Manila và Bắc Kinh sẽ nghiên cứu riêng về các quy định pháp lý về thăm dò chung, trước khi cùng nhau đưa ra một khuôn khổ thống nhất.
Rappler ngày 28/2 đưa tin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã so sánh đề xuất của Bắc Kinh về việc thăm dò khai thác chung ở Biển Đông giống như Philippines, Trung Quốc “đồng sở hữu”.
Ông Rodrigo Duterte không nói rõ rằng “đồng sở hữu” ở đây là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Philippines yêu sách theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, hay các nguồn tài nguyên trong đó, ví dụ như dầu mỏ.
Việc ông chủ Điện Manacanang bình luận đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Bắc Kinh có thể gây ra mối quan tâm, vì các nguồn lực trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Philippines yêu sách, là dành riêng cho Philippines.
Hiến pháp Philippines năm 1987 nói rằng, các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa là của riêng của Philippines, theo Thẩm phán Antonio Carpio.
Hiến pháp nước này cấm “khai thác chung” trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Thuật ngữ “đồng sở hữu” được Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra sau câu bông đùa bị các nhà lập pháp và người dân lên án: Trung Quốc có thể biến Philippines trở thành một tỉnh của họ như Phúc Kiến, nếu muốn.
Tường thuật rõ hơn về phát biểu của ông Rodrigo Duterte tại thành phố Marawi ngày 28/2, CNN Philippines dẫn lời ông cho biết, Tổng thống Philippines muốn xua tan các ý kiến nói rằng ông chẳng làm gì để bảo vệ yêu sách của Philippines ở Biển Đông.
“Tôi nhấn mạnh, tôi ở đây để nói với các bạn rằng tôi sẽ đến Trường Sa(quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, đang bị một số nước nhảy vào tranh chấp)vì tôi sẽ khoan dầu.
Người Trung Quốc nói, Tập Cận Bình nói rằng, chúng ta hãy nói về điều này. Tôi trả lời: không, bởi vì đó là của chúng tôi.
Các bạn thấy đấy, nếu tôi chửi họ, nếu tôi gọi họ là đồ chó đẻ, sẽ không có gì xảy ra.
Bây giờ họ đã đề nghị thăm dò chung, giống như đồng sở hữu. Nó giống như 2 (nước) chúng ta đồng sở hữu. Điều đó tốt hơn nhiều so với chiến tranh.”
Đầu tháng Hai, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết Philippines và Trung Quốc đang tích cực theo đuổi các cuộc thăm dò chung trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
“Tôi có thể nói với các bạn rằng, chúng tôi đang theo đuổi nó một cách mạnh mẽ bởi vì chúng tôi cần nó”, ông Cayetano nói.
Ngoại trưởng Philippines lưu ý thêm, 2 nước đã đạt được thỏa thuận trong cuộc họp song phương của họ về Biển Đông.
Manila và Bắc Kinh sẽ nghiên cứu riêng về các quy định pháp lý về thăm dò chung, trước khi cùng nhau đưa ra một khuôn khổ thống nhất.
Ngoại trưởng Cayetano nhấn mạnh, việc này hoàn toàn tuân thủ Hiến pháp và chịu sự giám sát của Tòa án tối cao Philippines.
Philippines Daily Inquirer ngày 1/3 cho biết, trước phản ứng của Thẩm phán Antonio Carpio, ông Rodrigo Duterte cho hay:
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo (ông) rằng, sẽ có rắc rối nếu Philippines khăng khăng (một mình) thăm dò khai thác dầu khí ở vùng biển Trường Sa.
Trong một động thái khác có liên quan, Bloomberg ngày 28/2 cho biết, Đảng PDP-Laban của ông Rodrigo Duterte đang tổ chức một hội nghị cấp cao kéo dài 2 ngày tại Manila để học tập chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bloomberg cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Philippines. 2 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giới thiệu về các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình với Đảng PDP – Laban vào ngày 27/2.