Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngViệt Nam có đơn độc một mình trên Biển Đông?

Việt Nam có đơn độc một mình trên Biển Đông?

Ngày 27/7/2017, tại cuộc Tọa đàm do BBC tổ chức về “tình huống hiện nay của Việt Nam ở trong khu vực, dư luận về việc khai thác dầu, khí của Việt Nam trên Biển Đông”, Nhà nghiên cứu về Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đồng thời là phóng viên của BBC, ông Bill Hayton cho rằng Việt Nam đang ở trong thế “chỉ có một mình, thân cô, thế cô” khi đương đầu với Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông. Trước đó, ngày 24/7/2017 cũng trên BBC, ông này cũng có bài viết cho rằng “Trung Quốc đã dọa tấn công các điểm đảo Việt Nam quản lý ở Trường Sa”, chúng ta sẽ phân tích xem những thông tin và quan điểm của ông Bill Hayton liệu Trung Quốc có tấn công Việt Nam và Việt Nam có thật sự “đơn độc một mình” hay không.

Tham vọng bành trướng với những yêu sách chủ quyền hết sức ngang ngược, phi lý và phi nghĩa của Trung Quốc thách thức an ninh, lợi ích của tất cả các nước trong và ngoài khu vực và bị cả cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Chắc chắn rằng các nước Đông Nam Á và các nước ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn, có lợi ích thiết thân tại khu vực Biển Đông không để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm; không để cho Trung Quốc tước đoạt những quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong khu vực biển này. Truớc những hành động gây hấn, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước trong khu vực đã tăng cường đáng kể khả năng quân sự và xích lại với nhau để tự vệ.

Người Mỹ chớp ngay lấy thời cơ này để tăng cường sự hiện diện trong khu vực, cổ vũ các nước trong khu vực Biển Đông liên kết ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng. Tại Diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Shangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo rằng “Mỹ không chấp nhận việc quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh làm ở Biển Đông”.

Trên thực địa chỉ trong thời gian ngắn, Mỹ đã đẩy mạnh việc tuần tra, thực hiện hoạt động tự do, an toàn hàng hải trên Biển Đông, cụ thể: ngày 24/5/2017, tàu khu trục USS Dewey đã đi vào khu vực 6 hải lý xung quanh đá Vành Khăn, một trong số 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và xây dựng thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và thực hiện diễn tập “cứu người rơi khỏi tàu”, đây là hành động thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng Biển Đông; ngày 3/7/2017, Lầu Năm Góc triển khai một tàu chiến đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Ngoài Mỹ các nước lớn có lợi ích trên Biển Đông như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ luôn bày tỏ quan ngại đối với những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Vì vậy, trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, ý đồ chiếm đoạt thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, trong đó có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quả thật là một việc bất khả thi. Những hành động gây hấn, hiếu chiến của Trung Quốc không doạ nạt được ai. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đoạt vùng biển và tài nguyên của nước khác thì nhất định sẽ thất bại vì mấy lý do sau đây:

– Việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế là trái với những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và sẽ bị cả thế giới lên án.

– Trung Quốc không có cơ sở pháp lý quốc tế nào để bào chữa cho hành động coi vùng biển của các nước khác là vùng biển của mình, biến hành vi xâm phạm các quyền chủ quyền của các nước khác thành hành động “thực thi chủ quyền” của Trung Quốc. Hai lý lẽ mà người Trung Quốc gọi là cơ sở lịch sử và pháp lý để tuyên bố chủ quyền ở biển Đông đều hết sức vô lý, ngang ngược và không thuyết phục được ai. Tự vẽ một đường đứt khúc chín đoạn để yêu sách toàn bộ các quần đảo tại Biển Đông và 80% diện tích khu vực biển này, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, rõ ràng là hành động phi pháp, không có cơ sở pháp lý quốc tế và đã bị các nước khác trong khu vực và trên thế giới phản đối mạnh mẽ. Lý lẽ Trung Quốc có “chủ quyền lâu đời” – thậm chí lâu đến 2000 năm – đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để lấy đó làm các điểm cơ sở xác lập các vùng biển phụ cận rộng lớn, rõ ràng không có cơ sở lịch sử và pháp lý nào. Qua các công trình nghiên cứu về chính sử của các triều đại phong kiến Trung Quốc, người ta có thể khẳng định rằng từ triều đại nhà Tần, nhà Hán cho đến cuối triều đại nhà Thanh, cương vực Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 đã kết luận “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn”.

Vì vậy, “chủ quyền lâu đời” mấy nghìn năm mà người Trung Quốc tuyên truyền chỉ là câu chuyện hoang đường, tự họ dựng lên để phục vụ cho tham vọng bành trướng mà thôi.

– Với tương quan lực lượng hiện nay trong khu vực, nếu sử dụng vũ lực để chiếm vùng biển của các nước khác, Trung Quốc nhất định sẽ thảm bại. Hải quân Trung Quốc có thể chiếm ưu thế trong một thời gian ngắn, nhưng chắc chắn không đủ khả năng để duy trì sự kiểm soát lâu dài. Trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay, một nước nhỏ cũng có thể trang bị những vũ khí hiện đại và có đủ khả năng để gây lên những tổn thất to lớn cho một cường quốc xâm lược. Với lực lượng hải quân và không quân hiện nay, nếu bị dồn vào đường cùng, người Việt Nam cũng có thể vô hiệu hoá hải quân Trung Quốc và làm tê liệt những hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực – cắt đứt huyết mạch quan trọng của nước này với thế giới bên ngoài qua Biển Đông. Nếu liều lĩnh tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược ở Biển Đông, Trung Quốc chẳng những không đạt được một mục tiêu của mình, mà sẽ tổn thương chính mình, tự tiêu hao một nguồn lực to lớn rất cần thiết cho sự phát triển.

Vì vậy, với những lý do nêu trên chúng ta có thể thấy rằng, Việt Nam không đơn độc trong cuộc đấu tranh bảo vệ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình và Trung Quốc cũng không dám tấn công Trường Sa của Việt Nam. Như nhận định của PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược khoa học, Bộ Công an Việt Nam “Việt Nam không hề cô độc. Việt Nam có đầy đủ điều kiện để bảo vệ quyền lợi và lợi ích trên Biển Đông, và điều này được cộng đồng quốc tế hoàn toàn ủng hộ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới