Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông: Tĩnh mà chẳng yên

Biển Đông: Tĩnh mà chẳng yên

Các nước khu vực cần phải cảnh giác trước sự yên tĩnh ở Biển Đông.

Tình hình khá yên tĩnh

Tình hình Biển Đông gần đây tương đối yên tĩnh trên bề mặt. Nguyên nhân là do sự điều chỉnh chính sách của các nước trong khu vực.

Philippines dưới chính quyền Duterte giở giọng hòa giải trong vấn đề Biển Đông nhằm cải thiện quan hệ và tìm kiếm hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Mỹ dưới chính quyền Trump có vẻ tích cực trong vấn đề Biển Đông khi tiến hành 4 hoạt động tự do hàng hải từ tháng 5-10/2017 để thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Song, ưu tiên cao nhất của chính quyền Trump hiện nay là giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và quan hệ thương mại bất bình đẳng với Trung Quốc.

Nhật Bản cũng lo ngại về mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, song gần đây cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Hai bên nhất trí thiết lập đường dây nóng để quản lý các va chạm bất ngờ có thể xảy ra ở biển Hoa Đông.

Các nước khác tránh gây bất đồng, tham gia vào Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc để có cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại, tăng cường kết nối, liên kết kinh tế khu vực trong bối cảnh Mỹ dưới chính quyền Trump hướng nội, bảo hộ.

Mối họa hiện hữu

Nhân bối cảnh đó, Trung Quốc tích cực tìm cách hóa giải chỉ trích của khu vực và thế giới về hành vi quyết đoán của nước này ở Biển Đông. Một mặt, Trung Quốc thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai, Con đường” để ve vãn các nước liên quan. Mặt khác, Trung Quốc nhất trí đàm phán COC với ASEAN, dự kiến khởi động tiến trình này vào năm 2018. Mục tiêu sâu xa của Trung Quốc là nhân lúc yên tĩnh lặng lẽ củng cố cơ sở trên Biển Đông phục vụ mục đích quân sự mà không bị các nước phản đối hoặc các nước không có cớ để lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Điều này được minh chứng rõ trong báo cáo gần đây của Sáng kiến Minh bạch Hàng hảiChâu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Washington DC. Trong đó, AMTI công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục xây dựng đảo trên Biển Đông trong năm 2017. Sau khi hoàn tất hầu hết các hạng mục bồi đắp thành đảo nhân tạo trong các năm trước, Trung Quốc chuyển sang quân sự hóa các tiền đồn này.

Cụ thể, tại đá Chữ Thập, với diện tích xây dựng lên đến 110.000 m2, Trung Quốc hoàn tất các nhà chứa máy bay lớn được xây trước đó, và đang xây các đường hầm có thể chứa đạn dược và quân nhu, hậu cần, lắp đặt thiết bị cảm biến và nơi cất giữ tên lửa.Tại Subi, Trung Quốc xây dựng đường hầm, được cho là để trữ vũ khí và cơ sở ra-đa để tăng cường khả năng giám sát tình báo.Trên đá Vành Khăn, Trung Quốc đang xây dựng kho chứa vũ dưới lòng đất, nhà chứa máy bay, căn cứ tên lửa và hệ thống radar.Đồng thời, Trung Quốc nâng cấp các hạng mục quân sự tại đảo Cây, đảo Bắc và đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn dự định phóng 10 vệ tinh để giám sát Biển Đông 24/7 tới năm 2021. Trong đó, Trung Quốc sẽ phóng 3 vệ tinh quang học vào năm 2019. Sau đó, Trung Quốc sẽ phóng tiếp 3 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh quang phổ và 2 vệ tinh ra-đa tổng hợp trong các năm tiếp theo. Trung Quốc còn thiết lập mạng lưới thiết bị giám sát đáy biển dưới chiêu bài nghiên cứu khoa học, xây dựng mạng cáp quang đại dương bao quanh khu vực trong khi gây nhiễu loạn đường cáp quang của các nước khác.

Cần cảnh giác cao độ

Rõ ràng, Trung Quốc tìm kiếm và vận dụng cơ hội một cách rất tinh vi. Trong lúc tình hình có vẻ yên tĩnh, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa nhằm mở rộng kiểm soát Biển Đông. Điều này nằm trong mục tiêu đã định của Trung Quốc nhằm khống chế và làm chủ Biển Đông.

Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng hai thập kỷ đầu thế kỷ 21 là thời cơ chiến lược để Trung Quốc tăng cường sức mạnh quốc gia và hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”, trong đó “thu hồi” các lãnh thổ được cho là một nhiệm vụ quan trọng. Năm 2010, Trung Quốc ngầm biến Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi” giống như Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan, tự cho phép mình sử dụng vũ lực để chiếm giữ.

Trong thời bình, Trung Quốc sử dụng quân đội phối hợp với các lực lượng dân sự để tăng cường kiểm soát và quản lý các vùng biển. Hải quân phối hợp chặt chẽ với hải cảnh để tuần tra, bảo vệ các thực thể đã chiếm đóng và tôn tạo, trong khi lãnh đạo quốc gia khích lệ khu vực thông qua các sáng kiến kinh tế và quan hệ ngoại giao, chủ đạo là Sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Trung Quốc có thể sẽ điều động lực lượng và lập căn cứ để duy trì kiểm soát cả trên biển và trên không ở khu vực. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống vệ tinh, các lực lượng của Trung Quốc có khả năng xác định mục tiêu, kết hợp tuần tra thường xuyên để khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

Trung Quốc đồng thời có thể áp dụng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”, sử dụng sức mạnh vượt trội để tạo và đẩy khủng hoảng nhằm thay đổi nguyên trạng ở khu vực được gọi là tranh chấp hoặc nhạy cảm, nơi “đường chín đoạn” chồng lên vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng ven biển, thậm chí tung ra thuyết “Tứ Sa” để từng bước mở ra mặt trận pháp lý – lịch sử đòi chiếm hữu Biển Đông. Hải quân Trung Quốc phối hợp với hải cảnh, dân quân biển để ép tàu thuyền của các nước khác trên thực địa thông qua các hành động sách nhiễu, hung hăng như phun vòi rồng, đâm va,…

Khi khủng hoảng xảy ra mà không bên nào xuống thang hoặc không có áp lực nào đủ lớn để ép Trung Quốc dừng hành động, Trung Quốc có thể tận dụng đẩy lên cao để chiếm thực thể chưa có người ở hoặc chiếm thực thể dưới quyền kiểm soát của nước khác trên Biển Đông.

Do đó, trong lúc bề mặt tình hình yên ắng, các nước ở khu vực vẫn cần phải cảnh giác cao độ. Trung Quốc chưa thay đổi mục tiêu và chiến lược lâu dài ở Biển Đông. Tình hình có thể căng lên và khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới