Friday, March 29, 2024
Trang chủĐàm luậnChính sách Biển Đông của Malaysia (Kỳ 2)

Chính sách Biển Đông của Malaysia (Kỳ 2)

Hai năm gần đây, một số động thái đáng chú ý của Malaysia liên quan đến vấn đề Biển Đông: Một là tiếp tục tăng cường thăm dò khai thác dầu khí tại bãi cạn South Luconia, kể từ tháng 8/2014, tăng thêm 3 giàn khoan; hợp tác với Australia thuê tàu trắc địa của Mỹ, tiến hành thăm dò tại bãi cạn South Luconia, thuê tàu thăm dò của Na Uy để thăm dò bãi cạn North Luconia. Hai là thái độ không thân thiện liên quan đến Biển Đông của người dân Malaysia có phần tăng lên.

Những thay đổi mới trong chính sách Biển Đông của Malaysia “thời đại hậu Trọng tài”

Tháng 4/2015, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26, trong bài phát biểu với tư cách nước chủ tịch luân phiên, Malaysia đã ám chỉ việc mở rộng xây dựng các hòn đảo tại Trường Sa của Trung Quốc, chỉ trích hành động này làm suy yếu sự tin tưởng lẫn nhau, có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Tháng 6/2015, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia, đô đốc Tan Sri Abdul Aziz Jaafar đã công bố những bất đồng giữa Trung Quốc và Malaysia tại Biển Đông, tiết lộ với truyền thông phương Tây tình hình hoạt động của các tàu chấp pháp Trung Quốc tại South Luconia, phóng đại sự “đối đầu” của tàu thuyền Trung Quốc và Malaysia tại South Luconia , tuyên bố sẽ có hành động ngoại giao, đồng thời sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại vùng biển này, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Những động thái này cho thấy mối hoài nghi của Malaysia đối với Trung Quốc có phần sâu sắc hơn, cũng chứng tỏ bất đồng trong nước Malaysia trong việc xử lý vấn đề Biển Đông trầm trọng hơn cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của thế lực ngoài khu vực đối với Malaysia đang tăng lên. 

Đầu năm 2016, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman trong cuộc phỏng vấn của phóng viên báo “Utusan Malaysia” đã nói có quan điểm cho rằng so với Philippines và Việt Nam, lập trường của Malaysia trong vấn đề Biển Đông quá “ôn hòa”, Anifah cho biết mỗi quốc gia đều có phương thức xử lý tranh chấp của riêng mình, không có cái gọi là “ôn hòa” hay “cứng rắn”, quan trọng là phải bảo vệ được lợi ích quốc gia. Ông một lần nữa nhấn mạnh hai lập trường đã xác định rõ ràng của Malaysia trong tranh chấp Biển Đông: một là, giải quyết tranh chấp lãnh thổ liên quan đến nhiều quốc gia bằng phương thức hòa bình; hai là, giải quyết vấn đề cần phải căn cứ vào luật pháp quốc tế, bao gồm “Công ước Liên hợp quốc về luật biển”. Khi được hỏi đến lập trường của Malaysia trong tranh chấp Biển Đông, Ngoại trưởng Anifah nói: Malaysia không công nhận tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc trong “đường 9 đoạn” , bởi vì tuyên bố này không phù hợp với những quy định liên quan trong “Công ước Liên hợp quốc về luật biển” 

Đối lập với những lời nói trên của Ngoại trưởng Anifar,  Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein lại cho thấy thái độ có phần cứng rắn của Chính phủ Malaysia. Nửa đầu năm 2014, Hishammuddin cho biết Chính phủ Malaysia có khả năng thực hiện “kế hoạch khu an ninh đặc biệt Sarawak”, cụ thể là thành lập một căn cứ hải quân mới tại cảng Bintulu bang Sarawak (cách bãi cạn James không đến 100 km), mục đích là tăng cường bảo vệ khu vực Biển Đông và các mỏ dầu của Malaysia, đồng thời còn gia tăng mua sắm vũ khí để tăng cường cho lực lượng hải không và không quân.

Tháng 7/2016, “Tòa trọng tài Biển Đông” kết thúc. Cùng với việc Duterte lên nắm quyền, quan hệ Trung Quốc-Philippines một dạo vô cùng căng thẳng đã được cải thiện rất nhiều. Chính quyền Duterte theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, bày tỏ thiện chí lớn trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc-Philippines. Vấn đề Biển Đông tuy có phần dịu đi trong nội bộ Trung Quốc-ASEAN, nhưng vẫn đối mặt với “cái nhìn hậm hực” của các nước lớn ngoài khu vực. Tước tình hình đó, Chính phủ Malaysia không thay đổi về chính sách, nhưng sẽ điều chỉnh dần từng bước. 

Mối lo âu về Trung Quốc tăng lên rõ rệt, những cân nhắc về kinh tế vẫn quan trọng hơn tranh chấp chủ quyền 

Từ năm 2013, tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên, mối lo âu chiến lược của Malaysia đối với Trung Quốc tăng lên rõ rệt, chính sách Biển Đông của Malaysia một dạo còn thay đổi “lệch khỏi quỹ đạo” Trung Quốc. Phòng bị chiến lược của Malaysia đối với diễn biến của tình hình Biển Đông và đối với vai trò chủ động của Trung Quốc tại Biển Đông tăng lên rõ rệt. 

Ba năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng sức mạnh quân sự và vai trò chủ động tại khu vực Biển Đông, Malaysia lựa chọn biện pháp an ninh và chính trị mang tính phòng bị đối với Trung Quốc. Chủ yếu bao gồm 3 phương diện: Một là, tăng cường bố trí quân sự, đẩy nhanh nâng cao sức mạnh hải quân; hai là, tăng cường hợp tác an ninh quân sự với thế lực ngoài khu vực chủ yếu là Mỹ, lợi dụng tối đa sự hoài nghi chiến lược lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ, để Mỹ cân bằng sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng khu vực không ngừng tăng lên của Trung Quốc, đạt được mục đích duy trì thế cân bằng ở khu vực Biển Đông; ba là, nỗ lực thúc đẩy ký kết “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), đẩy mạnh hợp tác và liên kết với Philippines, Việt Nam, thúc đẩy đoàn kết nội bộ ASEAN, làm suy yếu ưu thế của lực lượng biển Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. 

Tuy nhiên, cùng lúc đó, những năm gần đây, thâm hụt khổng lồ của Quỹ đầu tư nhà nước (1MDB) khiến Chính quyền Najib đang phải đối mặt với cục diện nghi ngờ và chất vấn ngày càng căng thẳng trong nước. Đối với Chính phủ Malaysia, phát triển kinh tế quốc gia và ổn định tình hình kinh tế đương nhiên là ưu tiên hàng đầu. Và trong bối cảnh chung phát triển kinh tế toàn cầu không mấy lạc quan, Trung Quốc với thực lực kinh tế ổn định vững vàng đã trở thành lực lượng quan trọng mà Chính phủ Malaysia cần dựa vào. Tại thời điểm này, Chính phủ Trung Quốc cũng thể hiện thành ý của mình đối với việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc-Malaysia. Điều này đối với Chính quyền Najib, là sự hỗ trợ tuyệt vời. Có thể nói, trong tình hình này, đối mặt với tranh chấp Biển Đông, cân nhắc về kinh tế của Malaysia rõ ràng quan trọng hơn tranh chấp chủ quyền.

Trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 31/10 đến ngày 6/11/2016, Thủ tướng Najib đã ký kết với Trung Quốc 14 bản ghi nhớ trị giá 230 tỷ NDT giữa các doanh nghiệp và 16 bản ghi nhớ giữa 2 chính phủ. Các thỏa thuận hợp tác bao gồm nhiều lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, vận tải hàng không, tài chính, kiến trúc, nông nghiệp, giáo dục, kiểm tra chất lượng, thuế, hải quan, phòng vệ, xây dựng cảng, xây dựng đường ống dẫn khí…

Nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc chỉ ra rằng chuyến thăm của Thủ tưởng Najib chủ yếu là thúc đẩy hợp tác “Vành đai và Con đường” ở Malaysia. Hợp tác trong tương lai giữa Trung Quốc và Malaysia cần rất nhiều “sự kết nối”, kinh tế thương mại, bến cảng, hợp tác sản xuất, khởi động các dự án lớn như Đường sắt cao tốc Kuala Lumpur–Singapore đều cần phải kết nối với Trung Quốc. Hồ Dật Sơn, cựu thư ký chính trị của Thủ tướng Naijib, nhà nghiên cứu cấp cao Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang Singapore cho rằng Malaysia nhận thức rõ ràng rằng trong tình hình kinh tế thế giới không mấy khởi sắc, Trung Quốc là bộ máy duy nhất có thể thúc đẩy kinh tế khu vực. Chính phủ Malaysia rất coi trọng vai trò đầu tàu kinh tế của Trung Quốc. Có thể nói, ưu tiên hàng đầu trong chuyến đi này của Najib là tìm bước đột phá mới để từng bước nâng cấp quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc-Malaysia, bởi vì vị trí đối tác thương mại lớn nhất với Trung Quốc trong các nước ASEAN mà Malaysia duy trì trong nhiều năm đã bị Việt Nam vượt qua vào năm 2016. Và mục tiêu tổng kim ngạch thương mại đạt 160 tỷ USD vào năm 2017 mà hai nước dự kiến có đạt được hay không, triển vọng dường như không mấy lạc quan. Vì vậy, Chính quyền Najib mong muốn nhanh chóng thúc đẩy tiến triển thực chất trong hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-Malaysia, mà việc thúc đẩy và thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước ở một mức độ rất lớn sẽ làm dịu tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. 

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2016, Thủ tướng Najib đã có cuộc hội đàm kín 35 phút với Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau khi hội đàm kết thúc, Thủ tướng Najib bày tỏ với truyền thông Malaysia rằng hai nước Trung Quốc-Malaysia đạt được nhận thức chung: Vấn đề Biển Đông là tranh chấp giữa hai nước hữu nghị có sự tin tưởng lẫn nhau, tranh chấp Biển Đông sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ mật thiết giữa hai nước Trung Quốc-Malaysia. Ông nói: “Vấn đề này không có lý do gì để không đạt được giải pháp cuối cùng. Vấn đề chủ quyền chắc chắn không phải là vấn đề đơn giản, cần phải mất nhiều thời gian để giải quyết, nhưng nó sẽ không trở thành vấn đề giữa hai nước”.

Trung tuần tháng 5/2017, Thủ tướng Najib tham dự Hội nghị thượng đỉnh hợp tác quốc tế “vành đai và Con đường”. Lãnh đạo hai nước Trung Quốc-Malaysia đích thân chứng kiến doanh nghiệp hai nước ký kết và trao đổi 9 bản ghi nhớ với tổng giá trị 7,22 tỷ USD bao gồm các lĩnh vực hợp tác như kiến trúc, nông nghiệp, thị trường chứng khoán, cơ sở hạ tầng và bến cảng…, trong đó bao gồm cả kế hoạch “thành phố robot tương lai” tại bang Johor đang thu hút nhiều sự quan tâm.

Tuy nhiên, vào ngày 15/7, Thủ tướng Najib chính thức tuyên bố dừng hợp đồng “dự án hợp tác thành phố Malaysia” mà trước đó Chính phủ Malaysia đã ký với Trung Quốc. Sự tuyên bố đơn phươngdừng hợp đồng và tỏ ra mập mờ không rõ ràng của nhà chức trách Malaysia đã dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ Trung Quốc-Malaysia đang trên đà phát triển tốt. Người ta cho rằng Chính quyền Najib tuy có phần thất thường, nhưng vẫn nhận thức rõ rằng xử lý tốt quan hệ với Trung Quốc, lợi nhiều hơn hại. Cùng với việc đề xướng “Vành đai và Con đường” không ngừng triển khai, thúc đẩy và nâng cấp tại các quốc gia dọc tuyến, những lợi ích mà nó mang đến như kích thích phát triển công nghiệp, tăng cơ hội việc làm, thúc đẩy trao đổi văn hóa, tăng thu nhập quốc dân… chắc chắn sẽ thu hút Malaysia tham gia hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-Malaysia. 

Giữ thái độ cảnh giác, nhưng vẫn tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng với Trung Quốc

Tháng 3/2014, xảy ra sự kiện máy bay hành khách MH370 của hãng hàng không Malaysia mất liên lạc, trong số 239 hành khách trên máy bay có đến 154 là người Trung Quốc. Hạm đội tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc cử đi lớn nhất (có khoảng 12 tàu tìm kiếm cứu nạn, trong đó có hai tàu tàu lưỡng thê 10 nghìn tấn). Công tác tìm kiếm cứu nạn ban đầu do Việt Nam điều phối, sau đó do Malaysia tiếp quản. Mặc dù Malaysia thiếu các thiết bị phần cứng và kinh nghiệm tìm kiếm cứu hộ, nên phải dựa vào “Công ước quốc tế về hàng không dân dụng”, nhưng vẫn từ chối trao quyền điều phối tìm kiếm cho Trung Quốc – nước có lượng tàu cứu hộ lớn nhất và kinh nghiệm phong phú, hoặc cùng phối hợp với Trung Quốc. Sau khi đơn vị tìm kiếm phát hiện máy bay mất dấu vết ở Nam Ấn Độ Dương, ngày 17/3/2014 Malaysia trao quyền điều phối tìm kiếm cứu nạn cho Australia, Trung Quốc chỉ có thể tiếp tục trở thành nước tham gia. Việc Malaysia kiên quyết từ chối trao quyền tìm kiếm cứu hộ tại Biển Đông cho Trung Quốc, hoặc cùng phối hợp với Trung Quốc, nhưng sẵn sàng ngay lập tức trao quyền điều phối cứu nạn cho Australia, thể hiện sự cảnh giác của Malaysia đối với việc lực lượng hải quân Trung Quốc can dự vào khu vực này. 

Ngoài ra, từ những năm 1990 đến nayMalaysia luôn tích cực lập kế hoạch mua sắm thiết bị trinh sát và vũ khí tấn công trên biển và trên không như tàu hộ tống, tên lửa đạn đạo chống tàu ngầm, rađa, máy bay trực thăng thậm chí cả tàu ngầm từ các nước lớn quân sự của thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức…, đồng thời lập kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân tại bang Sarawak. Những hành động này chịu ảnh hưởng từ sự cạnh tranh vũ khí đang gia tăng giữa các nước quanh Biển Đông những năm gần đây, nhưng đồng thời cũng là một cách phản ứng phòng vệ đối với việc Trung Quốc tăng cường vai trò chủ động tại vùng biển Nam Sa, cũng cho thấy rằng Malaysia mang trong mình mối lo xung đột quân sự tại Biển Đông. 

Tuy nhiên, Malaysia với nhân tố cân nhắc lấy lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng làm then chốt, đồng thời với việc duy trì phản ứng cảnh giác với Trung Quốc, cũng tăng cường hợp tác với Trung Quốc về an ninh quân sự. Trong tất cả các dự án hợp tác mà hai nước đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Najib hồi tháng 10/2016, việc tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực quốc phòng nhận được sự quan tâm nhất. Hai nước một lần nữa ký kết “Bản ghi nhớ về quốc phòng”, đồng thời, Malaysia mua 4 tàu tuần tra ngoài khơi của Trung Quốc, đây là lần đầu tiên Malaysia mua vũ khí quân sự của Trung Quốc, chứng tỏ sự thăng cấp trong hợp tác quân sự hai nước. Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Malaysia, Nhiêu Triệu Bân, cho rằng từ góc độ thực tế, có lẽ chỉ là sự cân nhắc về giá cả. Ngân sách quốc phòng của Malaysia hiện nay giảm mạnh, nếu tiếp tục mua thiết bị quân sự với giá tương đối đắt từ các nước châu Âu và Mỹ thì có lẽ hơi khó. Malaysia chuyển hướng sang mua tàu chiến của Trung Quốc với giá tương đối rẻ mà chất lượng cũng không tồi, cũng là điều hợp lý. Cho dù thế nào, “bản ghi nhớ quốc phòng mà Trung Quốc-Malaysia ký kết lần này thể hiện ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Về quan điểm này, mặc dù giải pháp cuối cùng của tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Malaysia vẫn cần một quá trình rất dài, nhưng khả năng phát sinh xung đột giữa hai nước đã giảm đáng kể.

Đầu tháng 1/2017, tàu ngầm Xing Dao và CNS Chang Cheng của Hải quân Trung Quốc đã cập cảng Kota Kinabalu của Malaysia nghỉ ngơi và tiếp nhiên liệu, đó là lần đầu tiên tàu ngầm Trung Quốc đến thăm Malaysia. Căn cứ hải quân Kota Kinabalu hướng ra Biển Đông, có vị trí chiến lược quan trọng, là điểm tiếp tế quan trọng khi tàu ngầm hạt nhân của quân đội Mỹ đi qua Tây Thái Bình Dương, trước đây thường đón tiếp hải quân các nước Mỹ, Nhật Bản, Philippines ghé thăm. Các nhà phân tích chỉ ra rằng tàu ngầm Trung Quốc cập bến căn cứ hải quân của Malaysia chứng minh giữa Malaysia và Trung Quốc có mối quan hệ thân thiết tin cậy lẫn nhau, đồng thời cũng cho thấy tình hình Biển Đông đang dịu đi.

RELATED ARTICLES

Tin mới