Thursday, April 18, 2024
Trang chủQuân sựMạng lưới giám sát ngầm của TQ

Mạng lưới giám sát ngầm của TQ

Giới chuyên gia cho rằng hệ thống giám sát công nghệ cao không chỉ giúp Trung Quốc thu thập dữ liệu dưới nước mà còn cải thiện khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu của tàu ngầm.

Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đang vận hành một hệ thống mạng lưới giám sát khổng lồ dưới nước. Dự án do Viện Hải dương học Nam Hải trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS) dẫn đầu, dựa trên một mạng lưới với vệ tinh, phao, tàu mặt nước và tàu lượn dưới nước để thu thập dữ liệu từ Biển Đông đến tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Dữ liệu sau đó được gửi đến 3 trung tâm tình báo để phân tích và xử lý. Ba trung tâm này gồm một tại tỉnh Quảng Đông, một cơ sở ở Nam Á và một được đặt phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên Biển Đông.

 Không chỉ đơn thuần thu thập và tính toán, mạng lưới này còn có thể dự báo độ mặn và nhiệt độ của nước ở nhiều vị trí bất kể độ sâu hay thời điểm nào. Điều này thực tế phục vụ cho mục đích quân sự, cụ thể là hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc nhằm giúp nước này theo đuổi những tham vọng lớn trên biển. Theo giới chuyên gia, thông thường, các tàu ngầm sử dụng sóng âm phản xạ để phát hiện, định vị và tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, sóng âm di chuyển dưới nước bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ và độ mặn của nước biển, vì vậy nếu chỉ huy tàu ngầm không nắm được những yếu tố này thì có thể gặp khó khăn trong việc xác định, tấn công mục tiêu, thậm chí rơi vào tình trạng mất kiểm soát ở khu vực tác chiến.

Nhà nghiên cứu Du Vĩnh Cường tại CAS, thành viên nhóm chuyên gia theo dõi mạng lưới giám sát dưới nước của Trung Quốc, nói: “Bạn chắc chắn không muốn bắn ngư lôi vào điểm A khi kẻ thù đang nhằm vào bạn từ điểm B”. Cũng theo ông Du, ngoài cải thiện khả năng nhắm trúng mục tiêu, hệ thống giám sát này còn giúp tàu ngầm điều hướng an toàn hơn nhiều khi đi qua các vùng nước dữ.

Lợi thế xoay chuyển cục diện

Theo tờ South China Morning Post, dự án trên là một phần trong tham vọng mở rộng sức mạnh quân sự chưa từng thấy của Trung Quốc nhằm thách thức Mỹ ở các vùng đại dương rộng lớn trên thế giới. Chuyên gia Du cho biết trước đây các chỉ huy tàu ngầm Mỹ luôn có lợi thế hơn Trung Quốc ngay cả ở Biển Đông, vì họ có nhiều thập niên nghiên cứu môi trường biển. Ông Du cho rằng mạng lưới giám sát trên thể hiện sự tiến bộ trong năng lực tác chiến dưới nước của Trung Quốc nhưng quy mô hệ thống vẫn nhỏ bé hơn nhiều so với Mỹ. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển các dự án thúc đẩy năng lực này. Theo báo cáo của Trung tâm An ninh mới (Mỹ), đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có khoảng 260 tàu ngầm và tàu chiến, trong khi hạm đội của Mỹ chỉ có 199 chiếc. Khi cuộc chiến dưới nước trở nên khốc liệt, những công cụ như mạng lưới giám sát như vậy có thể là điểm khác biệt giữa người thắng và kẻ thua.

Bên cạnh đó, Trung Quốc phát triển mạng lưới giám sát còn nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế dọc theo con đường tơ lụa trên biển, từ bán đảo Triều Tiên cho đến vùng biển phía đông châu Phi. Theo giới chuyên gia, khi dự án khổng lồ này ngày càng phát triển, Trung Quốc sẽ đụng chạm xung đột lợi ích với các nước khác, trong khi lực lượng hải quân của họ lại thiếu kinh nghiệm tác chiến bên ngoài. Lúc này, hệ thống giám sát được cho là có thể tạo lợi thế cho Trung Quốc trước đối phương.

Bổ nhiệm tướng thông thạo về Biển Đông
 
Truyền thông Trung Quốc hôm qua đưa tin trung tướng Từ An Tường, 61 tuổi, từng đứng đầu lực lượng không quân của Chiến khu Nam bộ, vừa được bổ nhiệm làm 1 trong 10 ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Không quân nước này. Ông Từ là người duy nhất có chuyên môn về vấn đề Biển Đông trong ban thường vụ. Ông từng tham gia nhiều cuộc huấn luyện và tuần tra trên Biển Đông. Nhà phân tích quân sự Tăng Chí Bình tại Viện Công nghệ Nam Xương nhận định không quân Trung Quốc cần nhân sự cấp cao có hiểu biết chuyên sâu và kinh nghiệm về Biển Đông. Theo chuyên gia này, việc ông Từ được bổ nhiệm phản ánh sự thay đổi đáng kể về chiến lược quân sự của Trung Quốc, cho thấy Bắc Kinh rất chú trọng vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới