Thursday, October 10, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 04/01/2018

Bản tin Biển Đông ngày 04/01/2018

Bản tin Biển Đông ngày 04/01/2018.

Bị dư luận quốc tế “chạm gáy” ngay từ đầu năm mới, Viện nghiên cứu Trung Quốc mau chóng phủ nhận thông tin liên quan đến mạng do thám ngầm nước này lắp đặt dưới Biển Đông

Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, ngày 03/01, Viện Hải dương học Trung Quốc thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) đã phủ nhận những thông tin do tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông ngày 01/01 tiết lộ rằng nước này đang triển khai mạng lưới do thám ngầm nhằm phục vụ mục đích quân sự dưới Biển Đông. Theo đó, nhân viên này khẳng định rằng “Viện Hải Dương học không có thông tin gì về bất cứ hệ thống nào mà Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đã đưa tin, cũng như chưa hề công bố bất cứ thông tin nào trên trang mạng chính thức của mình về mạng lưới quân sự”, “hệ thống môi trường biển duy nhất hiện có sự góp mặt của Viện chỉ thuần tuý về nghiên cứu khoa học”. Ông Chen Xiangmiao, nghiên cứu viên tại Viện Nam Hải quốc gia cũng một mực quả quyết rằng “Trung Quốc chưa bao giờ lắp đặt bất cứ cơ sở do thám nào trên Biển Đông” vì lý do “một dự án như vậy là rất tốn kém”. Mặc dù vậy nhưng ông Chen vẫn cho rằng “có lý do chính đáng cho việc Trung Quốc bố trí các cơ sở ở khu vực nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, chẳng hạn như “theo dõi sự thay đổi về thuỷ văn hoặc biến đổi khí hậu tại các vùng biển” (nhưng không dám khẳng định rõ là vùng biển nào!)

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đẩy rất mạnh các hoạt động mà họ tuyên bố là “nghiên cứu khoa học biển” và “triển khai kế hoạch xây dựng mạng lưới quan sát ngầm” hay như tin mới đây nhất do Tân Hoa xã cung cấp nói rằng Trung Quốc sẽ phóng 10 vệ tinh trong 3 năm tới để do thám Biển Đông. Mặc dù vậy song đây lại là lần đầu tiên phía Trung Quốc vội vàng lên tiếng bác bỏ thông tin “cáo buộc” đối với họ. Dư luận hiện hoài nghi rằng Viện Hải Dương học Trung Quốc dường như đã có phần khá nhạy cảm với những bình luận của Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nói rằng “dự án mạng lưới do thám được coi là một phần trong “hoạt động mở rộng quân sự chưa từng có nhằm thách thức Mỹ ở các vùng biển trên thế giới”. Đây là một trong những cáo buộc mà Chính phủ Trung Quốc rất lo ngại vì nước này luôn phải tìm cách né tránh sự phản đối của dư luận đối với các hành động củng cố yêu sách chủ quyền phi lý cũng như kiểm soát trên thực địa của mình. Đồng thời, “một hoạt động mở rộng quân sự” đầy tính khiêu khích với những tác động không dừng lại ở phạm vi khu vực như vậy chắc chắn sẽ lôi kéo sự chú ý của các nước có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông về bảo đảm quyền tự do hàng hải và thương mại xuyên suốt, điều mà Trung Quốc chưa bao giờ thôi ám ảnh. Không những thế, mặc dù luôn khẳng định các hoạt động liên quan trên Biển Đông chỉ nhằm mục đích dân sự song trên thực tế, các chuyên gia nghiên cứu về hàng hải đã cảnh báo rằng hệ thống vệ tinh sẽ triển khai vẫn có thể “chuyển sang mục đích quân sự khi cần”.

Quân đội Trung Quốc mới công bố thêm thông tin về hệ thống vệ tinh Hải Nam hoạt động trên Biển Đông

Ngày 03/01, Mạng Quân sự Trung Quốc cho biết, liên quan đến thông tin mà Công ty Tin học Địa chất ChinaRS thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) mới đưa ra ngày 14/12/2017 về việc công bố chính thức dự án vệ tinh “Hải Nam số 1”, theo những tính toán có được, một khi số vệ tinh được tăng lên (đến 8 chiếc) thì hệ thống này sẽ thực hiện việc quan trắc thời tiết thường xuyên đối với các khu vực biển và vùng nhiệt đới nằm giữa vĩ độ 30 độ Bắc và 30 độ Nam, trong đó có Biển Đông. Ông Yang Tianliang, Giám đốc Dự án nói trên, khẳng định: “có hơn 50 đảo, đá rải rác ở Biển Đông; việc giám sát và quản lý các vùng biển lớn, bảo vệ chủ quyền quốc gia và xây dựng một tỉnh biển vững mạnh của Trung Quốc đòi hỏi sự hỗ trợ của công nghiệp cảm biến viễn thám”, thậm chí còn ngang nhiên tuyên bố rằng “Dự án vệ tinh Hải Nam số 1 có thể theo dõi tất cả các đảo, đá và tàu thuyền trên Biển Đông”. Li Xiaoming, thành viên dự án, thì cho rằng Hải Nam là “một căn cứ chiến lược của Biển Đông, do đó việc phát triển một hệ thống vệ tinh ở Hải Nam là trách nhiệm và đòi hỏi phải có chiến lược nhằm tăng cướng sức mạnh biển của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, dự án có thể cung cấp những thông tin hữu ích để đảm bảo cho việc quản lý và kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc” và thậm chí “cả các vùng lân cận”.

Sau tất cả những nỗ lực gây sức ép với dư luận, với các quốc gia trong và ngoài khu vực trên tất cả các mặt trận, từ ngoại giao đến kinh tế, những động thái gần đây của Trung Quốc cho thấy rằng nước này đang tận dụng thời điểm êm ả hiếm thấy trên Biển Đông nhằm tiếp tục bất chấp Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc để thực hiện mưu đồ không thay đổi của nước này là độc chiếm và kiểm soát Biển Đông về mọi mặt, đe doạ chủ quyền của các nước láng giềng trong khu vực và quyền sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia trên tuyến đường biển chiến lược này.

Tổng thống Philippines đã sử dụng lực lượng cảnh sát biển như thế nào?

Ngày 04/01, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Tổng thống Duterte đã sử dụng Cảnh sát biển Philippines như thế nào?” của Jay Tristan Tarriela, sỹ quan Cảnh sát biển Philippines. Chính quyền hiện nay của Philippines đang sử dụng lực lượng Cảnh sát biển không chỉ trong các hoạt động tuần tra trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông mà còn được Tổng thống Rodrigo Duterte xây dựng và đưa lực lượng này trở thành lực lượng chủ chốt đảm bảo an ninh hàng hải cho các ngành công nghiệp biển cũng như đưa vào sử dụng như một công cụ chính sách đối ngoại biển của Philippines. Đặc biệt, tác giả bài viết đã đánh giá rằng “đóng góp lớn nhất của lực lượng cảnh sát biển Philippines dưới thời kỳ của Tổng thống Duterte là đã đóng vai trò tích cực đối với công tác đối ngoại trên biển”, thể hiện qua việc ký kết hiệp định về thiết lập cơ chế đường dây nóng hợp tác trên Biển Đông giữa Hải cảnh Trung Quốc và Cảnh sát biển Philippines; Mỹ và Nhật cam kết chuyển giao tàu Cảnh sát biển và hỗ trợ đào tạo nhân lực nhằm có được ảnh hưởng đối với chiến lược biển của Philippines; lần đầu tiên khởi động Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN nhằm xây dựng quan hệ hợp tác khu vực ngăn chặn tội phạm toàn cầu như cướp biển, buôn bán người, buôn bán ma tuý mà không làm leo thang cũng như quân sự hoá Biển Đông và các vùng biển lân cận ở khu vực Đông Nam Á.

RELATED ARTICLES

Tin mới