Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ siết chuỗi ngọc trai, Ấn Độ cay đắng nhìn chiến lược...

TQ siết chuỗi ngọc trai, Ấn Độ cay đắng nhìn chiến lược của Bắc Kinh “lột xác” ở sân sau

Có thể Ấn Độ đã phải trả cho viễn cảnh kinh tế mà họ lường trước một cái giá về địa chính trị chiến lược khi Trung Quốc hiện diện ngay sân sau nước này.

Khi chính phủ Sri Lanka tìm cách phát triển một cảng biển ở miền Nam nhìn ra phía Ấn Độ Dương, họ không tìm đến Trung Quốc, mà tìm đến người láng giềng Ấn Độ. Thủ tướng Sri Lanka khi đó Mahinda Rajapaksa nói, ông rất cần nguồn tiền để cải tạo bến cảng quê hương và đề nghị giới chức Ấn Độ giúp đỡ.

New Delhi không mấy hứng thú với việc đầu tư vào một dự án xây dựng cảng đồ sộ và tốn kém ở làng chài nghèo đói Hambantota, nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận sóng thần năm 2004.

“Đề nghị này được đưa ra cho Ấn Độ trước. Tôi tha thiết tiến hành công tác phát triển nhưng cuối cùng người Trung Quốc lại đồng ý xây dựng”, ông Rajapaksa trả lời phỏng vấn Straits Times năm 2010.

Năm 2010, Bắc Kinh đã đầu tư 1,5 tỉ USD để xây dựng bến cảng. Dự án này được coi là không thành công về mặt kinh tế và thực ra, trong những năm kế tiếp, bến cảng bị bỏ mặc trong khi khoản nợ của Sri Lanka ngày một phình to.

Tuy nhiên, có thể Ấn Độ đã phải trả cho viễn cảnh kinh tế mà họ lường trước một cái giá về địa chính trị chiến lược, khi mà khoản vay để xây cảng và chuyện kinh doanh hạ tầng xung quanh giờ thuộc về đối thủ lớn của New Delhi.

Việc Trung Quốc chính thức nhận bàn giao cảng vào tháng 12 năm ngoái trao cho nước này thêm một điểm tiếp cận trên chặng vận tải quan trọng, và cơ hội hiện diện đáng kể ở sân sau, cũng như phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ, đưa Trung Quốc tới gần bờ biển Ấn Độ hơn New Delhi muốn.

Hơn nữa, quyết định cho một công ty quốc doanh của Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm nhằm giảm bớt một phần nợ khiến nhiều quan sát viên lo ngại rằng nhiều nước đang phát triển khác hiện làm ăn với Trung Quốc dưới sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường cũng sẽ rơi vào tình trạng tài chính tương tự.

Họ cảnh báo rằng, đó có thể là cái bẫy khiến nước sở tại nợ Trung Quốc nhiều thứ hơn, không chỉ riêng tiền bạc.

Chiến lược “công phu” của Trung Quốc

Trung Quốc đã đầu tư vào Sri Lanka suốt nhiều thập kỷ, đặc biệt là trong những giai đoạn gần đây khi đa phần cộng đồng quốc tế lưỡng lự.

Khi Liên minh châu Âu tìm cách trừng phạt Sri Lanka liên quan tới cuộc nội chiến da dẳng của nước này, Trung Quốc đã đại diện cho Sri Lanka về mặt ngoại giao tại Liên Hợp Quốc. Bắc Kinh cũng cung cấp viện trợ quân sự cho chính phủ Rajapaksa và hứa hẹn sẽ tái thiết đất nước.

Ấn Độ cũng hỗ trợ quân sự nhưng ở mức độ không thể so sánh với Trung Quốc.

Nội chiến kết thúc năm 2009. Từ 2005-2017, Trung Quốc đã rót gần 15 tỉ USD vào Sri Lanka. Trong khi đó, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (thuộc Ngân hàng Thế giới) chỉ đầu tư hơn 1 tỉ từ 1956-2016.

Học giả Jeff Smith của Quỹ Di sản (Mỹ) cho hay, ngoài đầu tư vào cảng Hambantota, Bắc Kinh còn cho Sri Lanka vay 200 triệu USD trong năm 2010 để xây dựng sân bay quốc tế thứ hai và thêm 810 triệu USD vào năm sau đó cho “giai đoạn hai của dự án cảng”.

Tính đến năm 2015, Sri Lanka đã nợ Trung Quốc 8 tỉ USD và chính phủ nước này dự đoán rằng nợ nước ngoài tích lũy sẽ nuốt trọn 94% GDP của nước này.

Tới năm 2017, việc vận hành cảng Hambantota đã trở nên quá tốn kém, Sri Lanka không thể tiếp tục duy trì.

“Bến cảng đó không chỉ cho người Trung Quốc một điểm tiếp cận chiến lược vào phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ mà qua đó họ có thể triển khai lực lượng hải quân, mà còn giúp Trung Quốc có một vị trí thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa vào môi trường kinh tế của Ấn Độ”, Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định.

“Đây là một phần trong chiến lược nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng ra khắp Ấn Độ Dương của Trung Quốc và họ sử dụng Sri Lanka để đạt được điều đó”.

Ấn Độ cũng muốn dự phần

Giờ đây, Ấn Độ mới tỏ ra quan tâm hơn tới Hambantota. Được biết, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi sẽ có các cuộc đàm phán với Sri Lanka về việc chuyển giao sân bay gần bến cảng, công trình xây bằng nguồn quỹ của Trung Quốc mà bản thân Bắc Kinh cũng đang muốn quản lý.

New Delhi cũng đang tiếp tục tham gia tích cực vào các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở các vùng biển khu vực với đồng minh Nhật Bản, Mỹ và trong tương lai có thể là cả Australia.

“Tất nhiên, Ấn Độ vẫn có ảnh hưởng lớn đối với Sri Lanka và sẽ không dễ dàng trước bất cứ nỗ lực nào nhằm gây áp lực với chính phủ [Sri Lanka] về các vấn đề liên quan tới an ninh quốc phòng”, Jeff Smith khẳng định.

Sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc ở phạm vi ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Ấn Độ đã được ghi nhận nhưng New Delhi vẫn chưa có nhiều động tĩnh, khi mà cảng Hambantota vẫn là một cảng thương mại, ở đó chưa có sự xuất hiện của tàu hải quân Trung Quốc – Manoj Joshi, học giả của Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên tại New Delhi nhận định.

“Năm 2014, một tàu ngầm của Trung Quốc đã xuất hiện ở cảng Colombo và đấy là lần đầu tiên chúng tôi thấy hiện tượng đó. Phía Ấn Độ đã tỏ ra lo ngại”, Joshi cho biết thêm, giới chức Ấn Độ đã bày tỏ sự lo ngại với Sri Lanka và quan chức hai bên còn gặp nhau để bàn thảo về vấn đề.

“Đó là sự cạnh tranh về mặt địa chính trị và Ấn Độ coi mình là quốc gia hàng đầu ở châu Á. Khi Trung Quốc xây cảng, sân bay, đường xá ở Sri Lanka, họ nổi lên là những nhà đầu tư lớn và người Ấn Độ rõ ràng đã cảm thấy lo lắng bởi Ấn Độ không có nguồn lực như vậy để cạnh tranh”, Joshi nói.

“Điều chúng tôi lo ngại là chúng tôi vốn đã có vấn đề về biên giới với Trung Quốc và giờ khu vực cạnh tranh còn tới cả Ấn Độ Dương. Điều này có thể đi ngược lại lợi ích của chúng tôi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới