Tuesday, September 17, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 07/03/2018

Bản tin Biển Đông ngày 07/03/2018

Bản tin Biển Đông ngày 07/03/2018.

Ngoại trưởng Philippines khẳng định Biển Đông là vùng biển có tranh chấp

Ngày 6/3, Rappler đưa tin, trả lời phỏng vấn của phóng viên, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano khẳng định Biển Đông là khu vực “tranh chấp” và giải thích rằng, dù Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã khẳng định quyền của Philippines ở khu vực song Phán quyết lại không có cơ chế thực thi nên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, cụ thể là tranh chấp đối với các đảo không nằm trong phạm vi Phán quyết, vẫn chưa biến mất. Ông cũng khẳng định, dù Philippines cho rằng có tranh chấp ở Biển Đông nhưng không có nghĩa rằng Philippines phủ nhận chủ quyền của mình ở khu vực. Liên quan đến việc thực thi Phán quyết Trọng tài, Rappler cho biết, một số chuyên gia như Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) đã khẳng định rằng không có biện pháp cưỡng chế mang tính quốc tế nào đối với việc này, tuy nhiên, nếu có sức ép từ các nước láng giềng trong khu vực, Trung Quốc vẫn sẽ phải tuân thủ Phán quyết vì nước này không muốn đánh mất hình ảnh.

Trung Quốc đề xuất xây dựng công viên biển ở Biển Đông

Tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 6/3, bên lề phiên họp thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Cường, đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay một công viên quốc gia của Trung Quốc ở Biển Đông là “cần thiết” nhằm bảo tồn tốt hơn hệ sinh thái biển ở khu vực. Ông này nhấn mạnh, việc bảo vệ các nguồn tài nguyên độc đáo và phong phú ở Biển Đông luôn luôn được coi trọng, đặc biệt là vì một số tài nguyên, như các rạn san hô, rất dễ bị tổn thương. Ông Wang Changren tại Đại học Nhiệt đới Đại dương Hải Nam, Trung Quốc khi được hỏi rằng liệu các tranh chấp ở Biển Đông có làm cản trở tiến trình xây dựng công viên biển quốc gia hay không, đã nhấn mạnh rằng các nước khu vực cần đạt được đồng thuận về việc bảo vệ hệ sinh thái biển ở Biển Đông.

Quan chức quân sự Mỹ cáo buộc các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra “căng thẳng”

Hãng Nikkei đưa tin, trả lời phỏng vấn ngày 6/3, Tư lệnh Hạm đội số 7 Hải quân Mỹ – Phó Đô đốc Phillip Sawyer cáo buộc các hoạt động bồi đắp và quân sự hoá trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông là “thiếu minh bạch” và gây ra căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson tới Việt Nam trong hơn 40 năm qua, ông Sawyer tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” đồng thời nhấn mạnh rằng Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động dựa trên nguyên tắc tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hải quân và Cảnh sát biển Ấn Độ phối hợp bảo vệ an ninh biển

Ngày 7/3, trang The Statesman của Ấn Độ cho biết Hải quân hiện đang cùng Cảnh sát biển Ấn Độ sẽ đẩy mạnh các biện pháp nhằm tăng cường an ninh ven biển và trên biển của nước này trong bối cảnh Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh các hoạt động của họ trên Biển Đông. Ông Subhash Bhamre, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết Hải quân, Cảnh sát biển cùng với các cơ quan khác của Ấn Độ đang triển khai tuần tra trên các vùng biển, các đảo và các vùng nước lân cận thông qua việc sử dụng tàu thuyền và máy bay nhằm phát hiện các hành động xâm nhập trên các tuyến đường biển, qua đó đối với các nguy cơ từ biển đang gia tăng đối với Ấn Độ. Hải quân và Cảnh sát biển Ấn Độ cũng thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập an ninh ven biển nhằm đánh giá hiệu quả của cơ chế hiện nay. Theo The Statesman cho hay, bình luận về việc liệu các hoạt động ráo riết của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây có phải là lý do mà Ấn Độ tăng cường các cuộc diễn tập trên biển hay không, một quan chức cấp cao của Hải quân Ấn Độ khẳng định rằng các cuộc diễn tập là hoạt động thường xuyên, không đơn thuần chỉ vì các hoạt động của Trung Quốc nhưng cho biết “Ấn Độ luôn cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ những nỗ lực xâm phạm lãnh thổ nào”, “Ấn Độ luôn thường trực các đội tàu ở các khu vực như Eo biển Malacca và các khu vực trọng yếu khác để đề phòng kịp thời nếu có bất cứ nguy cơ nào xảy ra ở Ấn Độ Dương”.

Nhật Bản sẽ cử các chuyên gia quân sự thường trú tới Philippines, Việt Nam và Malaysia

Ngày 7/3, hãng Taiwan News cho biết, theo nguồn tin từ tạp chí Liberty Times, nhằm theo sát và cân bằng với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng cường các chuyên gia quân sự tại các nước đối tác ở Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Malaysia. Theo truyền thông Nhật Bản nhận định, đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản đưa các chuyên gia quân sự của mình tới các quốc gia Đông Nam Á và con số chuyên gia dự kiến cũng sẽ tăng từ một lên hai chuyên gia cho mỗi nước nói trên. Cũng theo Liberty Times, Nhật Bản đang chuẩn bị cung cấp cho quân đội Philippines 3 máy bay TC-90 mới nhằm giúp nước này theo dõi tốt hơn các hoạt động của Trung Quốc ở gần lãnh thổ của mình.

Trung Quốc lợi dụng thế mạnh quân sự để khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông

Ngày 7/3, trang Business Standard đưa tin, phát biểu trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Trung tướng Robert Ashley, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ khẳng địn Trung Quốc đang tận dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình để khẳng định các yêu sách chủ quyền của nước này đối với Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như khu vực biên giới Trung Quốc – Ấn Độ. Ông nhấn mạnh rằng “Trung Quốc từ lâu đã xác định việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình như là “lợi ích cốt lõi” và đang tận dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình để khẳng định chủ quyền đối với các cấu trúc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ông Ashley cũng nhận định rằng, mặc dù Phán quyết của Toà Trọng tài Biển Đông ngày 12/7/2016 đã bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc nhưng nước này vẫn đang ngang nhiên sử dụng các tàu thực thi pháp luật và lực lượng dân quân biển để thực thi các yêu sách biển phi lý của mình và thúc đẩy lợi ích của nó theo những cách được tính toán có thể dẫn tới nguy cơ xung đột. Bên cạnh đó, ông Ashley cho biết kế hoạch tăng cường chi tiêu quân sự qua từng năm sẽ cho phép quân đội Trung Quốc thực hiện mục tiêu hiện đại hóa và cải cách quân sự nhằm phát triển lực lượng quân sự, kiềm chế Mỹ và các nước đồng minh trong khi sử dụng các khu tiền đồn và cơ sở hậu cần quân sự mới nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của mình vượt ra khỏi khu vực Đông Á. Theo ông Ashley, các lực lượng quân sự Trung Quốc cũng đang liên tục phát triển năng lực nhằm ngăn chặn hoặc đánh bại các bên thứ ba có tiềm năng trong tương lai như thực hiện các cuộc tấn công tầm xa đối với các lực lượng đối phương có thể triển khai hoặc hoạt động ở Tây Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới