Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBa phương án bảo vệ an ninh châu Âu nếu không còn...

Ba phương án bảo vệ an ninh châu Âu nếu không còn sự “bao bọc” của Mỹ

Hiện Mỹ vẫn đang là đối tác đảm bảo an ninh cho châu Âu nhưng châu Âu cũng cần tính đến việc họ sẽ làm gì khi không còn sự trợ giúp này nữa.

Nhận định trên do tờ Bulletin of the Atomic Scientists đưa ra. Theo đó, châu Âu có một vài phương án thay thế cho sự đảm bảo an ninh của Mỹ nhưng trong bất cứ trường hợp nào, châu Âu cũng cần phải dựa trên lực lượng hạt nhân riêng của mình.

Sự nhất quán của Mỹ trong đảm bảo an ninh cho châu Âu là một trong những yếu tố không hề thay đổi kể từ thời Chiến tranh Thế giới lần 2. Tuy nhiên hiện nay, theo Bulletin of the Atomic Scientists, lần đầu tiên kể từ năm 1945 châu Âu cần phải tự bảo vệ mình và không nên quá trông chờ vào sự bảo vệ từ phía Mỹ. Mặc dù vậy, châu Âu cũng cần phải nhớ rằng chính sách của Nga đang tạo ra mối đe dọa lớn cho châu Âu.

Các chuyên gia đang có nhiều quan điểm khác nhau về việc Tổng thống Nga Putin đang cố gắng chứng minh cho toàn bộ thế giới thấy rằng: Nga là cường quốc vĩ đại và ông ấy không định dừng lại. Chiến lược của Nga được xây dựng trong bối cảnh an ninh của Nga bị đe dọa nên sự đe dọa từ Nga sẽ đáng kể hơn sự đe dọa từ Mỹ.

Ông Putin đang tranh đấu để giành vị trí của Nga trên trường quốc tế và vì vị thế hàng đầu của ông Putin ở nước Nga, còn các quốc gia phương Tây sẽ không sử dụng bom đạn để đạt được mục đích này. Ngoài ra, theo ông Putin, kho vũ khí hạt nhân của Nga là đảm bảo để phương Tây không can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.

Tuy nhiên, theo tờ Bulletin of the Atomic Scientists, dường như người bạn lâu năm của châu Âu đang từng bước rời bỏ lục địa này. Mỹ đã rút phần lớn kho vũ khí hạt nhân của mình khỏi châu Âu khi chỉ để lại gần 150 trong số hơn 7.000 đầu đạn.

Dù hiện số đầu đạn này đang được phân tán ở các nước thành niên NATO khác nhau nhưng trong trường hợp xảy ra chiến tranh thì số đầu đạn này sẽ giúp số lượng các nước thành viên NATO có sở hữu tiềm lực hạt nhân tăng lên con số 7.

Theo tác giả bài viết trên tờ Bulletin of the Atomic Scientists, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ rời bỏ NATO, thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump còn có động thái ngược lại khi gia tăng số lượng quân Mỹ đồn trú ở châu Âu.

Tuy nhiên, ông Donald Trump lại phản đối hình thức đa phương trong lực lượng quân sự NATO đồn trú ở châu Âu và điều này vô tình giúp Tổng thống Nga Putin nhận thấy được điểm yếu của châu Âu.

Nếu như Mỹ rút khỏi châu Âu thì châu Âu sẽ phải lựa chọn 3 phương án. Thứ nhất, châu Âu có thể tiếp tục dựa trên các phương tiện kiềm chế được Mỹ để lại sau khi rút đi, có nghĩa là dựa vào kho vũ khí hạt nhân của Anh và Pháp. Tuy nhiên, một nước Đức phi vũ khí hạt nhân sẽ khó chấp nhận phương án này; Thứ hai, Đức có thể chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng mình, nhưng theo tác giả bài báo, điều này chưa chắc thành hiện thực khi đa số người dân Đức vẫn đang phản đối vũ khí hạt nhân; Thứ ba, hiện tồn tại sự dung hòa giữa các kịch bản này: Các đầu đạn hạt nhân của Pháp và Anh cần phải thay thế được số lượng bom của Mỹ đang đặt tại châu Âu và phải đủ để bảo vệ Đức, có nghĩa là sẽ không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng châu Âu phải đảm bảo an ninh của mình bằng chính các lực lượng của mình.

Chính kịch bản cuối cùng, theo tác giả bài báo, đang là ưu tiên của nhiều người. Kịch bản này không chỉ đảm bảo cho châu Âu sự độc lập, không phụ thuộc vào Mỹ mà còn tạo cho Pháp khả năng trở thành quốc gia đầu tàu ở châu. Theo tờ Bulletin of the Atomic Scientists, hoạt động theo hướng này đang được tiến hành: Đức đã lên tiếng cho rằng xét từ quan điểm pháp luật thì các biện pháp này hoàn toàn có thể đưa vào áp dụng trên thực tế.

“Mối đe dọa từ Nga, sự hiện diện không thường xuyên của Mỹ và các hành động chuẩn bị của châu Âu không đồng nghĩa rằng thời của NATO sắp kết thúc”- Bulletin of the Atomic Scientists viết và giải thích rằng Tổng thống tiếp theo của Mỹ hoàn toàn có thể tiếp tục hợp tác với các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, châu Âu vẫn cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất khi Mỹ không còn bảo trợ cho an ninh châu Âu.

RELATED ARTICLES

Tin mới