Tuesday, September 17, 2024
Trang chủBiển nóngTQ hoàn thành quân sự hóa Biển Đông?

TQ hoàn thành quân sự hóa Biển Đông?

Đây là bức ảnh Philippines công bố cho thấy các cơ sở quân sự hoàn thiện của Trung Quốc trên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông.

Tờ nhật báo Inquirer (Philippines) giới thiệu những bức ảnh chụp từ trên không này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc gần như đã hoàn thành việc biến đổi các rạn đá san hô trở thành “pháo đài đảo”, với mục đích kiểm soát toàn bộ khu vực.

“Hầu hết các bức ảnh, thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12/2017, là được chụp nhanh từ độ cao 1.500 mét, cho thấy các rạn san hô đã biến thành những hòn đảo nhân tạo trong giai đoạn cuối cùng của sự phát triển các căn cứ không quân và hải quân [của Trung Quốc]”, tờ Insider viết, liệt kê 7 rạn san hô, sẽ sớm có căn cứ quân sự của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn. Sân bay, vòm radar, chỗ ẩn náu tên lửa, ăng-ten truyền thông, nhà chứa máy bay, đã được phát hiện trên các hòn đảo xây dựng nhân tạo.

Sau khi được cho xem những bức ảnh này, ông Eugenio Bito-onon Jr., nguyên thị trưởng thị trấn tại một hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường sa, khẳng định đó rõ ràng là những căn cứ được mở rộng trên qui mô lớn của Trung Quốc mà ông không thấy khi bay qua khu vực này 2 năm trước đây. Ông Eugenio nhớ lại rằng khi đó, người Trung Quốc đã đe dọa, yêu cầu máy bay của ông bay ngay ra khỏi khu vực các hòn đảo.

Trong số những vấn đề nổi cộm là nỗ lực của Trung Quốc, củng cố, mở rộng các rạn san hô, trong đó có đảo đá Panganiban, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippine, thuộc quyền sở hữu của Philippine theo phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế ở La Hay (Hague). Tuy nhiên Trung Quốc đã kiên quyết phớt lờ phán quyết này kể từ khi nó được đưa ra.

Trung Quốc cũng đã ký một thoả thuận với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng ý không tăng cường xây dựng các đảo san hộ nhân tạo khu vực. Nhưng, rõ ràng thỏa thuận này có ý nghĩa rất ít đối với Bắc Kinh.

Tờ nhật báo Inquirer trích dẫn một phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nói rằng chừng nào Trung Quốc không cải tạo thêm một hòn đảo nào, thì Philippines sẽ chấp nhận sự quân sự hóa của Trung Quốc ở Trường Sa.

Là thẩm phán đại diện cho Philippinee tham gia tranh luận trước Tòa án Trọng tài quốc tế La Hay (Hague), ông Antonio Carpio đã mạnh mẽ chỉ trích thái độ của vị phát ngôn viên này, so sánh nó cũng giống như việc người ta tin vào một tên trộm, đang tìm cách đột nhập vào nhà.

“Bạn đang ở trong một xứ sở ảo tưởng. Đó không phải là cách thế giới được hòa hợp với nhau. Đó không phải là một chính sách thực dụng”, ông Carpio nhận định, cảnh báo rằng sự mở rộng quân sự của Trung Quốc có thể làm tổn hại an ninh quốc gia của Philippines một cách lâu dài.

Trích lời các nhà phê bình khác, Nhật báo Inquirer cảnh báo rằng việc Tổng thống Duterte đang thỏa hiệp những lợi ích của Philippine để đạt được các khoản vay từ Trung Quốc, sẽ chỉ khiến đất nước của ông càng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Họ lo lắng rằng ông Duterte đã có một sai lầm chết người, khi không chịu sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài chống lại Trung Quốc, với ASEAN và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn. Khoảng 80% vùng đặc quyền kinh tế của Philipin có thể sẽ bị Trung Quốc sáp nhập, phó mặc ngành đánh bắt cá quan trọng của Philippine cho người Trung Quốc.

Các bức ảnh của tờ Inquirer bao gồm một bức ảnh chụp nhanh ngày 30/12, cho thấy 3 tàu vận tải quân sự Trung Quốc đang neo đậu tại Panganiban, tất cả đều có năng lực vận chuyển binh lính và vũ khí. Một bức ảnh khác cho thấy một căn cứ khác của Trung Quốc trên rạn đá Ken Nan, thuộc cụm Sinh tồn thuộc Trường Sa, với một khẩu pháo 100mm. Một số tàu chiến Trung Quốc cũng đã được phát hiện trong khu vực.

Tờ ‘The Guardian (UK)’ (Người Bảo vệ) trích dẫn phản ứng của Trung Quốc trước những bức ảnh của tờ Inquirer, trong đó phần lớn nhấn mạnh rằng hầu hết các cơ sở của Trung Quốc được xây dựng ở Trường Sa đều có tính dân sự.

Hôm thứ Ba (6/2), chính phủ Philippine cho biết rằng họ đang “đánh giá” những bức ảnh do tờ Inquirer cung cấp, được cho là bằng chứng hình ảnh phong phú nhất về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông cho đến nay.

Ông Hermogenes Esperon Jr, cố vấn an ninh quốc gia của Philippine đặt câu hỏi: “Mục đích của những công trình này là gì? Chúng có thể dùng cho mục đích dân sự, nhưng chúng ta nên xem xét các khả năng mà chúng có thể được sử dụng để chống lại chúng ta. Nếu chúng được dùng cho mục đích quân sự, thì đó là cái mà chúng ta phải xem xét”.

Ông Esperon cho rằng “có nhiều phương án mà chúng ta có thể thực hiện”, bao gồm những khiếu nại ngoại giao, hoặc điều thêm binh lính đến những đảo trong khu vực mà Philippines đang chiếm đóng. Ông Esperon cảm thấy bực tức trước những nghi ngờ về sự thành công của những biện pháp này, khi mà Trung Quốc đang xây dựng các pháo đài đảo trong ‘sân sau hàng hải’ của Philippine.

Trong một cuộc họp hôm thứ Ba (6/2) ở Singapore, các nước ASEAN còn lại đã cân nhắc kỹ lưỡng, ghi nhận “những quan ngại của một số bộ trưởng về việc cải tạo đảo và các hoạt động trong khu vực, làm xói mòn sự tin cậy và niềm tin, gia tăng căng thẳng, và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.

Mặc dù các bộ trưởng ASEAN vẫn lạc quan rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc để đưa ra một ‘bộ quy tắc ứng xử” (COC) đối với Biển Đông, sẽ mang lại kết quả, người ta vẫn không hiểu tại sao mọi người lại nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ tôn trọng một bộ quy tắc ứng xử như vậy, trong khi ở Trường Sa họ đã làm đúng những gì mà họ đã hứa không làm.

RELATED ARTICLES

Tin mới