Thursday, April 25, 2024
Trang chủQuân sựSự thật đằng sau việc Mỹ điều tàu chiến tới gần Triều...

Sự thật đằng sau việc Mỹ điều tàu chiến tới gần Triều Tiên

Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, Triều Tiên chỉ là cái cớ để Mỹ điều động hàng loạt tàu chiến tới Thái Bình Dương để kiềm chế tham vọng mở rộng sự hiện diện quân sự cua Trung Quốc trong khu vực.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Mỹ dường như có kế hoạch triển khai thêm từ 4 – 6 nhóm tác chiến tàu sân bay tới Thái Bình Dương dưới cái cớ ngăn chặn mối đe dọa từ các vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Triều Tiên.

Trước đó, giới phân tích cũng cho rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwangsong-15 mà Triều Tiên thử nghiệm cuối tháng 11 có tầm bắn lên tới 13.000 km. Với tầm bắn này, toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trọn trong phạm vi tấn công của tên lửa Triều Tiên.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành mọi sứ mệnh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khả năng lực lượng từ Hạm đội 3 hoặc một đơn vị tương tự sẽ đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay”, Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ chia sẻ hôm 18/12.

Tuy nhiên, ông Richardson không đề cập tới khi nào và bao nhiêu tàu chiến sẽ được huy động trong thời gian tới.

Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc lại có suy nghĩ hoàn toàn khác với tuyên bố từ phía Lầu Năm Góc.

Cụ thể, theo nhà bình luận quân sự của Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong), ông Song Zhongping, mục đích chính của Mỹ là nhằm vào sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong khu vực.

“Hải quân và không quân Trung Quốc sẽ đối mặt với vô vàn thách thức nếu Mỹ tăng cường triển khai lực lượng tới khu vực Tây Thái Bình Dương. Nhiều khả năng Lầu Năm Góc sẽ điều động từ 4 – 6 nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực”, ông Song nói. 

 Cũng theo ông Song, nếu Lầu Năm Góc có ý định tiến hành một sứ mệnh quân sự chống lại Triều Tiên, Mỹ sẽ cần từ 4 – 6 nhóm tác chiến tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương. Còn hiện tại, Mỹ mới chỉ điều động có 3 nhóm.

Chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, ông Li Jie đồng tình với quan điểm của ông Song. Ông Li nhấn mạnh thực chất, mục tiêu của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc. Bởi ngay cả những thông tin ban đầu về chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ cũng chỉ ra rằng, Nga và Trung Quốc bị xem là “địch thủ” của Mỹ.

“Mỹ cảm thấy bị áp lực khi phải chứng kiến sự lớn mạnh nhanh chóng của không quân và hải quân Trung Quốc”, ông Li chia sẻ với SCMP.

Theo ông Li, trong hoàn cảnh “sóng yên biển lặng”, Mỹ chỉ cần duy trì sự hiện diện của một nhóm tác chiến tàu sân bay trong khu vực nhưng quân đội Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh để phản ứng trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

“Chính quyền của Tổng thống Trump nhận ra rằng hoạt động triển khai lực lượng gần đây không đủ để đối phó trước những thách thức an ninh ngày một lớn trong khu vực”, ông Li nhấn mạnh.

Ông Li nói thêm động thái của Mỹ không có gì là đáng ngạc nhiên bởi Trung Quốc sẽ sớm có hai nhóm tác chiến tàu sân bay, do đó Mỹ cần đề phòng trước.

RELATED ARTICLES

Tin mới