Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTham vọng thành siêu cường, ông Tập Cận Bình quyết dùng "ngoại...

Tham vọng thành siêu cường, ông Tập Cận Bình quyết dùng “ngoại giao cơ bắp” thế chân Mỹ

Học giả TQ nhận định, những quan chức chuẩn bị nắm giữ các vị trí ngoại giao hàng đầu sẽ trở thành những quân cờ chủ chốt trong tham vọng toàn cầu của ông Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mã Triêu Húc sắp trở thành Đại sứ Trung Quốc tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ. Đây là một trong những vị trí ngoại giao uy tín nhất tại nước ngoài.

Ông Mã vừa trở lại Bắc Kinh tuần trước, sau khi kết thúc nhiệm kì dài 20 tháng tại trụ sở của LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ.

Vị trí của ông Mã tại LHQ được dự đoán là vị trí chủ chốt trong chính sách đối ngoại đầy tham vọng và quyết đoán của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nếu được chính thức bổ nhiệm vào vị trí này, ông Mã sẽ tiếp bước ông Lí Bảo Đông, Công sứ hàng đầu của Bắc Kinh tại Geneva năm 2007. Năm 2010, sau nhiệm kì 18 tháng tại Geneva, ông Lí đã được chuyển tiếp đến trụ sở LHQ tại New York.

Ông Mã từng là Đại sứ Trung Quốc tại Australia và là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Đại sứ Trung Quốc tại trụ sở LHQ New York, cùng với đối thủ là ông Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh từ năm 2010.

SCMP trích dẫn một số nguồn tin ngoại giao nhận định: “Ông Mã là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực đối ngoại. Ông này có kinh nghiệm dày dặn và được tiếp xúc với chính trường quốc tế ở độ tuổi còn tương đối trẻ (54 tuổi)”.

Vị trí Đại sứ Trung Quốc tại trụ sở LHQ New York đã bỏ trống gần 4 tháng nay, kể từ khi ông Lưu Kết Nhất được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan trước thềm Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức hồi tháng 10/2017.

Ông Mã Triêu Húc là ai?

Ông Mã Triêu Húc sinh ra và lớn lên tại vùng Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang. Ông sở hữu bằng cử nhân và thạc sĩ của khoa Kinh tế Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh.

Trước khi bắt đầu làm việc trong ngành ngoại giao năm 1987, ông Mã đã tham gia cuộc thi hùng biện dành cho sinh viên đại học Châu Á tổ chức ở Singapore và giành chiến thắng nhờ trí thông minh và tài hùng biện của mình.

Cũng như nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc kì cựu khác, năm 1994, ông Mã được cử đi học trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), một cơ sở chuyên đào tạo các nhà ngoại giao Trung Quốc kể từ đầu những năm 1970.

Các cựu sinh viên Trung Quốc tại LES khác bao gồm 3 cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: Dương Khiết Trì, Châu Văn Trọng và Trương Nghiệp Toại; cựu đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Vương Quang Á và nhà đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới Long Vĩnh Đồ.

Ông Mã từng làm việc tại các phòng ban và các đại sứ quán khác nhau, bao gồm nhiệm kì 3 năm của phái đoàn Trung Quốc tại LHQ đầu những năm 1990.

Ông đã chứng kiến việc thành lập Văn phòng Ngoại giao Trung ương năm 1998 sau khi được bổ nhiệm vào vị trí trong Văn phòng Ngoại vụ của Hội đồng Nhà nước. Hiện nay người đứng đầu văn phòng này là ông Dương Khiết Trì.

Ông Mã đã trở thành nhân vật nổi tiếng hồi tháng 1/2009, sau khi được chuyển từ vị trí Giám đốc bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao vào vị trí phát ngôn viên Bộ Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Thông tin, thay thế cho ông Lưu Kiến Siêu .

Ông được bổ nhiệm làm trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao hồi năm 2011, phụ trách các tổ chức quốc tế, kiểm soát vũ khí và kinh tế quốc tế, sau đó được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Australia năm 2013.

Ông Mã đã trở thành Đại sứ của Trung Quốc tại Văn phòng LHQ ở Geneva vào tháng 4 năm 2016, một vị trí ngang cấp Phó Thủ tướng có vai trò quan trọng trong việc theo đuổi chương trình ngoại giao đa phương của Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ qua.

Một Bắc Kinh “quyết đoán” hơn?

Sở dĩ có những thay đổi này bởi Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách đối ngoại “cơ bắp” hơn – theo bình luận được đăng vào tuần trước trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan phát ngôn của trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Trong bài xã luận được đăng trên trang nhất, tác giả cho rằng Trung Quốc nên nắm bắt “cơ hội lịch sử” khi trật tự địa chính trị đang biến chuyển nhanh chóng, để vươn lên vị trí cường quốc hàng đầu thế giới và lấp đầy lỗ hổng trong quản trị toàn cầu do cách tiếp cận cô lập “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra.

Trước đó, trong hội nghị thường niên của các đại sứ Trung Quốc, ông Tập Cận Bình từng kêu gọi các nhà ngoại giao cần có tầm nhìn toàn cầu trong một thế giới ngày càng đa cực, đóng vai trò tiên phong trong quản trị toàn cầu và xây dựng một hình thức quan hệ quốc tế mới.

Giới quan sát cho biết, khác với những người tiền nhiệm có quan điểm khác nhau về những rủi ro và bất định ngày càng gia tăng trên thế giới, ông Tập dường như đã thấy được vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang suy giảm, và coi đó là cơ hội mà Trung Quốc cần nắm bắt.

Ông Pang Zhongying, một nhà phân tích quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh, nói rằng những người chuẩn bị nắm giữ các vị trí ngoại giao hàng đầu sẽ trở thành những quân cờ chủ chốt trong tham vọng toàn cầu của ông Tập Cận Bình.

“Lời phát biểu đầy ẩn ý của ông Tập cho thấy rõ ràng ông đang muốn chứng tỏ điều khác biệt so với các nhà lãnh đạo trước đây, kể từ thời cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mở ra một chương mới trong lịch sử Trung Quốc và tích cực nâng cao tiếng nói trong việc định hình môi trường địa chính trị quốc tế”, ông Pang cho hay.

“Trong bối cảnh này, vị trí Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, cùng các công việc ngoại giao hàng đầu sẽ có vai trò nổi bật hơn trong những khát vọng toàn cầu của ông Tập, đặc biệt là khi việc Trung Quốc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo để giải quyết các vấn đề toàn cầu ngày càng trở nên cấp thiết”, Pang nói thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới