Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 26/02/2018

Bản tin Biển Đông ngày 26/02/2018

Bản tin Biển Đông ngày 26/02/2018.

Quan chức Lầu Năm góc Mỹ: Trung Quốc đang tìm cách thực thi yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông

Ngày 26/2, trang Sydney Morning Herald đưa tin, trong buổi phỏng vấn với hãng tin Farfax Media, ông Randy Schriver, một quan chức cấp cao về chính sách quân sự Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đang biến các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông thành các cơ sở để thực thi yêu sách chủ quyền phi lý đối với toàn bộ Biển Đông. Cụ thể, ông nói: “đây không còn là vấn đề chỉ gói gọn trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp nữa mà thực sự Trung Quốc đang áp đặt yêu sách chủ quyền bành trướng”. Liên quan đến phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tại cuộc họp báo với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull rằng Mỹ “mong muốn sự tham gia của Úc” trong các cuộc tuần tra hàng hải nhằm thực hiện quyền tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, ông Schriver xác nhận rằng “Mỹ mong muốn Úc cùng song hành với Mỹ và các nước khác, trong đó có Nhật Bản” song ông cho rằng đây là vấn đề cần thảo luận trong khuôn khổ quan hệ đồng minh “nhằm triển khai các nội dung chi tiết cụ thể về kế hoạch tới của Úc”. Đồng thời, ông Schriver khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục “bay qua, di chuyển, hoạt động và hành động theo cách mà luật quốc tế cho phép để chứng minh rằng Mỹ không chấp nhận các yêu sách thái quá và bành trướng của Trung Quốc”. Ngoài ra, ông cho biết Bắc Kinh hiện đang tập trung xây dựng căn cứ trên các đảo nhân tạo của nước này trên Biển Đông dù các cấu trúc này vẫn đang tranh chấp, khẳng định: “có một số khu vực Mỹ đang theo dõi rất sát sao và Mỹ đã nêu rõ rằng Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực bồi đắp đảo được tiếp tục tiến hành. Đây thực sự là một tuyên bố chung Mỹ gửi đến các bên tranh chấp ở Biển Đông”. Ông nhấn mjanh, Mỹ “có lợi ích lâu dài trong việc đảm bảo môi trường Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, một môi trường dựa trên luật lệ, giải quyết hoà bình với tranh chấp. Bằng nhiều cách, Trung Quốc đang lên kế hoạch cho các hoạt động đi ngược những giá trị và lợi ích này”. Liên quan đến vấn đề này, ông Schriver cho biết Mỹ và Úc sẽ bảo vệ những lợi ích này “theo đúng như cách Mỹ vẫn làm” nhưng nói thêm rằng “trong một số trường hợp Mỹ có thể hành động một cách trực tiếp hơn để đối phó với các hành động của Trung Quốc hiện nay”.

Cố vấn Chiến lược Nhật Bản: “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là nhằm đối phó với Sáng kiến “Một Con đường, Một Vành đai” của Trung Quốc

Ngày 25/2, trang Taiwan News đưa tin, ngày 22/2, phát biểu tại Hội thảo “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” tại Washington, Mỹ về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhóm Bộ tứ Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Mỹ, Cố vấn chiến lược của Thủ tướng Nhật Bản Sonoura Kentaro đã làm rõ hơn về phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây nói rằng Nhật Bản có thể tìm thấy một số lợi ích trong Sáng kiến “Một Con đường, Một Vành đai” của Trung Quốc. Ông cho biết Trung Quốc sẽ phải đáp ứng một số điều kiện tiên quyết nếu muốn thuyết phục Nhật Bản tham gia vào dự án này nhằm đảm bảo lợi ích chung cho cả Nhật Bản và các nước đối tác khác, đặc biệt là việc tự do hoá thị trường Trung Quốc. Ông Sonoura cũng đề xuất với phía Trung Quốc về việc cân nhắc tham gia vào “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” nhằm đảm bảo thịnh vượng về kinh tế chung và ổn định khu vực. Theo thông tin từ trang China Times, nhiều quốc gia ASEAN trong tranh chấp Biển Đông cũng đang có ý định sẽ tham gia với vai trò đối tác của “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Nhiều nhà bình luận đánh giá chiến lược này như một sáng kiến của Mỹ như một “giải pháp thay thế đối với sáng kiến của Trung Quốc ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương”.

Thủ tướng Úc sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra ở Biển Đông

Trang Daily Mail của Anh đưa tin, ngày 25/2, phát biểu sau khi kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới Washington, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull khẳng định sẽ tiếp tục cho phép Hải quân Úc tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông sau khi có sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/2. Cụ thể, ông cho biết: “Úc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trên khắp thế giới nhưng Úc không muốn tính trước kế hoạch hoạt động”.

Ý kiến chuyên gia Trung Quốc lớ tiếng đe doạ: sẽ có nhiều cơ sở quân sự được lắp đặt ở Biển Đông nhằm thách thức Mỹ

Tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, sau khi truyền thông Philippines công bố về việc một cụm tàu sân bay Mỹ dẫn đầu bởi tàu USS Carl Vinson đi vào các vùng biển gần quần đảo Trường Sa ngày 25/2, các chuyên gia Trung Quốc đã chỉ trích một cách gay gắt sự hiện diện thường xuyên của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông năm nay “có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực và làm phức tạp quan hệ Mỹ – Trung trong năm nay, mà nhiều khả năng sẽ không chỉ hạn chế trong vấn đề Biển Đông”. Theo Chen Xiangmiao, nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia Nam Hải, “Trung Quốc sẽ triển khai thêm nhiều cơ sở quân sự, chẳng hạn như hệ thống radar, máy bay và các tàu hải cảnh ở Biển Đông nhằm “đối phó” với Mỹ”. Thuyền trưởng Doug Verissimo, Tư lệnh tàu USS Carl Vinson khẳng định việc tàu Mỹ đi qua Biển Đông lần này là nhằm đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng “các vùng biển này không chỉ là của riêng Trung Quốc”.

Tàu Carl Vinson dự kiến cũng sẽ ghé thăm Việt Nam vào tháng 3 tới theo thông tin từ Chính phủ Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới