Biển Đông nhằm củng cố cho yêu sách lãnh thổ phi lý của mình trên Biển Đông, dù các yêu sách này đã bị bác bỏ bởi Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Ngoài ra, một lý do khác nữa là hồi tháng 11 vừa qua, tại Manila, Philippines, lãnh đạo các nước Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ – nhóm “Bộ Tứ” đã lên tiếng kêu gọi đảm bảo “các vùng biển tự do, cởi mở, thịnh vượng và toàn vẹn”. Ông Koh cho hay, để đối phó với sự kiện này, Trung Quốc sẽ tiếp tục viện cớ để vu cáo rằng chính sự can thiệp của các nước bên ngoài là nguyên do khiến Trung Quốc “phải” tiếp tục củng cố yêu sách của mình ở Biển Đông. Mặt khác, Bắc Kinh vẫn tiếp tục có những động thái “làm chìm” dư luận về tình hình Biển Đông, thông qua các dự án hỗ trợ và đầu tư ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí đưa ra cam kết về việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm giảm thiểu các vụ việc xảy ra trên biển vào năm 2018.

Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ: những tác động tích cực đối với Biển Đông

Ngày 21/12, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ: những tác động đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Yuki Tatsumi, Giám đốc Chương trình Nhật Bản của Trung tâm Stimson, Washington, Mỹ, nghiên cứu viên không thường trú tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, Tokyo, Nhật Bản. Trong bài viết, bà Yuki cho hay, Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ (National Security Strategy – NSS) được Tổng thống Donald Trump đưa ra ngày 18/12/2017 đã thể hiện “nỗ lực đầu tiên nhằm hiện thực hoá cam kết “Nước Mỹ trên hết” trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump thành các mục tiêu chiến lược quốc gia”, trong đó, chính quyền Tổng thống Trumps đã xác định rõ ràng việc đưa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chiến lược của mình. Tác giả nhận định, NSS đã khẳng định được tầm quan trọng của khu vực này đối với các nước đồng minh và đối tác của Mỹ và hơn hết, là “sự tái khẳng định đầy tích cực” về cam kết của chính quyền Mỹ nhằm đảm bảo rằng Mỹ vẫn có thể thể hiện được vai trò lãnh đạo trong sân chơi toàn cầu, và đặc biệt với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, những nước đang phải đối phó từng ngày với sức ép ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, cả về mặt an ninh lẫn kinh tế. 

RELATED ARTICLES

Tin mới