Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững toan tính của TQ sau các cuộc tập trận liên tiếp

Những toan tính của TQ sau các cuộc tập trận liên tiếp

Tháng 12/2017, Hải quân Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật tại vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên như muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ để cảnh báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không nên kích động Triều Tiên nữa.

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 ngày 4/7

Kể từ cuối năm 2016 đến nay, khi cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại và quan hệ Mỹ-Triều ngày càng xấu đi, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự xung quanh khu vực bán đảo Triều Tiên. Chỉ tính riêng từ cuối tháng 7/2017 đến nay, các lực lượng Hải quân, Lục quân và Không quân của Trung Quốc đã tiến hành 5 cuộc tập trận lớn nhỏ trên vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là trên khu vực biển Hoàng Hải và Bột Hải. Cuộc tập trận bắn đạn thật tại vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên tháng 12 vừa qua chỉ là một trong nhiều cuộc tập trận quân sự mà Trung Quốc tiến hành trong thời gian gần đây cả trên biển, trên không và trên đất liền. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần trong kế hoạch thể hiện sức mạnh quân sự toàn cầu của quân đội Trung Quốc. 
Trọng tâm các cuộc tập trận của Hải quân, Không quân và Lục quân được chuyển về vùng biển phía Bắc Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở biển Bột Hải và Hoàng Hải. Trong hơn 1 năm qua, theo báo cáo, các lực lượng Hải quân, Lục quân và Không quân Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 9 cuộc tập trận có quy mô lớn trên biển Bột Hải và Hoàng Hải. 

Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày hồi cuối tháng 7 vừa qua được tiến hành vào đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Tuy chi tiết cuộc tập trận không được các quan chức Trung Quốc tiết lộ, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, đây là cuộc tập trận có quy mô lớn, phong tỏa trên 40.000 km2 diện tích khu vực trung tâm biển Hoàng Hải và có cả sự tham gia của Hải quân Nga.

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), chỉ 1 tuần sau khi Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần 2, một cuộc tập trận khác cũng đã diễn ra trên vùng biển Hoàng Hải. Các lực lượng đã thực hiện các bài tập tấn công và phòng thủ bằng cả tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và các thiết bị hỗ trợ không quân và lực lượng phòng vệ biển. Các bài tập đã mô phỏng điều kiện chiến đấu trong thực tế, thực hiện các chiến thuật đánh chặn bằng đường không, đường bộ và đường biển, cũng như thể hiện khả năng sử dụng các loại vũ khí, phương tiện chiến đấu của quân đội. 

Chỉ 2 ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6, các lực lượng Hải quân, Không quân và Lục quân Trung Quốc đã thực hành các chiến thuật đánh chặn, nhằm bắn hạ các loại tên lửa đang bay ở tầm thấp trên vùng biển Hoàng Hải được dùng để mô phỏng “cuộc tấn công bất ngờ”. 

Cuộc tập trận tiếp theo có quy mô khá lớn. Lực lượng tham gia cuộc tập trận này đã thực hành các bài tập mô phỏng tình huống tác chiến thực tế như đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa đa đầu đạn bay ở độ cao thấp nhất và xử lý một số tình huống khẩn cấp trong điều kiện thời tiết phức tạp. Cuộc tập trận này có sự tham gia của 40 tàu chiến được huy động từ 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, trong đó có tàu khu trục Type-056 lớp Hualan, tàu khu trục Changzhou và chiến hạm Type-052D lớp Putian. 

Theo nguồn tin từ các quan chức Cơ quan thực thi an ninh trên biển Trung Quốc, cuộc tập trận thứ 5 diễn ra trên vùng biển Bột Hải, với không gian phong tỏa lên tới 276 km2. Quy mô và số lượng tàu chiến tham gia cuộc tập trận này không được tiết lộ.

Ngoài các cuộc tập trận hải quân kết hợp với không quân và lục quân trên vùng biển Hoàng Hải, Không quân Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc tập trận độc lập tại những khu vực chưa từng được biết trên vùng trời biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, gần báo đảo Triều Tiên. Tham gia cuộc tập trận này có nhiều loại máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, máy bay điều khiển và cảnh báo sớm, cùng phối hợp tác chiến với các đơn vị tên lửa đất đối không. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn tiến hành các cuộc tập trận ở một số nơi khác ở Biển Đông, biển Baltic và căn cứ quân sự của nước này tại Djibouti (châu Phi). Ngoài ra còn có hàng loạt cuộc tập trận lớn nhỏ của Lục quân và lực lượng biên phòng Trung Quốc diễn ra tại Trung tâm huấn luyện phức hợp Chu Nhật Hòa thuộc khu tự trị Nội Mông gần biên giới với Triều Tiên, và cuộc tập trận chống tên lửa mô phỏng trên máy tính với quân đội Nga.

