Monday, September 16, 2024
Trang chủĐàm luậnSau tĩnh lặng, Biển Đông sẽ căng thẳng trở lại

Sau tĩnh lặng, Biển Đông sẽ căng thẳng trở lại

Năm 2018 dự báo sẽ là năm Trung Quốc củng cố và có thể mở rộng thêm quyền kiểm soát, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp vẫn tiếp diễn. Đó là nhận định của chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington

Sau một năm tương đối tĩnh lặng nếu chỉ nhìn bề ngoài, Biển Đông sẽ có thể căng thẳng trở lại. Lý do dễ thấy là do những yêu cầu tự kiềm chế và không quân sự hoá không được chú ý đầy đủ, làm cho những nỗ lực ngoại giao không mang lại kết quả như mong muốn.

Trong năm 2018, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục kịch bản của nửa cuối năm 2017. Hải quân Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục thách thức “các yêu sách hàng hải quá đáng” của Trung Quốc trên Biển Đông. Lực lượng này sẽ tiến hành các chiến dịch bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển (FONOP) một cách thường xuyên, khoảng từ sáu đến tám tuần một lần, và luân phiên giữa hai khu vực Trường Sa và Hoàng Sa.

Trung Quốc sẽ tiếp tục phái máy bay chiến đấu và chiến hạm ra đối phó, nhưng tuân thủ thỏa thuận song phương Mỹ-Trung về “các Quy tắc ứng xử an toàn” trên không và trên biển, nhằm tránh xung đột quân sự với quân đội Mỹ.

Năm 2018 cũng sẽ là năm nhóm “Bộ tứ” (Quad), bao gồm bốn quốc gia Úc, Nhật, Ấn và Mỹ gia tăng các hoạt động để triển khai chiến lươc “Ấn Thái Dương”. Theo như những nội dung hợp tác hợp thì trong năm 2018, thế giới có thể chứng kiến một cuộc tập trận hải quân chung của bốn nước tại vùng biển quốc tế với mục tiêu thực thi quyền tự do hàng hải.

Đáp lại, Trung Quốc, sẽ tính tới việc triển khai những chiếc máy bay quân sự đầu tiên trên một hoặc nhiều tiền đồn mới xây dựng ở Vành Khăn, Chữ Thập hay Xu Bi trên Trường Sa. Hoạt động này có thể được tiến hành dưới dạng một cuộc tập trận, hoặc một kế hoạch luân phiên triển khai ngắn hạn, tương tự như điều mà Bắc Kinh đã làm ở quần đảo Hoàng Sa.

Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc chắc chắn sẽ lại nhấn mạnh các khẩu hiệu “hòa bình”, nhưng luôn cao giọng khẳng định “quyền của Trung Quốc”. Và họ sẽ tiếp tục các hành động quân sự hóa ngay trên các đảo đá đã từng cưỡng chiếm. Hẳn nhiên, các hành động ấy sẽ gây nên những mối lo ngại trong khu vực.

Trong năm nay hợp tác giữa Trung Quốc và Philippines nhằm thăm dò dầu khí tại Biển Đông sẽ được xúc tiến. Dự kiến việc thăm dò diễn ra tại một khu vực rộng 2.700 dặm vuông, nằm hoàn toàn trong vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý của Philippines và bên ngoài đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Việt Nam và các nước trong khu vực cần xem xét có dấu hiệu nào về việc các bên tranh chấp đồng ý hợp tác trên một khu vực nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển nhưng bên trong đường lưỡi bò mà Bắc Kinh vẽ ra.

Đồng thời cần chuẩn bị cho các cuộc đàm phán chính thức giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), dự kiến vào đầu năm nay. Tuy nhiên, COC không thể đạt được một cách nhanh chóng, vì rất nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ trì hoãn việc hoàn thiện thỏa thuận cuối cùng. COC chỉ hoàn thiện một khi Bắc Kinh   đạt được yêu cầu vẫn duy trì quyền tự do hành động để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của họ.

Thái độ của Mỹ ra sao? Ngay từ đầu năm, chính quyền Trump có những động thái họ sẽ cứng rắn hơn với các động thái trên Biển Đông. “Trung Quốc xây đảo và triển khai các thiết bị quân sự tại đây không khác gì việc Nga chiếm Crimea”, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói trong phiên điều trần để được Thượng viện phê chuẩn vào chức ngoại trưởng hồi tháng 1.

Ông khẳng định dứt khoát: “Chúng tôi sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết, hãy dừng việc xây đảo, và thứ hai, họ không được phép đưa các thiết bị đến đảo”.

Tuy nhiên, căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc khủng hoảng hạt nhân, tên lửa Triều Tiên trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Mỹ xem chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng là mối đe dọa rõ ràng và hiển hiện đối với đất liền của họ. Và có lẽ họ phải ưu tiên cho các kế sách với Triều Tiên trước khi ra tay ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới