Saturday, September 14, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 05/03/2018

Bản tin Biển Đông ngày 05/03/2018

Bản tin Biển Đông ngày 05/03/2018.

Tàu sân bay Hải quân Mỹ ghé thăm Việt Nam

Fox News đưa tin, ngày 05/3, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã ghé thăm Thành phố Đà Nẵng với hơn 6.000 thủy thủ trên tàu. Fox News nhận định, đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Việt Nam, một tàu sân bay của Mỹ đã tiến hành chuyến thăm tới một cảng của Việt Nam nhằm thúc đẩy những nỗ lực của hai bên trước “chủ nghĩa bành trướng” của Trung Quốc trên Biển Đông và đặc biệt là việc Trung Quốc vẫn đang ngang nhiên tăng cường các hoạt động quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Ấn Độ, Việt Nam kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải ở Biển Đông

Ngày 05/3, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Ấn Độ, Việt Nam kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải ở Biển Đông” của nhà báo Ankit Panda. Ông Panda cho hay, trong Tuyên bố chung cấp cao sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 03/3, Ấn Độ và Việt Nam đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như “tầm quan trọng của việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng nơi chủ quyền và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, sự phát bền vững, hệ thống đầu tư và thương mại tự do, công bằng và cởi mở”. Hai nhà lãnh đạo đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), kêu gọi thực thi một cách thiện chí các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Tàu tiến công đổ bộ Mỹ thăm cảng Philippines

Hãng ABS-CBN đưa tin, ngày 04/3, tàu tiến công đổ bộ Mỹ USS Bonhomme Richard (LHD-6) đã tiến hành chuyến thăm cảng tại Manila, Philippines cùng 2.500 thủy thủ và lính thủy đánh bộ dự kiến sẽ tham gia vào các dự án cộng đồng như hỗ trợ nhân đạo sau thảm họa núi lửa Mayon. Một số tàu chiến khác của Mỹ cũng đã ghé thăm Philippines trong năm 2018 như tàu ngầm tấn công Bremerton (1/3), tàu sân bay Carl Vinson và tàu khu trục tên lửa Michael Murphy (16/2). Về chuyến thăm này, ông Rommel Banlaoi thuộc Trung tâm Tình báo và Nghiên cứu an ninh quốc gia Philippines tin rằng các tàu chiến Mỹ không tiến hành viếng thăm một cách đơn thuần mà khẳng định Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á nhằm thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Philippines, nước đồng minh quân sự trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông.

Thẩm phán Tòa tối cao Philippines không ủng hộ kế hoạch hợp tác chung giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 05/3, The Standard đưa tin, trong một buổi phỏng vấn gần đây, ông Antonio Carpio, Thẩm phán Tòa Tối cao Philippines cho hay ông phản đối quyết định của Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte về việc thăm dò chung với Trung Quốc tại Biển Đông, cho rằng hoạt động này chỉ có thể được phép nếu tuân thủ luật pháp của Philippines và kêu gọi Chính phủ không từ bỏ yêu sách của Philippines ở Biển Đông. Ngoài ra, ông Carpio cũng bày tỏ quan điểm rằng sẽ không có vấn đề gì nếu các công ty của Trung Quốc ký hợp đồng với Chính phủ Philippines theo luật của Philippines nhưng nếu ký với Chính phủ Trung Quốc, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc Philippines từ bỏ quyền chủ quyền của mình.

Tại buổi phỏng vấn trong chương trình ANC’s Headstart ngày 05/3, ông Carpio cho biết quan điểm coi Biển Đông là khu vực “tranh chấp” giữa Philippines và Trung Quốc là “sai lầm” vì Phán quyết Tòa Trọng tài Biển Đông ngày 12/7/2016 đã khẳng định Biển Đông là khu vực mà nằm trên đó là vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng của Philippines và nếu cho rằng đó là khu vực tranh chấp thì chẳng khác nào trúng bẫy của Trung Quốc khi họ muốn coi đây là khu vực tranh chấp. Ông khẳng định Philippines có quyền đối với tài nguyên ở các khu vực trên.

Trước đó, ngày 2/3, Thẩm phán Antonio cũng đã có cuộc nói chuyện với luật sư, thẩm phán và hơn 300 sinh viên Đại học Negros Occidental-Recoletos, thành phố Bacolod, Philippines. Tại đây, ông khẳng định chiến tranh không phải là giải pháp đối với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vì Hiến pháp Philippines đã cấm sử dụng chiến tranh như một công cụ trong chính sách quốc gia và chiến tranh cũng bị cấm theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong buổi nói chuyện, ông Carpio đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với thương mại biển của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan cũng như vai trò của các nguồn tài nguyên của khu vực. Ông cũng bày tỏ sự đồng tình đối với đề xuất của chuyên gia nghiên cứu sinh học biển John McNamus về việc đưa Trường Sa thành khu vực bảo tồn biển để bảo tồn nguồn cá.

RELATED ARTICLES

Tin mới