Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAnh muốn gia nhập TPP: Lợi ít còn hơn đơn độc

Anh muốn gia nhập TPP: Lợi ít còn hơn đơn độc

Nếu tham gia TPP, Anh phải chấp nhận ở thế yếu trong các cuộc đàm phán, nhưng như thế còn hơn là đơn thương độc mã trên thương trường.

Truyền thông Anh vừa đưa tin,  Anh đã tổ chức nhiều cuộc bàn thảo phi chính thức về việc tham gia CPTPP, tên gọi mới của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm kích thích xuất khẩu sau khi rời liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương cho rằng, việc Anh muốn gia nhập CPTPP là một điều ngạc nhiên nhưng vẫn có thể lý giải được.

Trước hết, ông khẳng định, việc 11 quốc gia còn lại của TPP đạt thỏa thuận được với nhau với tên gọi mới CPTPP là một bước tiến tuyệt vời, mặc dù không có Mỹ.

Khi Mỹ rút ra khỏi TPP, người ta nghĩ rằng TPP sẽ sụp đổ nhưng với sự cố gắng của 11 quốc gia, cho đến nay, các trở ngại lớn nhất đã trải qua và giờ còn một số vấn đề khác nữa vẫn phải tiếp tục nhưng người ta đã có nhiều hy vọng.

CPTPP, cũng như TPP trước đây, không cố định đóng chốt với 11 quốc gia tham gia cũng như những vấn đề mà các quốc gia đã đưa ra bàn thảo và sẽ ký kết mà với cơ chế mở, CPTPP có thể sẽ kết nạp thêm các thành viên khác cũng như đưa thêm một số vấn đề mới do tình hình thương mại toàn cầu đặt ra vào thỏa thuận.

“Rất nhiều người dự đoán rằng, khi CPTPP có hiệu lực, nhiều khả năng có một số quốc gia khác, ví dụ Thái Lan, Indonesia… tham gia. Riêng Anh xin tham gia CPTPP là điều hết sức ngạc nhiên và có thể lý giải rằng, khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), quốc gia này cần phải thiết lập thêm các mối quan hệ kinh tế với các nhóm khác để bù lại những khoảng trống mà Brexit gây ra.

Việc Anh muốn gia nhập CPTPP chính là một trong những hướng đi đó mặc dù tỷ trọng thương mại giữa Anh và 11 quốc gia còn lại của TPP còn nhỏ, chiếm chưa tới 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh trong năm 2016.

Nhưng điều quan trọng là từ trước đến nay, Anh ít quan hệ với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà hiệp định này lại nhằm hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Điều đó cho thấy TPP sẽ có ảnh hưởng và mở rộng trong tương lai. Nếu nhìn ngược lại lịch sử trước đây thì ngay cả Nga và Trung Quốc cũng muốn tham gia TPP. Khi Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc là nước đầu tiên muốn thế chân, thay Mỹ tham dự vào TPP.

Điều này có lý do của nó, Trung Quốc là một trong những thành viên của APEC, nhưng có lẽ việc tham gia vào TPP của Trung Quốc ít có khả năng, vì vậy họ đẩy chiến lược Một vành đai, một con đường cũng như Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB), Con đường tơ lụa… để lôi kéo các tập hợp khác.

Xu hướng này diễn ra mạnh mẽ bất chấp gần đây chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy mà đại diện rõ nét là Mỹ rút khỏi TPP, thực hiện phương châm “America First”; Anh rút khỏi EU.

Riêng đối với Anh, theo các chuyên gia phân tích, Brexit là sai lầm của Anh và họ chưa lường hết được hậu quả của Brexit gây ra cho quốc gia mình. Vì vậy, rất có thể Anh muốn CPTPP để bù đắp được một khoảng nào đó, mảng nào đó trong sự thiếu hụt khi rút khỏi EU”, PGS.TS Phạm Tất Thắng phân tích.

Có điều vị chuyên gia lưu ý rằng, các quốc gia mất đến 8 năm để đàm phán thỏa thuận gốc TPP và việc chốt lại nội dung hiện đang là điều Nhật Bản, Australia và các quốc gia khác muốn làm gấp. Do đó, nếu như tham gia CPTPP, đương nhiên Anh  sẽ ở thế yếu trong các cuộc đàm phán.

“Nếu có quốc gia nào gia nhập CPTPP sau 11 quốc giá hiện tại thì chắc chắn họ ở thế yếu khi đàm phán. Nó cũng giống như 11 người đã ngồi vào bàn tiệc, giờ thêm 1 người khác xin ngồi thêm vào thì anh ta sẽ phải chấp nhận một điều kiện nào đó. Chuyện này là điều đương nhiên trong quan hệ thương mại quốc tế.

Có chuyên gia cho rằng, nước Anh muốn Brexit để lấy lại quyền kiểm soát trong nhiều lĩnh vực như lao động, môi trường… thì trong tương lai, việc Anh gia nhập CPTPP cũng không giúp nhiều cho họ trong việc thực hiện mục tiêu này. Điều đó đúng nhưng như thế vẫn còn có lợi hơn nhiều so với việc đơn thương độc mã trên thương trường trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay”, PGS.TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới