Saturday, October 5, 2024
Trang chủĐiểm tinBổ nhiệm trợ lý ngoại giao mới, Mỹ muốn "nắn gân" TQ?

Bổ nhiệm trợ lý ngoại giao mới, Mỹ muốn “nắn gân” TQ?

Nhà Trắng vừa bổ nhiệm bà Susan Thornton vào vị trí Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á.

Bà Susan Thornton

Nhà Trắng vừa bổ nhiệm bà Susan Thornton vào vị trí Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trong bối cảnh ông Trump vừa mới công bố chiến lược an ninh quốc gia mới. 

Liệu đây có phải là bước đi của Washington trong việc thay đổi cơ bản chính sách đối với khu vực châu Á mà cụ thể là nhắm tới Trung Quốc?

25 năm kinh nghiệm về châu Á

Theo báo The Diplomat ngày 26/12, bà Susan Thornton là một nhà ngoại giao với hơn 25 năm kinh nghiệm, thông thạo tiếng Trung và tiếng Nga. Bà Thornton đã đi cùng với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong nhiều chuyến đi đến châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2017.

Bà Thornton đã từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama và Tổng thống Bush. Nhà ngoại giao này cũng nhiều lần xuất hiện trước báo chí để thông báo các chính sách châu Á kể từ khi ông Trump lên cầm quyền từ đầu tháng 1/2017.

Theo tiểu sử trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Thornton đã từng giữ các chức vụ ngoại giao quan trọng tại các đại sứ quán, các văn phòng hợp tác quốc tế ở nhiều quốc gia Đông Á như: Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc.

Từ tháng 2/2016 trở đi, bà được bổ nhiệm vị trí Phó trợ lý chính cho Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách các chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Mông Cổ.

Hiện, bà Thornton là quyền trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề ngoại giao khu vực Đông Á và Thái Bình Dương từ tháng 3/2017, thay thế ông Daniel R. Russel, người phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Obama.

Theo nhiều báo cáo, Ngoại trưởng Tillerson từ lâu đã ủng hộ bà Thornton cho vị trí trợ lý ngoại trưởng. Và nếu đề cử được Thượng viện thông qua, bà Thornton sẽ trở thành một nhân vật quan trọng nắm giữ chính sách ngoại giao đối với các quốc gia Đông Á, Thái Bình Dương.

Nhắm tới Trung Quốc

Dù quyết định bổ nhiệm bà Susan Thornton của Nhà Trắng sẽ còn phải được thông qua tại Thượng viện, đồng thời chưa rõ việc bổ nhiệm này sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách của Mỹ ở châu Á, nhưng các chuyên gia nhận định rằng, có một sự khác biệt lớn về các ưu đãi chính sách thương mại của ông Trump so với chính quyền trước đây do ông Obama lãnh đạo.

Cần chú ý rằng, bà Thornton được bổ nhiệm một ngày sau khi chính quyền Tổng thống Trump công bố Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên, trong đó, xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược và kinh tế chính của Hoa Kỳ.

Cụ thể, ngày 18/12 vừa qua, ông Trump cho rằng, Trung Quốc muốn định hình một thế giới đối chọi với các giá trị và lợi ích của Mỹ, “Trung Quốc muốn thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, mở rộng tầm ảnh hưởng của họ và thiết lập lại trật tự trong khu vực theo hướng có lợi cho nước này”.

Các chuyên gia của The Diplomat cho rằng, tuyên bố này cho thấy nỗi ám ảnh của Hoa Kỳ về sự giành đặc quyền thương mại làm mất châu Á vào tay Trung Quốc.

Với chiến lược “Nước Mỹ trước tiên”, theo các nhà phân tích, ông Trump sẽ thay đổi lại hoàn toàn chính sách đối ngoại của mình tại châu Á và cụ thể là đối với Trung Quốc.

Giáo sư David M Lampton, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins cho rằng, Trung Quốc đã mở rộng các mối liên kết khu vực và thúc đẩy đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế ở các nước phụ cận Trung Quốc để biến Trung Quốc thành tâm điểm của khu vực đang tăng trưởng nhanh này.

Mỹ không còn đứng ở vị trí có thể thúc ép Trung Quốc để buộc nước này phải hợp tác. Mọi sự thay đổi chính sách ở Bắc Kinh phải được mang ra thương thảo và trong những vụ thương thảo này Washington muốn có được sự cân bằng quyền lực và lợi ích.

Nhà Trắng sẽ áp dụng một cách tiếp cận táo bạo hơn đối với các hoạt động thương mại bị Hoa Kỳ cho là “không lành mạnh” của Trung Quốc, đặc biệt, liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, cũng như tăng cường khảo sát kỹ lưỡng sự đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, thương mại hai chiều lớn hơn sẽ tăng cường cán cân thương mại của Mỹ với Trung Quốc trên cơ sở song phương.

Và tất nhiên, ông chủ Nhà Trắng mong muốn bà Thornton sẽ dùng kinh nghiệm, sự am hiểu về văn hóa, ngôn ngữ, chính trị của Trung Quốc để giúp Hoa Kỳ lấy lại tầm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới