Friday, April 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMỹ giảm thuế, Việt Nam lo FDI rút: Không thể chiều tiếp?

Mỹ giảm thuế, Việt Nam lo FDI rút: Không thể chiều tiếp?

Phải có chính sách để doanh nghiệp tư nhân thực sự thành động lực nền kinh tế. Có như vậy Việt Nam mới chủ động được mọi tình huống. 

Chiến lược của ông Trump

Nhiều ý kiến lo ngại rằng các doanh nghiệp của Mỹ lâu nay hoạt động ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, sẽ chuyển tiền về nước thay vì giữ lại để tái đầu tư khi Mỹ cắt giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế đối với các khoản đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư Mỹ mà chuyển về nước.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đã phân tích những tác động của chính sách giảm thuế của Mỹ đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời đề xuất cách ứng phó.

Cụ thể, theo vị chuyên gia, việc Mỹ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đối với các khoản đầu tư nước ngoài của nhà đầu tư Mỹ được chuyển về nước nằm trong loạt biện pháp của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thu hút vốn đầu tư, các nguồn lực của thế giới vào nền kinh tế Mỹ, làm cho nước Mỹ mạnh lên, tạo ra công ăn việc làm cho người Mỹ như lời hứa của Tổng thống Trump. Bên cạnh biện pháp giảm thuế, Mỹ còn có các hành động mang tính bảo hộ cho sản xuất, như đánh thuế cao một số mặt hàng…

Bởi nguồn lực có hạn, nếu Mỹ thu hút nguồn lực nhiều thì quốc gia khác chỉ thu hút được ít và khi đầu tư giảm đi thì năng lực sản xuất của quốc gia đó cũng giảm đi.

Do đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, các biện pháp Mỹ đang tiến hành có thể là bước khởi đầu khởi động một cuộc chiến về việc tranh giành nguồn lực đầu tư bằng việc hạ thấp thuế, hạ thấp các điều kiện, tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất để thu hút các nguồn lực.

“Thậm chí, một điều tưởng chừng như trái ngược là đồng USD đang yếu đi. Có ý kiến cho rằng, đồng USD yếu đi sẽ khiến hoạt động thu hút đầu tư của Mỹ bị suy giảm, nhưng thực tế không phải vậy. Đồng USD yếu đi đang hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu và đầu  tư.

USD yếu đi trong khi thuế thấp đi thì chúng bù trừ nhau và nếu đầu tư vào Mỹ, nhà đầu tư vẫn có lợi, cùng với đó lợi thế về giá hàng hóa khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà đầu tư tích cực đầu tư vào Mỹ. Việc chính phủ Mỹ làm USD mất giá là một sự bài bản mà suốt một năm qua không nhiều người chú ý đến”, ông Thịnh nói.

Từ những chính sách của Mỹ, mà cụ thể là biện pháp giảm thuế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, đối với số vốn đã đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Mỹ nói riêng, việc rút vốn sẽ tương đối khó và tốn kém vì việc đầu tư trực tiếp là phải có các nhà máy, công xưởng hoặc mua cổ phần rất lớn với mức khống chế. Các nhà đầu tư nước ngoài đã phải bỏ tiền cải tổ, đầu tư bộ máy, dây chuyền công nghệ, do đó, ở điểm này không cần quá lo ngại.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, đối với những nhà đầu tư tiềm năng hay những đầu tư đã đầu tư ở Việt Nam một thời gian và sắp hết thời gian hưởng ưu đãi thì đây là lúc họ sẽ cân nhắc, tính toán xem các điều kiện họ được hưởng ở Việt Nam với mức hạ  thuế ở Mỹ cái nào có lợi hơn.

Đối với việc Mỹ đánh thuế các khoản đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư Mỹ mà chuyển về nước ở mức 10,5% có thể coi là một trong những mức thuế thấp nhất đánh vào thu nhập của các nhà đầu  tư ở nước ngoài khi chuyển tiền về nước. Do đó, nó sẽ thu hút lượng lợi nhuận của các nhà đầu tư chuyển về nước thay vì họ có thể xem xét dùng lợi nhuận đó đầu tư vào các quốc gia gia họ đang đầu tư hay đầu  tư vào các quốc gia khác.

Đây là điều Việt Nam cần cẩn trọng xem xét để có biện pháp khiến nhà đầu tư giữ lại vốn để đầu tư theo chiều sâu, cải tiến kỹ thuật…

Bên cạnh đó, cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trước đây, nếu như các nhà đầu tư nước ngoài để lại lợi nhuận để tái đầu tư thì Việt Nam không đánh thuế với phần lợi nhuận đó. Vì thế, xảy ra tình trạng nhà đầu tư để lại lợi nhuận để tái đầu tư, sau một thời gian, bằng cách này hay cách khác, họ chuyển tiền đó ra nước ngoài. Như vậy, họ đã trốn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và Việt Nam không thu được gì.

Sau này, Việt Nam đã bỏ việc ưu đãi không đánh thuế với những lợi nhuận để lại để tái đầu tư và như vậy, nhà đầu tư đã sản xuất ra lợi nhuận thì phải nộp thuế thu nhập, không cần họ có tái đầu tư hay không.

“Như vậy, các nhà đầu  tư gần hết thời gian hưởng ưu đãi là đối tượng có thể rút vốn và đây là dạng dễ rút nhất. Thứ hai là các nhà đầu tư tiềm năng, những người đã nghiên cứu thị trường Việt Nam và có ý định đầu  tư vào Việt Nam thì giờ có thể xem xét nên đầu tư vào Mỹ hay Việt Nam, cái gì lợi hơn.

Còn việc chuyển nhà máy họ vừa xây xong hay đang sản xuất và đang có lợi ở Việt Nam không dễ vì chi phí rất tốn kém. Họ sẽ xem xét chi phí họ bỏ ra với lợi ích họ được hưởng thêm nó có đáng hay không.

Ngay chuyện nhà đầu tư đưa lợi nhuận về nước họ, thực ra trước đây, khi Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% đối với lợi nhuận để lại tái đầu tư, cũng không có nhiều nhà đầu tư để lại vốn để tái đầu tư, mở rộng, do đó chúng ta cũng không nên quá hy vọng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Để Việt Nam chủ động

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh rằng, chính sách giảm thuế của Mỹ có thể khiến các nhà đầu tư tiềm năng của Việt Nam giảm đi và nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế có thể không được như trước, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ, những người Việt Nam vẫn hy vọng sẽ cung cấp cho mình công nghệ cao, dây chuyền sản xuất hiện đại. Khi các nhà đầu tư nước ngoài giảm vốn vào Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là việc tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất của Việt Nam.

Bởi vậy, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc chính phủ Mỹ hạ thấp thuế có thể chỉ là bước khởi đầu trong hàng loạt các chính sách của các quốc gia. Nếu các nước khác cũng đồng loạt sử dụng biện pháp giảm thuế hoặc các biện pháp tương tự thì Việt Nam cũng phải có cách ứng xử thích hợp. Vì thế, Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường đầu tư và thị trường tài chính tiền tệ.

Thứ hai, Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa. Dù môi trường đầu tư ở Việt Nam đã có nhiều bước tiến, thậm chí các xếp hạng về năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư đều được nâng lên, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu thủ tục hành chính của Việt Nam quá rườm rà, phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp cả về thời gian và tài chính, từ đó làm cho chi phí của doanh nghiệp cao lên, năng lực cạnh tranh giảm đi.

Thứ ba, Việt Nam phải xem xét các chính sách ưu tiên, ưu đãi, cái gì không hợp lý thì bỏ đi, nhưng mặt khác, cũng cần có ưu tiên, ưu đãi khác vừa thích hợp vừa không vi phạm chính sách của Nhà nước để từ đó nhà đầu  tư có thể hưởng lợi ích lớn hơn, đầu tư nhiều hơn.

Thứ tư, xem xét giảm nhẹ hoặc không đánh thuế thu nhập đối với khoản lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài để lại tái đầu tư.

“Rất khó để giảm hơn nữa thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là FDI. Mỹ khác, Việt Nam khác.

Trong thu ngân sách Mỹ, thuế thu nhập cá nhân mới đóng góp nhiều nhất, còn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ. Với Việt Nam, thuế thu nhập doanh nghiệp lại chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách nhà nước, nếu cắt giảm thì nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, Việt Nam chỉ có thể ưu đãi đến một mức nào đó có thể chấp nhận được, còn nếu đánh thấp quá thì ngân sách sẽ không thu được gì, còn FDI sau khi khai thác hết lợi thế của Việt Nam sẽ rút về nước”, ông Thịnh nói.

Phải cân nhắc cái được, cái mất để xem xét. Đồng thời, Mỹ không để lại cái gì cho nền kinh tế VN như thời gian qua thì nghĩa là họ hớt hết váng.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, những cảnh báo về việc FDI có thể rút vốn khỏi Việt Nam đã được nói từ lâu, ngay từ khi Việt Nam trải  thảm đỏ đón các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng có một số trường hợp FDI sau thời gian được hưởng ưu đãi mở rộng của chính phủ Việt Nam rồi rút nhưng nó chưa trở thành trào lưu nên Việt Nam chưa chú trọng.

“Giờ đây, khi có nhiều quốc gia tham gia vào quá trình này thì Việt Nam đặt ra vấn đề giữ chân FDI, tăng cường thu hút vốn FDI vào nền kinh tế. 

Tuy nhiên, cần xác định rằng, có thể trong giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa, FDI đóng vai trò rất lớn nhưng về lâu dài, phải nghĩ đến các chính sách phát triển doanh nghiệp nội địa. Đây mới là điều quan trọng.

Ngay quốc gia hùng mạnh như Mỹ cũng cũng phải nghĩ đến việc phát triển doanh nghiệp Mỹ mạnh lên.

Việt Nam không thể cứ mãi chú trọng vào FDI. Nếu chúng ta cứ sợ FDI rút đi thì kinh tế Việt Nam không tăng trưởng, hoặc tăng trưởng chậm để rồi cứ ưu đãi nhiều thì rất nguy hiểm.

Từ đây, Việt Nam phải có chính sách phù hợp với doanh nghiệp tư nhân để doanh nghiệp tư nhân lớn lên, thực sự thành động lực của nền kinh tế, có vậy Việt Nam mới chủ động được trong mọi tình huống.  

Chú trọng phát triển nội lực, thu hút đầu tư nước ngoài phải hỗ trợ sự phát triển nội lực, điều đó mới đảm bảo được an ninh tài chính, an ninh kinh tế khi Việt Nam hội nhập. Nếu chỉ nghĩ đến việc thu hút không thôi mà không nghĩ đến việc nó phải làm cho doanh nghiệp trong nước mạnh lên thì nghĩa là Việt Nam không đạt được mục tiêu thu hút FDI để hội nhập”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới