Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTham vọng tàu sân bay Nhật

Tham vọng tàu sân bay Nhật

Kế hoạch đưa chiến đấu cơ tàng hình F-35B lên tàu khu trục của Nhật đang khiến Trung Quốc vô cùng lo ngại.

Các nguồn tin chính phủ Nhật vừa tiết lộ nước này có thể nâng cấp tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo để có thể vận hành chiến đấu cơ tàng hình F-35B mua của Mỹ. Theo giới quan sát, động thái này có thể nhằm đối phó tình trạng bành trướng trên biển của Trung Quốc và mối đe dọa từ tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Theo tờ Japan Today, tàu khu trục Izumo có thể được nâng cấp để có khả năng chở theo 10 chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35B vào đầu thập niên 2020. Kế hoạch nâng cấp bao gồm việc tăng cường khả năng chịu nhiệt trên boong để đối phó với sức nóng từ động cơ của F-35B cũng như thiết kế lại độ dốc của đường băng. Chi phí cho việc nâng cấp có thể sẽ được tính vào ngân sách tài khóa 2018.

Hiện Nhật sở hữu một số máy bay F-35A theo hợp đồng mua tổng cộng 42 chiếc ký kết với Hãng Lockheed Martin của Mỹ. Phiên bản này cất cánh và hạ cánh trên đường băng thông thường.

Trong khi đó, F-35B có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng nên có thể hoạt động trên tàu khu trục lớp Izumo được nâng cấp.

 Dù có tên gọi là tàu khu trục chở trực thăng nhưng Izumo có chiều dài đến 248 m, vượt trội so với dòng tàu đổ bộ Mistral của Pháp có thiết kế tương tự, cũng như dài hơn cả tàu sân bay Príncipe de Asturias của Tây Ban Nha (196 m) và tàu sân bay Cavour của Ý (244 m). Theo Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (Mỹ), chiều dài của Izumo thừa sức để hoán cải thành tàu sân bay. Nhật hiện sở hữu 2 tàu chiến thuộc lớp này là Izumo và Kaga.

Bên cạnh đó, một nguồn tin chính phủ Nhật tiết lộ việc tăng cường tập trận với các tàu sân bay của Mỹ trong vài tháng qua “là cơ hội tuyệt vời để tận mắt chứng kiến quân đội Mỹ vận hành tàu sân bay”.

Tham vọng tàu sân bay Nhật - ảnh 3

Chiến đấu cơ F-35B của Mỹ Ảnh: Hải quân Mỹ

Trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết “vì lý do lịch sử” nên láng giềng của Nhật và cộng đồng quốc tế luôn theo dõi sát sao mọi động thái của Nhật trong lĩnh vực an ninh quân sự. “Chúng tôi kêu gọi Nhật tiếp tục xây dựng lòng tin lẫn nhau và tăng cường hòa bình, ổn định trong khu vực”, bà Hoa phát biểu và cảnh báo rằng các hành động của Nhật có thể vi phạm hiến pháp của nước này.

Hiến pháp Nhật được ban hành sau khi nước này bại trận trong Thế chiến 2 không cho phép nước này duy trì hải, lục, không quân, đồng thời không được đe dọa hoặc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Do đó, Nhật chỉ duy trì Lực lượng phòng vệ (SDF) và mọi trang bị liên quan chỉ được dùng cho mục đích phòng thủ.

 “Tàu sân bay phòng vệ”

Theo tờ The Asahi Shimbun, để đối phó, các quan chức Bộ Quốc phòng hiện đang xem xét lại đề cương Chương trình phòng vệ quốc gia và biên soạn Chương trình phòng vệ trung hạn mới vào cuối năm 2018, trong đó sẽ đề cập đến khả năng nâng cấp tàu Izumo. Một quan chức Bộ Quốc phòng cho rằng Izumo sẽ hoạt động như một “tàu sân bay phòng vệ” với nhiệm vụ bảo vệ các đảo ở xa như quần đảo Sensaku, vốn cũng bị Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền, lần lượt đặt tên là Điếu Ngư và Điếu Ngư Đài. Khi đó, Izumo sẽ là trạm tiếp nhiên liệu cho tiêm kích tuần tra giám sát các đảo.

Tờ Japan Today phân tích rằng Thỏa thuận trao đổi dịch vụ (ACSA) ký kết với Mỹ có hiệu lực từ tháng 4.2017 cho phép Nhật tiếp nhiên liệu cho những máy bay quân sự Mỹ trong nhiều tình huống. Các quan chức Nhật cho rằng đây là một lý do nữa để Nhật có thể vận hành “tàu sân bay phòng vệ”. Trong trường hợp sân bay trên các đảo nhỏ của Nhật hoặc căn cứ quân sự của Mỹ ở đây bị tấn công thì tàu sẽ trở thành đường băng di động và nơi tiếp nhiên liệu cho máy bay Mỹ. “Nếu sử dụng cho mục đích phòng vệ thì tàu sẽ không bị xếp vào loại tàu sân bay có khả năng tấn công”, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định.

Hàn Quốc muốn trang bị F-35B trên tàu tấn công đổ bộ

Nhiều nguồn tin quân sự cho hay Hàn Quốc đang cân nhắc vận hành chiến đấu cơ F-35B trên tàu đổ bộ tấn công thứ hai thuộc lớp Dokdo, dự kiến sẽ hạ thủy vào năm 2020.

Theo Hãng tin Yonhap, tàu đổ bộ đầu tiên thuộc lớp Dokdo được đưa vào biên chế năm 2007 chỉ có thể vận chuyển trực thăng do vật liệu chế tạo boong tàu này không chịu được nhiệt độ cao hay ma sát lớn do các máy bay chiến đấu gây ra. Năm 2014, Hàn Quốc quyết định mua 40 máy bay F-35A trị giá 6,75 tỉ USD. Mới đây, một số nguồn tin quân sự tiết lộ Seoul có thể mua thêm F-35B để bù vào số tiêm kích F-4 và F-5 sắp bị đưa ra khỏi biên chế.

RELATED ARTICLES

Tin mới