Wednesday, September 11, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThu nhập bình quân của người VN: Điều đáng buồn

Thu nhập bình quân của người VN: Điều đáng buồn

 Nỗi buồn trên không chỉ chứa đựng cảm xúc đơn thuần, nó còn là tâm trạng phản ánh thực trạng của nền kinh tế VN.

PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam đồng cảm với nỗi buồn của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương. Theo đó, ông Cung có nói:

“Sau 30 năm đổi mới, hiện thu nhập bình quân trên người của Việt Nam mới chỉ đạt gần 2.400 USD/người, vẫn là một mức thấp chứa đựng nỗi buồn nhiều hơn là niềm vui và tự hào”.  

PGS Lê Cao Đoàn cho rằng, nỗi buồn trên ẩn chứa nhiều nỗi lo, lo từ khía cạnh chính trị cho tới cơ chế phát triển… của một nhà nghiên cứu khoa học.

“Đầu tiên, đây được xem là chỉ số rất quan trọng nhằm đánh giá sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam trải qua sau 30 năm chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường.

Tiếp đến, từ kết quả trên cũng phản ánh được tư duy điều hành, phát triển chung của cả nền kinh tế. Nếu nhìn nhận từ hai góc độ trên sẽ suy luận được vì sao lại có những nỗi buồn nói trên”, PGS Lê Cao Đoàn nói.

Nhìn nhận từ các nền kinh tế trên thế giới, vị PGS cho rằng, Việt Nam phải chú ý mấy điểm sau:

Thứ nhất, nền kinh tế phải có sự tăng trưởng, phát triển, tức là phải thoát khỏi cái mốc của một nước nghèo.

Thứ hai, tránh để rơi vào cái “bẫy thu nhập trung bình”. Tức là khi vượt qua được mốc thu nhập thấp (dưới 1.025 USD/người) để trở thành nước có thu nhập trung bình (1.025 – 12.475 USD/người), nhưng bị mắc kẹt ở mức thu nhập này, không thể tiếp tục vươn lên thành nước có thu nhập cao.

Việt Nam đã vượt qua được những khó khăn và đạt được bước tiến đầu tiên là “vượt qua một nước nghèo”. Thu nhập đầu người cũng đã vượt qua được mốc thu nhập thấp và đã ở mốc thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, Việt Nam vẫn bị mắc kẹt trong mốc thu nhập trung bình, trong khi các nước trong khu vực họ đã vượt lên rất nhanh. Rõ ràng nó đang thể hiện sự chậm trễ, yếu kém trong điều hành quản lý. Mô hình tăng trưởng còn ở mức thấp, các yếu tố phát triển lạc hậu, tư duy kinh tế nhà nước và tính chỉ huy của kinh tế nhà nước vẫn chưa được đổi mới triệt để…

Ở đây có nhiều vấn đề trong cơ chế điều hành, chính sách. Cụ thể, trong quan hệ tín dụng. Chính phủ khuyến khích cơ chế khởi nghiệp, nhưng lại chưa đáp ứng đúng và đủ các điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh, phát triển tốt. Khu vực doanh nghiệp tư nhân được coi là nền tảng của nền kinh tế nhưng phát triển èo uột, cơ chế vay vốn khó khăn, nhiều thủ tục phức tạp… doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn.

Trong khi đó, nền kinh tế phát triển chậm, nợ xấu cao, nợ công tăng, các điều kiện giao thông, hạ tầng còn lạc hậu, thô sơ… Đó là tổng hòa những lý do khiến doanh nghiệp trong nước không phát triển được.

Về cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài, hiện còn bộc lộ nhiều kẽ hở, hạn chế. Theo số liệu từ Bộ KH-ĐT cho biết, năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2016 và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng giá trị khu vực này mang lại cho nền kinh tế còn quá ít. Trong khi đó, sự chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI vẫn chưa có được cơ chế kiểm soát. Hiện tượng trên đặt ra cho Việt Nam bài toán phải cân nhắc.

Việt Nam đang mở cửa ưu đãi tột đỉnh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài nhưng lại bỏ quên doanh nghiệp trong nước là điều rất nguy hiểm. Ngoài nguy cơ giảm tốc GDP đột ngột một khi những nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển cơ sở sản xuất thì tính cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế cũng bị bào mòn, suy giảm theo nếu cứ phụ thuộc mãi vào tăng trưởng của FDI.. 

“Sự ốm yếu của những doanh nghiệp nội địa là một tín hiệu đáng lo lắng cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Con số thu nhập bình quân Việt Nam đạt được trong suốt 30 năm đổi mới và phát triển cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hiện ở mức thấp. Nền kinh tế chưa tích lũy được nhiều.

Nếu cứ dựa mãi vào lợi thế cạnh tranh là lao động giá rẻ và thuê đất giá rẻ mà không trú trọng tăng năng suất lao động thì rất khó thoát khỏi được bẫy thu nhập trung bình”, PGS Lê Cao Đoàn nói rõ.

Thứ ba, trong khi nội lực kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp, thì chất lượng cán bộ, công chức nhà nước chưa cao. Hiện tượng “con ông cháu cha”, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, một người làm được việc phải gánh việc cho 3-4 người… vẫn chiếm tỉ lệ cao trong bộ máy hành chính.

Đáng nói, tình trạng không làm được việc nhưng vẫn hưởng lương theo cơ chế chính sách hiện hành, dẫn tới quỹ lương bị phân tán, thu nhập trung bình không cao. Người làm được việc bằng lương của người không làm được việc. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có mức lương thấp nhất. Đặc biệt có sự chênh lệch lớn với Singapore (5-6 lần), Malaysia (2-3 lần). Rất nhiều vấn đề phải buồn.

“Tất cả những tồn tại, hạn chế trên là do chúng ta chưa có được một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Khi có được một nền kinh tế thị trường nó sẽ tự giải quyết những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại trong nó”, vị PGS nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới