Tuesday, September 17, 2024
Trang chủBiển nóngCác đầu đạn Bắc Triều Tiên tại Thế vận hội mùa đông

Các đầu đạn Bắc Triều Tiên tại Thế vận hội mùa đông

Ngày 25/1/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã gửi thông điệp đến toàn dân tộc Triều Tiên kêu gọi giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

Cùng với thông điệp giảm căng thẳng còn tiến hành các bước đi cần thiết để thống nhất dân tộc Triều Tiên.

Nhân sự kiện rất đáng chú ý này, xin được giới thiệu bài phân tích của một học giả am hiểu Triều Tiên- chuyên viên khoa học chính Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Viễn Đông Viện Hàn lâm Khoa học Nga Konstantin Asmolov về những diễn biến mới đây trên bán đảo này và quan điểm của riêng ông về triển vọng thống nhất hai miền Triều Tiên.

Bài đăng trên “Lenta” Nga ngày 25/1/2018.

Trong những ngày đầu năm mới 2018, cả thế giới đã chứng kiến sự ấm lên rất nhanh trong quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và người anh em phía Nam của mình. Các đội tuyển Olimpic Nam và Bắc Triều Tiên sẽ diễu hành tại Lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang dưới một lá cờ chung in hình bán đảo Triều Tiên.

Thêm nữa, họ (Bắc và Nam Triều Tiên) sẽ thành lập một đội tuyển khúc côn cầu nữ chung, đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên sẽ đến miền Nam qua khu vực phía Tây đường biên giới trên bộ giữa hai miền.

Các thỏa thuận như trên đã được hai bên chính thức công bố trong một bản thỏa thuận gồm 11 điểm mới được ký vào ngày 17/1/2018 sau các cuộc đàm phán liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Sự nồng ấm trở lại mang màu sắc“Olimpic” giữa hai miền sẽ đi xa đến đâu, liệu hai miền Bắc- Nam có trở thành một thực thể toàn vẹn hay không? “Lenta” sẽ phân tích dưới đây.

Năm mới và sự phục sinh kỳ diệu

Bánh xe khởi động tiến trình đàm phán liên Triều bắt đầu quay ngay sau bài phát biểu đầu năm mới của lãnh đạo Kim Chính Ân (Kim Jong-un): ngày 9/1/2018, các bên bắt đầu thảo luận các chi tiết và chỉ trong một thời gian tương đối ngắn đã đạt những kết quả rất ấn tượng.

Trong bối cảnh thực thi chế độ cấm vận ngặt nghèo các đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên thăm miền Nam, các bên cuối cùng cũng đã tìm ra được lối thoát: ngoài các vận động viên, còn có các quan chức, một đoàn cổ động viên, một đội thi môn võ Taekwondo, một đoàn nghệ thuật Bắc Triều Tiên cũng sẽ đến miền Nam để dự Olimpic.

Nữ lãnh đạo đoàn nghệ thuật- ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, nữ ca sỹ Hyon Song Wol, – một người được gần tất cả các chuyên gia về Triều Tiên biết rất rõ và được họ mệnh danh là “một con người chính thức được phục sinh”.

Lý do: trước đây, Tình báo Nam Triều Tiên đã long trọng khẳng định một thông tin tuyên truyền rợn người về việc (trích thông báo): “Kim Chính Ân đã xử bắn người yêu cũ của mình và cả ban nhạc “Moranbong” do cô lãnh đạo bởi vì các cô gái trong ban nhạc này đã tham gia dựng các phim khiêu dâm và theo đạo Thiên chúa, một số cô còn giấu Kinh Thánh tại nhà mình”.

Cac dau dan Bac Trieu Tien tai The van hoi mua dong
Hai trưởng đoàn Bắc và Nam TT trong lễ ký kết thỏa thuận ngày 9/1/2018. Ảnh: Korea Pool / Reuters

 Như theo như lời kể của một nhân vật đào tẩu từ Bắc Triều Tiên và hiện đang có chuyến “lưu diễn tuyên truyền” khắp nước Mỹ là Lim Hy Yon thì các cô gái của ban nhạc này bị hành hình bằng súng máy phòng không, những cô còn sống sót bị xe tăng nghiền nát. Tuy nhiên, 8 tháng sau đó, Hyon So Wol đã “phục sinh”. Nhưng đây chưa phải là thông tin tốt lành duy nhất.

Vấn đề máu

Ngoài sự xuất hiện của ban nhạc “Morangbon” trên đất Nam Triều Tiên, Thế vận hội tại Pyeongchang sẽ còn rất ấn tượng với cuộc diễu hành chung của hai đội Nam- Bắc Triều dưới một lá cờ “trung lập” chung cho cả hai miền- một lá cờ màu trắng có hình Bán đảo Triều Tiên. Đấy là một sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng: bởi vì vấn đề cùng tồn tại của hai quốc gia này phức tạp hơn rất nhiều những gì mà một số người thường vẫn nghĩ.

Một nước Triều Tiên thống nhất đã từng tồn tại từ thế kỷ thứ VII, vâng, và cả trong năm 1945, khi Triều Tiên dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản bị Quân đội Mỹ và Quân đội Xô Viết chiếm đóng và vào thời điểm đó thì chưa một ai có ý định chia cắt Triều Tiên thành hai nửa.

Nhưng tốc độ tiến quân của Quân đội Xô Viết lúc đó nhanh đến nỗi Mỹ buộc phải khẩn cấp nghĩ đến một kế hoạch phân định ngay các khu vực chiếm đóng. Hai sỹ quan cấp bậc trung tá của Quân đội Mỹ với thời gian chỉ gần nửa tiếng đồng hồ, một chiếc bản đồ khu vực và không hề có một chút hiểu biết gì về đất nước Triều Tiên đã đưa ra đề xuất lấy vĩ tuyến 38 làm đường phân chia khu vực chiếm đóng giữa Liên Xô và Mỹ. Và mọi việc sau đó đã được quyết định đúng như vậy.

Tuy nhiên, sau đó là Chiến tranh lạnh và đường ranh giới phân chia hai khu vực chiếm đóng đã trở thành đường biên giới giữa hai quốc gia. Quốc gia nào cũng có hiến pháp riêng của mình và đòi xác lập quyền quản lý đối với toàn bộ bán đảo đồng thời cho rằng trên nửa phần còn lại của bán đảo đang tồn tại một chế độ bù nhìn, chế độ bù nhìn này sẽ bị nhân dân lật đổ trong thời gian ngắn nhất.

Nhưng điều rất đáng chú ý ở dây là bên nào cũng có những luận chứng đủ sức nặng để chứng minh quan điểm của mình là đúng.

Người Nam Triều Tiên hoàn toàn có quyền công khai tuyên bố là họ được Liên Hợp Quốc công nhận và các cuộc bầu cử được tiến hành dưới sự giám sát của các ủy ban quốc tế do Liên Hợp Quốc cử đến, trong khi đó thì Bắc Triều Tiên không cho phép các ủy ban của Liên Hợp quốc đến giám sát và vì thế các cuộc bầu cử của Bắc Triều Tiên là không chính danh và không minh bạch.

Về phần mình, phía Bắc Triều Tiên cũng rất có lý khi phản biện: đúng, đã không có ủy ban giám sát nào của Liên Hợp Quốc (giám sát bầu cử của BTT), tuy nhiên, các cuộc bầu cử của họ đã diễn ra trên cả hai miền, không chỉ riêng tại miền Bắc, mà còn ở cả Miền Nam.

Và mặc dù các cuộc bầu cử đó (tiến hành trên đất miền Nam) của họ là không công khai và không trực tiếp, nhưng người miền Nam đã không làm được điều tương tự trên đất miền Bắc. Thêm nữa, chính quyền Bắc Triều Tiên tự nhận mình là người kế thừa hợp pháp các ủy ban nhân dân xuất hiện tự phát trên cả nước sau khi thống nhất (tại miền Nam, các ủy ban này đã bị người Mỹ giải tán).

Trong bối cảnh như vậy, cả miền Bắc và miền Nam đều cảm nhận rõ nỗi đau chia cắt, và như nhà lãnh đạo đầu tiên của CHDCNDTT Kim Nhật Thành từng nói thì “thậm chí không đêm nào ngủ được”, bắt đầu suy nghĩ về việc thống nhất đất nước.

Cả Kim Nhật Thành, cả nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên Lý Thừa Vãn đều ráo riết thuyết phục “các người anh lớn” của mình cho phép mình tiến hành một cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, và trên thực tế một cuộc chiến tranh như vậy đã được khởi động từ năm 1949.

Vào năm 1949, số lượng các vụ đụng độ ở quy mô vài tiểu đoàn bộ binh của mỗi bên với sự yểm trợ của không quân và pháo binh gần bằng số lượng các hoạt động quân sự quy mô tương tự trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh Triều Tiên (vào năm 1953)- khi mà các bên chủ yếu tiến hành một cuộc chiến trận địa.

Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: Public Domain / Wikimedia

 Trong thời gian đầu, cả Matxcova, cả Washington đều không đồng ý cho khởi động chiến tranh. Nhưng Kim (Nhật Thành), khác với Lý (Thừa Vãn) ở chỗ là ông đã thuyết phục được trước hết là lãnh tụ Xô Viết Iosìf Stalin và sau đó là nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Kết quả là Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, và trong cuộc chiến tranh này tất cả các bên tham chiến đều thua, đều ở nguyên vị trí như trước chiến tranh, nếu như không tính đến tổn thất khoảng 3-4 triệu người chết. Đường biên giới vẫn là đường biên giới cũ như trước chiến tranh.

Tổng thống (Nam Triều Tiên) Lý Thừa Vãn quyết tâm đánh đến thắng lợi cuối cùng, kể cả trong trường hợp không có đồng minh: như đã biết- thỏa thuận đình chiến năm 1953 được tất cả các bên ký, chỉ trừ Nam Triều Tiên.

 Chính vì thế mà một Hiệp ước về phòng thủ chung giữa Washington và Seoul đã được chuẩn bị và ký kết trong một khoảng thời gian ngắn chưa từng thấy.

Theo các điều khoản của Hiệp ước này thì Mỹ, một mặt cam kết sẽ bảo vệ miền Nam bằng tất cả lực lượng có thể, nhưng mặt khác, Quân đội Nam Triều Tiên được đặt dưới sự thống lĩnh không phải của Tổng thống Cộng hòa Triều Tiên (Nam Triều Tiên) , mà là của Tư lệnh các lực lượng Mỹ. Rất dễ hiểu- Mỹ làm như vậy để (Nam Triều Tiên) không có những hành động bất thường.

Các cuộc đàm phán về chuyển giao quyền chỉ huy thi thoảng được nối lại và các cuộc đàm phán này thường kéo dài, nhưng vấn đề là ở chỗ các tướng lĩnh Nam Triều Tiên không quá hăng hái nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Hiện hai bên mới đạt được một thỏa hiệp: nếu như không có chiến tranh (trong thời bình), người Nam Triều Tiên nắm quyền chỉ huy, nếu như xảy ra chiến tranh- quyền chỉ huy thuộc về người Mỹ.

Trên các bản đồ của cả miền Bắc lẫn miền Nam chúng ta có thể thấy lãnh thổ toàn bộ bán đảo, đường biên giới (giữa Nam và Bắc Triều Tiên) chỉ được in rất mảnh (nhỏ hơn so sới đường phân giới hành chính giữa các tỉnh và các huyện).

Trong cơ cấu các cơ quan hành pháp Nam Triều Tiên đến tận bây giờ vẫn còn “Cục quản lý năm (5) tỉnh” với các quan chức được bổ nhiệm sẵn để trong trường hợp thống nhất đột ngột họ sẽ giữ chức thị trưởng Bình Nhưỡng hoặc tỉnh trưởng tỉnh Hamgyong v.v . Trong khi thời điểm quyết định chưa đến, họ được nhận một nửa lương thị trưởng hoặc lương tỉnh trưởng.

Hiện nay, theo Luật Nam Triểu Tiên về an ninh quốc gia thì Bắc Triều Tiên không phải là một nước, mà là một tổ chức chống nhà nước. Nếu như so sánh một cách thô thiển thì thái độ của Seoul đối với Bình Nhưỡng cũng tương tự như thái độ của Kiev dối với Donhetsk và Luganski (các điểm nóng ở Đông- Nam Ucraine hiện nay-ND). Còn về phần mình, người miền Bắc chỉ chính thức rời thủ đô đến Bình Nhưỡng vào năm 1972. Trước thời điểm đó, thủ đô của Bắc Triều Tiên được xác định là “ thành phố Seoul bị tạm chiếm”.

Nói cho công bằng, cũng chính do luật của Nam Triều Tiên mà cả hai hội nghị thượng đỉnh liên triều trong các năm 2000 và 2007 đều diễn ra tại miền Bắc, bởi vì theo luật Nam Triều Tiên thì bất cứ một người nào trong dòng họ Kim nếu xuất hiện tại Miền Nam sẽ bị bắt ngay lập tức vì người đó bị coi là tội phạm chiến tranh, và tất cả những ai tìm cách ngăn cản việc bắt giữ họ – đều bị kết tội là tòng phạm.

Nói cho đến cùng thì luật pháp của cả hai miền đều không quá “thấm đẫm” tính nhân đạo: thời hạn bị phạt tù vì tội nghe “tiếng nói của kẻ thù” (tức nghe radio-ND) và hơn nữa, chia sẻ (phát tán) nội dung của “giọng điệu thù địch” đó ở cả hai miền là gần như bằng nhau. Người nào ở Nam Triều Tiên thu thanh các giai điệu bài hát Bắc Triều Tiên (dù không ghi lời) cũng có thể bị tù treo.

Tình hình càng trở nên phức tạp vì đối với chúng ta (người nước ngoài-ND) thì miền Bắc và miền Nam – (được hiểu là) Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (miền Bắc) và Cộng hòa Triều Tiên (miền Nam) lại sử dụng các thuật ngữ khác nhau thay cho từ Triều Tiên. Miền Bắc gọi là “Choson” (Vương quốc Triều Tiên trong 500 năm cuối tồn tại), còn tại miền Nam- “Hàn Quốc”(thuật ngữ này được dùng để chỉ nhà nước Triều Tiên khi Vua Triều Tiên quyết định đổi tên quốc gia mình thành Đế quốc.

Kết quả là tại miền Nam, Bắc Triều Tiên được gọi là “Hãn Bắc”, còn tại miền Bắc, Nam Triều Tiên được gọi là “Choson Nam”. Rất khó để chuyển tải những chi tiết phức tạp như vậy sang các ngôn ngữ khác.

Vì thế, do miền Nam không coi Bắc Triều Tiên là một quốc gia riêng biệt, nên quan hệ thương mại liên Triều (hiện đang là như vậy) không được coi là ngoại thương nhưng cũng không được coi là nội thương, những nội dung công việc liên quan đến các vấn đề liên Triều được một bộ đặc biệt của Hàn quốc – Bộ thống nhất phụ trách.

Triển vọng thống nhất

Lịch sử chia cắt đất nước đặt các chính khách cả hai miền Triều Tiên vào một tình thế cực kỳ khó xử, và cùng với thời gian, vấn đề càng trở nên phức tạp hơn. Thời gian đi qua, các thế hệ thay đổi nhau, và sự khác biệt về văn hóa và kinh tế giữa miền Bắc và miền Nam ngày càng gia tăng.

Ai cũng nhận thức được rằng cần những chi phí khổng lồ cho việc thống nhất đất nước. Nhưng nếu tuyên bố từ bỏ học thuyết thống nhất đất nước- tức là tự đào nấm mồ chính trị cho chính mình.

Chính vì thế mà cả Bình Nhưỡng, lẫn Seoul đều vẫn tiếp tục tuyên bố: thống nhất đất nước – “đó là mơ ước thiêng liêng của đồng bào của chúng ta”, cho dù những người còn nhớ tới một nước Triều Tiên thống nhất đang ngày càng ít đi: năm nay đã là năm kỷ niệm lần thứ 70 năm ngày thành lập CHDCNDTT và CHTT.

Cách tiếp cận của hai nước đối với vấn đề thống nhất cũng khác nhau. Đã có thời kỳ miền Bắc sẵn sàng thống nhất đất nước bằng cách “thu nạp”miền Nam bằng một cuộc cách mạng, nhưng những ý tưởng như vậy chỉ tồn tại đền giữa những năm 1970, – khi đó (những năm 70) tình hình trên bán đảo gần như ngược hẳn với tình thế hiện nay.

Bởi vì vào thời kỳ đó miền Bắc đang phát triển rất năng động, còn miền Nam đang ở trạng thái kinh tế bị kiệt quệ. Nhưng nếu xét về mức độ “độc tài” thì cả hai chế độ có lẽ cũng một chín một mười.

Vào năm 1980, lãnh tụ Kim Nhật Thành đưa ra Học thuyết Cộng hòa Liên bang Dân chủ Triều Tiên. Theo học thuyết này thì về mặt hình thức sẽ xuất hiện một nước gồm hai nửa hoàn toàn khác nhau.

Nhìn chung, đến tận bây giờ Bắc Triều Tiển vẫn nói về việc thống nhất theo cách hiểu như vậy, và họ hiểu quá rõ rằng kịch bản Nam Triều Tiên “bị nhập vào” Bắc Triều Tiên là không thể, “nhập” Bắc Triều Tiên vào Nam Triều Tiên là kịch bản không mong muốn.

Trong khi đó, tại Nam Triều Tỉên, thống nhất lại được hiểu chính là thống nhất các vùng đất Triều Tiên thành “Đại Cộng hòa Triều Tiên” và quốc gia mới này sẽ thống nhất (quản lý) toàn bộ bán đảo Triều Tiên chứ không tách thành hai nửa (theo cách thức “một nước, hai chế độ”) .

Có thể tranh luận nhiều về việc khi nào thì công cuộc thống nhất sẽ diễn ra và sẽ diễn ra như thế nào. Vì lựa chọn phương án quân sự sẽ là một kịch bản khủng khiếp, các chính khách cánh hữu lẫn cánh tả Triều Tiên đều mơ rằng bằng một cách thần kỳ nào đó hai miền sẽ thống nhất lại với nhau theo kịch bản “Đức”. Chỉ “nhoàng” một cái – và chúng ta đã có cả dân chủ lẫn đầy ắp sự phồn vinh.

Các chính khách bảo thủ (tuy số lượng không nhiều nhưng có các vị trí vững chắc trong chính phủ và trong các cơ cấu sức mạnh trong hơn 20 năm nay đã chỉ hát mỗi một bài: chính quyền Bắc Triều Tiên đang trên bờ vực sụp đổ và chỉ không đầy 3 năm nữa tại đó (Bắc Triều Tiên) nền kinh tế sẽ sụp đổ toàn diện, nạn đói hoành hành, và cách mạng màu.

Nhưng trong khi đó thì mọi mưu toan lật thuyền, mọi sức ép cấm vận cứng rắn chưa từng có (nhằm vào Bắc Triều Tiên) đều chưa tạo ra được hiệu ứng nào- mặc dù vậy, các đại diện của phe này bảo thủ vẫn tiếp tục xây dựng các kế hoạch thống nhất Triều Tiên trong tương lai ngắn hạn và trung hạn.

Các thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiêm năm 2017 làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA / Reuters

Những người theo quan điểm thực dụng cho rằng dù sao thì hai miền cũng sẽ thống nhất, nhưng không phải ngay bây giờ, bởi vì cần phải có một quá trình chuẩn bị rất lâu dài. Chiến lược của họ là “Chính sách nắng ấm mặt trời” về mặt bản chất là “ đánh chìm miền Bắc trong mật ong”.

Những phần tử bảo thủ lại cho rằng đó là một sự “lãng phí mật ong”, là một chính sách không hợp lý, hơn nữa, người miền Bắc đã từ chối “bị đánh chìm trong mật ong”, trong khi Seoul cần có kết quả ngay và luôn. Chính vì thế mà chính quyền Seoul hiện nay (tạm coi là chính quyền cánh tả) không thể bác bỏ luận điểm của Mỹ “trước hết là giải trừ hạt nhân (hiểu nôm na là Bắc Triều Tiên phải “đầu hàng”), sau đó mới đến đối thoại”.

Nói chung, trừ một số nhóm tôn giáo cấp tiến và một số lượng không nhiều những phần tử bảo thủ cực đoan, phần lớn các chính khách và dân chúng đều không quá vội vã với công cuộc thống nhất đất nước.

Thứ nhất, rất nhiều người hiểu rằng chi phí cho việc thống nhất hai miền- không phải là tốn kém, mà là cực kỳ tốn kém. Chúng ta hãy nhớ lại những khoản đầu tư vào Cộng hòa Dân chủ Đức (khi thống nhất nước Đức-ND) và nhân con số đó lên khoảng 20 lần. Bắc Triều Tiên có nhân công giá rẻ- rất tốt, nhưng khoản ngân sách để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp (Bắc Triều Tiên) sẽ là một con số khổng lồ.

Thứ hai, đất nước thống nhất sẽ đối mặt với một loạt các vấn đề xã hội- tâm lý không dễ giải quyết. Hơn 30.000 kẻ đào tẩu từ phương Bắc xuống nhìn chung là đang ở trong hoàn cảnh “những người họ hàng nghèo”.

Ở một chừng mực nhất định, họ bị xung quanh kỳ thị, trong khi đó trên đầu họ hiện hữu một bức trần giới hạn bằng kính có liên quan không chỉ đến việc họ không thật sự thích ứng với các điều kiện của cuộc sống hiện đại.

Và bây giờ hãy thử hình dung là số lượng những người thuộc tầng lớp này lên tới 1/3 dân số (của cả nước Triều Tiên thống nhất) và cùng với đó là việc những người này (họ hàng nghèo từ Bắc Triều Tiên) chân thành hy vọng (cũng giống như tại nước ta sau khi Liên Xô sụp đổ) là tất cả những khoản phúc lợi Nam Triều Tiên sẽ ngay lập tức rơi như mưa xuống đầu họ.

Thứ ba. Bộ Luật tuyên truyền về an ninh quốc gia (Nam Triều Tiên) đã xác định là phần lớn giới tinh hoa, quân sự, trí thức miền Bắc hoặc là sẽ lúng túng trong hoàn cảnh mới hoặc sẽ bị buộc đứng bên lề cuộc sống.

Trong trường hợp khả quan nhất thì điều đó cũng có nghĩa là có một sự bùng nổ tội phạm, còn trong trường hợp tệ hơn- sẽ xuất hiện tình thế buộc phải “càn quét làm sạch” lãnh thổ Bắc Triều Tiên theo kịch bản Chesnia (Nga), hoặc nếu may mắn hơn nữa, theo kịch bản Tây Ucraine. Còn lúc đó, về vấn đề một nước Triều Tiên thống nhất sẽ giải quyết như thế nào với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tự do cá nhân- tốt nhất là nên im lặng.

Ngoài ra, sự khác biệt thế hệ sẽ dẫn tới việc người miền Bắc sẽ ngày càng “ít ruột thịt hơn”. Không, tất nhiên họ vẫn là người Triều Tiên, nhưng sẽ ở vị thế kiểu như cộng đồng người Nga hoặc Uzbekistan (ở Nam Triều Tiên). Sự khác biệt về văn hóa quá lớn. Một thanh niên Seoul có nhiều chủ đề để nói chuyện với người cùng trang lứa với anh ta trong số những người Mỹ gốc Triều Tiên hơn là với một thanh niên Bình Nhưỡng.

Chính vì thế, nếu nói một cách thẳng thắn, người ta không quá vội vã thống nhất đất nước. Và thậm chí mới chỉ sự xích lại gần nhau liên triều- đấy cũng đã là một tiến trình rất phức tạp và có một giới hạn nhất định rồi. Có thể nâng mức độ giao lưu, kết nối hoặc khởi động một số dự án chung nào đó. Nhưng vấn đề quan trọng nhất – sau đó sẽ là gì?

Chính vì vậy mà chỉ có thể đưa ra kết luận về việc ai thắng ai sau khi Olimpic kết thúc. Vâng, hiện cả hai bên đều đã nhận được những gì mình muốn. Miền Bắc đã nhận được những điểm cộng nhất định cho danh tiếng của mình, và hiện giờ, những kẻ yêu thích đưa ra các kết luận đóng đinh là rất khó nói chuyện với chế độ Bình Nhưỡng buộc phải lựa chọn luận chứng một cách cẩn thận hơn.

Miền Nam có được thêm những bảo đảm an ninh khi tổ chức Thế vận hội: trong bối cảnh nội bộ không đơn giản và tình hình kinh tế phức tạp hiện nay tại Nam Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in rất cần “một sự đảm bảo nào đó”. Sự có mặt của các vận động viên Bắc Triều Tiên là một “bảo hiểm” nhất định – Kim Chính Ấn sẽ không tìm cách “ đánh cắp show diễn” – tức là lại cho thử nghiệm phóng tên lửa trong thời gian Olimpic.

Lá cờ với biểu tượng hổ trắng tại Olimpic PseongChang. Ảnh: Kim Hong-Ji / Reuters

Tác giả (K.Osmolov) hy vọng rằng Olimpic sẽ diễn ra trôi chảy, không xảy ra những chuyện bất thường dính dáng đến Bắc Triều Tiên, dù đó là một scandal sử dụng doping hay là việc có ai đó trong số các thành viên đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên bất ngờ “lựa chọn tự do” vào ở lại miền Nam.

Tác giả cũng hy vọng rằng những động thái hòa giải được đề xuất trong thời gian diễn ra Olimpic và những cuộc tập trận chung mùa xuân Mỹ- Hàn thường gây căng thẳng trong quan hệ liên Triều sẽ diễn ra êm ả- chúng ta phải tính đến một điều là có tới gần 200.000 binh sỹ Mỹ-Hàn tham gia các cuộc tập trận này và những kịch bản luyện tập trong các cuộc tập trận đó tuyệt nhiên không phải là các kịch bản phòng thủ nên buộc miền Bắc phải gồng mình cảnh giác và coi các cuộc tập trận quy mô lớn như vậy hoặc là một trò khiêu khích cân não , hoặc là một cuộc tổng duyệt cho một cuộc tấn công.

Nhưng có thể nói rằng, sự ấm lên hiện nay trong quan hệ giữa Bắc và Nam Triều Tiên- một bước tiến đáng kể về phía trước. Thậm chí dù tất cả chỉ kết thúc bằng một thành tựu khiêm tốn của nền ngoại giao thể thao và đưa quan hệ liên Triều trở lại mức như cuối năm 2015, khi giữa hai nước còn có các cuộc tiếp xúc thường xuyên và một số dự án doanh nghiệp chung nào đó.

Tuy nhiên, nếu nói một cách thẳng thắn, đấy chưa hẳn là sự ấm lên, mà mới chỉ là đưa nhiệt độ từ âm độ lên không độ. Nhưng tình hình trên bán đảo trước đó đã căng thẳng đến mức xác xuất xảy ra xung đột quân sự, theo quan điểm của tác giả, đã lên tới mức 50%. Ngay chỉ việc xác xuất này cũng đã giảm xuống, – đó là điều rất tốt rồi: cả cho hai miền Triều Tiên, và cả cho các nước láng giềng.

RELATED ARTICLES

Tin mới