Vậy tại sao Trung Quốc lại liên tiếp tập trận? Những động thái của Trung Quốc khiến người ta đặt ra nhiều hoài nghi. Phải chăng Trung Quốc muốn gửi thông điệp răn đe đến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản rằng Bắc Kinh sẽ không ngồi yên nếu các hành động gia tăng áp lực của liên minh này dẫn đến xung đột quân sự với Bình Nhưỡng? 
Ngay sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hawsong-15, liên quân Mỹ và Hàn Quốc đã tập trận kéo dài 5 ngày nhằm gây áp lực lên Triều Tiên. Cuộc tập trận này được coi là lớn nhất từ trước đến nay. Liên minh Mỹ-Hàn đã điều động tới 230 máy bay chiến đấu, trong đó có đến 6 máy bay tàng hình Raptor F-22 và hàng chục nghìn binh sĩ. Trung Quốc thường không có động thái gì rõ ràng trong các lần tập trận trước, nhưng lần này Trung Quốc bất ngờ tiến hành tập trận không quân trên vùng biển Hoàng Hải và vùng biển ở phía Đông bán đảo Triều Tiên vào đúng ngày liên quân Mỹ-Hàn tập trận. Động thái này của Bắc Kinh chắc chắn muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ để cảnh báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không nên kích động Triều Tiên nữa. Bắc Kinh sẽ không cho phép bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, vì điều đó sẽ làm tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. 

Trong chiến tranh hiện đại, sự hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng hải quân, lục quân và không quân càng có yêu cầu cao hơn, đòi hỏi khu vực rộng lớn hơn và phải thực hiện trong những điều kiện khó khăn hơn. Do đó, tất cả các nước trên thế giới hiện nay đều rất coi trọng việc xây dựng quân đội có khả năng hiệp đồng tác chiến quân binh chủng đạt đến trình độ cao. Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, khả năng hiệp đồng tác chiến quân binh chủng đều vô cùng quan trọng. Điều đó đảm bảo việc thực hiện chính xác kế hoạch tác chiến đã đề ra để thu được hiệu quả cao nhất. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực để xây dựng yếu tố then chốt này, và đây còn được coi là một trong những lý do khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đẩy nhanh tiến độ cải tổ quân đội. 

Thời gian qua, các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc có sự phối kết hợp giữa các lực lượng hải-lục-không quân diễn ra với tần suất ngày càng dày đặc. Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Bắc Kinh muốn chứng tỏ sự tiến bộ nhanh chóng của quân đội Trung Quốc về năng lực hiệp đồng tác chiến quân binh chủng ngoài thực địa, trong phạm vi không gian rộng lớn tới hàng trăm km2. Đồng thời, điều này cũng cho thấy sức mạnh của quân đội Trung Quốc đang vươn tới đẳng cấp thế giới và sẽ có đủ khả năng ngăn chặn bất cứ cuộc xung đột quân sự nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh của hải quân và thể hiện vị thế của một cường quốc hải quân toàn cầu. Thông qua các cuộc tập trận này, Trung Quốc muốn chứng minh năng lực hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng hải-lục-không quân của mình với thế giới cũng như sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu xung đột quân sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. 
Trong các cuộc tập trận gần đây của liên minh Mỹ-Nhật-Hàn nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, phía Mỹ đã điều động rất nhiều tàu chiến hiện đại như các tàu sân bay hạng nặng USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt. Trung Quốc đã huy động 40 tàu chiến hiện đại từ ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, trong đó có tàu khu trục Type-056 lớp Hualan, tàu khu trục Changzhou và chiến hạm Type-052D lớp Putian. Do đó, việc gia tăng các cuộc tập trận trên biển của Trung Quốc trong một phạm vi rộng lớn cũng chính là động thái nhằm phô trương sức mạnh của hải quân nước này trước các lực lượng hải quân của Mỹ và đồng minh. Động thái này của Bắc Kinh chính là lời nhắc nhở đối với Mỹ về năng lực thực sự của Hải quân Trung Quốc cũng không hề thua kém. 
Ngoài ra, có một số dấu hiệu nữa cho thấy Hải quân Trung Quốc đang thể hiện vị thế của một cường quốc toàn cầu khi có những động thái mở rộng địa bàn hoạt động. Cụ thể là chuyến đi kéo dài 6 tháng tới hơn 20 quốc gia nằm trên tuyến đường thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Hoạt động này của Hải quân Trung Quốc nhằm thể hiện năng lực bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài liên quan đến an ninh năng lượng và thương mại ở các khu vực Trung Đông và châu Phi. Đồng thời, đây cũng là cách giúp Trung Quốc thể hiện vị thế của một siêu cường quân sự. 

Trung Quốc đã thông qua các cuộc tập trận này để chứng tỏ với thế giới sức mạnh của quân đội Trung Quốc, từ các loại vũ khí, trang thiết bị, phương tiện hiện đại đến năng lực hiệp đồng tác chiến quân binh chủng, cũng như khả năng tác chiến ngoài biển xa trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Hành động gia tăng các cuộc tập trận của Trung Quốc trong thời gian gần đây nhằm cảnh báo Mỹ cần phải thận trọng để tránh xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Đây là điều mà Trung Quốc không cho phép.

RELATED ARTICLES

Tin mới