Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì đâu 2 hãng xe lớn nhất Nhật Bản tạm ngừng xuất...

Vì đâu 2 hãng xe lớn nhất Nhật Bản tạm ngừng xuất ô tô sang Việt Nam?

Hãng tin Nikkei của Nhật Bản đưa tin 2 hãng xe hơi lớn nhất nước này là Toyota và Honda đã tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam từ đầu năm 2018 do vấp phải các quy định mới nghiêm ngặt về xe nhập khẩu của Việt Nam.

Nghị định 116 công bố hồi tháng 10, yêu cầu kiểm tra khí thải và độ an toàn đối với từng lô xe nhập khẩu. Trước đó chỉ có lô xe đầu tiên của mỗi mẫu xe nhập khẩu mới bị kiểm tra.

Theo quy định mới vừa có hiệu lực, Việt Nam miễn thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN từ ngày 1/1/2018.

Hãng Toyota ngày 16/1 cho biết đã tạm ngừng sản xuất các mẫu xe phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Việt Nam.

Dù Toyota có nhà máy riêng tại Việt Nam nhưng vẫn nhập xe của chính hãng này từ Thái Lan, Indonesia và cả Nhật Bản, với số lượng chiếm khoảng 1/5 lượng xe bán tại Việt Nam, tương đương 1.000 chiếc/tháng. Một số mẫu thường được nhập khẩu vào Việt Nam là Hilux, Yaris, Fortuner và Lexus.

“Thị trường Việt đã giảm tốc rõ rệt trong năm ngoái vì người tiêu dùng dừng mua để chờ đến khi thuế nhập khẩu ô tô giảm vào cuối năm 2017”, Chủ tịch Toyota Motor Thái Lan Michinobu Sugata phát biểu trước các phóng viên tại Bangkok.

Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán ô tô toàn thị trường trong năm 2017 đạt gần 273.000 chiếc, giảm 10% so với năm 2016.

“Chúng tôi kỳ vọng doanh số sẽ tăng vọt trong năm 2018, nhưng do một số rào cản phi thuế quan của Chính phủ Việt Nam khiến chúng tôi không còn có thể xuất khẩu sang thị trường này được nữa,” ông Michinobu Sugata nói.

Theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP công bố vào tháng 10/2017, từng lô xe nhập khẩu vào Việt Nam bị yêu cầu phải kiểm tra khí thải và độ an toàn đối, trong khi trước đây chỉ có lô xe đầu tiên của mỗi mẫu xe mới bị kiểm tra.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết việc kiểm tra khí thải gây ra sự lãng phí lớn về thời gian và tiền bạc vì có thể mất tới 2 tháng và tốn tới 10.000 USD.

Nghị định 116 cũng yêu cầu tất cả các dòng xe phải có giấy chứng nhận chất lượng mẫu xe (VTA) do nước xuất khẩu cấp để chứng minh xe đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam.

Sau khi Nghị định 116 được công bố, nhiều nước đã bày tỏ quan ngại rằng họ khó có thể xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam.

Một Showroom của Honda tại Hà Nội. (Ảnh: Nikkei)

Honda cũng bất ngờ trước động thái này vì trước đó hãng kỳ vọng sẽ tận dụng việc Việt Nam giảm thuế còn 0% từ ASEAN để tăng cường sản xuất dòng xe SUV ở Thái Lan để tiết kiệm chi phí.

Nghị định mới đang khiến Honda gặp trở ngại lớn với kế hoạch của mình, và hoạt động sản xuất dòng xe CR-V phục vụ cho kế hoạch xuất khẩu sang Việt Nam trong tháng 1 đã tạm dừng. Trước đó, Honda kỳ vọng sẽ xuất khẩu khoảng 10.000 chiếc CR-V sang Việt Nam năm 2018, tăng 70% so với lượng sản xuất tại Việt Nam năm 2017.

Tương tự, hãng Mitsubishi đã hoãn sản xuất mẫu xe Pajero Sports tại Thái Lan để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam.

Hãng Ford cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của Nghị định 116 đối với hoạt động của hãng tại Thái Lan.

Trong khi các hãng xe Nhật Bản lo lắng thì các hãng xe nhập khẩu từ châu Âu như Mercedes, BMW, Porsche lại vẫn “bình chân” vì cho rằng họ hoàn toàn có thể cung cấp loại giấy VTA như yêu cầu của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới