Tuesday, September 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới"Xéo mãi cũng quằn", Iran quay lưng với phương Tây, ngả sang...

“Xéo mãi cũng quằn”, Iran quay lưng với phương Tây, ngả sang làm thân Nga-TQ

Hôm 19/2 vừa qua, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ chuyển ưu tiên hàng đầu từ phương Tây sang các nước phương Đông như Nga và Trung Quốc.

Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei (trái) cho biết thỏa thuận Iran là phép thử đối với Mỹ. Ảnh: AMTV.

Phương Tây không còn là mối ưu tiên hàng đầu của Iran?

Tuyên bố của lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei không chỉ báo hiệu sự thay đổi trong mối quan hệ của nước này với Nga và Trung Quốc, mà còn cho thấy Iran đang dần mất kiên nhẫn trong những nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây.

Một trong những khẩu hiệu tuyên truyền phổ biến nhất trong cuộc cách mạng năm 1979 của Iran là “Không theo Đông, cũng chẳng ủng hộ Tây”. Tuyên bố này nghĩa là Iran không ủng hộ cho cả hai thế lực hùng mạnh trên thế giới trong thời điểm đó: Mỹ và Liên Xô.

Do đó, nhiều người đã bất ngờ khi nghe tuyên bố hôm 19/2 của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei rằng: “Trong chính sách đối ngoại ngày nay của Iran, ưu tiên hàng đầu của chúng ta sẽ chuyển từ phương Tây sang phương Đông”.

Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố này về cơ bản vẫn tôn trọng tư tưởng gốc, nghĩa là Iran vẫn cố gắng không để các cường quốc khác tác động.

Tuy nhiên điều này cho thấy nỗ lực cải thiện quan hệ mới nhất của Mỹ và Iran đã “nguội lạnh” – tiêu biểu là thỏa thuận hạt nhân năm 2015, trong đó Iran đã đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân để đổi lại các đối tác gỡ bỏ hàng rào cấm vận.

Iran từng có thiện chí muốn hàn gắn quan hệ với Mỹ

“Lãnh tụ Khamenei từng khẳng định nhiều lần rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 chính là phép thử để xem liệu các cuộc đàm phán với phương Tây có thể đem lại kết quả tích cực cho Iran hay không”, bà Ellie Geranmayeh, thành viên Đối ngoại Liên minh Châu Âu, cho biết.

Phát ngôn của ông Khamenei được đưa ra vào thời điểm quan trọng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ xé bỏ bản thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp dụng các lệnh trừng phạt, trừ khi Iran đồng ý ngừng phát triển chương trình hạt nhân và tại Trung Đông.

Thậm chí ngay cả trước thời Tổng thống Trump, Iran đã cho rằng Washington không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận giữa hai bên, bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn tiếp tục cản trở mối quan hệ của Iran với ngân hàng và nguồn đầu tư nước ngoài, thậm chí còn ngăn chặn các công ty công nghệ của Iran chia sẻ sản phẩm của họ trên các cửa hàng ứng dụng.

Tehran cho rằng những điều này vi phạm điều khoản thỏa thuận yêu cầu Mỹ “không được áp dụng bất kỳ chính sách nào ảnh hưởng trực tiếp và gây bất lợi cho việc bình thường hóa quan hệ thương mại và kinh tế với Iran”.

Ông Marandi, nhà phân tích chính trị tại Đại học Tehran, cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu [thỏa thuận hạt nhân], Mỹ – hay đại diện khi ấy là chính quyền Tổng thống Obama, đã vi phạm cả hình thức và tinh thần của bản thỏa thuận”.

Theo ông Mohammad, tuyên bố mới đây của Lãnh tụ Khamenei đã thừa nhận sự thật rằng Iran có mối quan hệ khăng khít hơn với các nước phương Đông, đặc biệt là khi Iran và Nga hiện đang là đồng minh trên chiến trường Syria.

“Thế giới ngày nay đã khác xưa rồi. Iran có mối quan hệ tốt hơn với Nga, Trung Quốc và một số nước châu Á khác so với các nước phương Tây, vì họ ‘tử tế’ hơn với Iran”, ông này khẳng định.

“Tại chiến trường Syria, chúng tôi là đồng minh đồng cấp với Nga, chứ không phải nước phụ thuộc.”

Cuộc cách mạng Iran năm 1979 bắt nguồn từ cơn thịnh nộ trước những hành động can thiệp của nước ngoài, bao gồm hành động mưu đồ đảo chính và khai thác tài nguyên của ba cường quốc khi ấy là Mỹ, Anh và Liên Xô.

Mặc dù “mang tiếng” là giáo điều và cứng nhắc, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran do ông Ayatollah Ruhollah Khomeini lãnh đạo lại khá linh hoạt và mềm dẻo trong các chính sách đối ngoại.

Bà Geranmayeh cho hay, “Sau sự kiện năm 1979, Iran đã áp dụng cách tiếp cận thực tiễn đối với Mỹ trong một số trường hợp cần thiết, hoặc để phục vụ lợi ích của họ”.

Bà nhấn mạnh ví dụ về bê bối Iran-Contra trong giai đoạn những năm 1980, thỏa thuận hợp tác tại Afghanistan năm 2001, cũng như thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tuy nhiên, chính quyền Washington dường như không chấp nhận sự thật rằng Iran từng nghiêm túc trong nỗ lực hàn gắn quan hệ.

Iran “không thể mãi mãi chờ đợi những cánh cửa đóng kín”

Mới đây, Viện Doanh nghiệp Mỹ đã đăng tải một loạt các bài báo kêu gọi “chính sách đối đầu hơn với Iran”, bao gồm cả việc đe dọa thay đổi chế độ.

Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra trong các bài báo này là “chính quyền Iran, nhất là những người phụ trách đối ngoại của Iran không quan tâm đến việc cải thiện quan hệ với Mỹ”.

Tuy nhiên, tháng 4/2015, ba tháng trước khi các bên kí kết thỏa thuận hạt nhân, Lãnh tụ Khamenei đã tuyên bố rõ ràng rằng thỏa thuận này có thể giúp Iran và Mỹ cải thiện quan hệ trên diện rộng hơn.

Ông Khamenei từng ngỏ ý cải thiện quan hệ với Mỹ trong một bài phát biểu: “Nếu Mỹ chịu nhượng bộ, thì chúng tôi sẽ coi đây là bài học kinh nghiệm và tìm cách đàm phán với họ về những vấn đề khác”.

Doanh số kinh doanh dầu mỏ của Iran và quan hệ thương mại của Iran và EU đã hồi phục lại kể từ sau khi thỏa thuận được kí kết.

Tuy nhiên, những đe dọa trừng phạt của Mỹ đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng lớn “chùn bước”, ngần ngại quan hệ với Iran.

Hơn nữa, chính phủ và các doanh nghiệp châu Âu hiện nay vẫn chịu nhiều áp lực từ Washington hơn các đối tác từ Trung Quốc và Nga.

Nhà phân tích Marandi cho rằng: “Nếu châu Âu không đủ can đảm đối đầu với Mỹ, thì họ cũng đừng mong trở thành đối tác của chúng tôi”.

“Nếu bên cạnh những cánh cửa đóng kín vẫn còn những cánh cửa mở, thì chắc chắn chúng tôi không thể mãi mãi đứng ngoài chờ đợi những cánh cửa đóng kín được”, ông này kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới