Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngChuyên gia Mỹ: Trung Quốc sẽ ép các nước ASEAN trong đàm...

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc sẽ ép các nước ASEAN trong đàm phán COC

Trung Quốc đang xúc tiến chiến lược để đạt được mục tiêu kiểm soát toàn bộ Biển Đông, theo giới quan sát Mỹ.

Trong cuộc trao đổi về tình hình Biển Đông năm 2018 mới đây của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, ông Zack Cooper, chuyên gia lâu năm về an ninh khu vực, nêu bật những nguy cơ trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cho rằng Trung Quốc sẽ “ép” các nước thành viên ASEAN.

“Khi đàm phán COC với Trung Quốc, các nước ASEAN bị giảm đi cơ hội chống lại những áp lực của Bắc Kinh trong việc bảo đảm lợi ích của mình ở khu vực này”, ông Cooper nói.

Trung Quốc gần đây dùng hợp tác kinh tế để khiến một số nước ASEAN bớt kiên quyết trong khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines. Manila ưu tiên cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, dù phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Chưa rõ Bắc Kinh sẽ dùng “chiếc đòn kinh tế để ép Manila đến mức nào”.

Ông Cooper khẳng định các nước liên quan đã “giảm đà” trong việc phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cho rằng đó là nguy cơ thực sự ở khu vực.

Cũng nêu lên cảnh báo về COC, bà Bonnie Glaser, nhà phân tích của CSIS, cho rằng Trung Quốc có thể dùng việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với ASEAN để loại trừ sự can thiệp của quốc tế. 

“Trung Quốc có thể nói với các nước ASEAN rằng hai bên có thể có tiến triển về COC nếu như chỉ thảo luận với nhau và nếu các bên thứ ba, như Mỹ, không can thiệp”, bà Glaser dự đoán. Chuyên gia CSIS cũng lo ngại Bắc Kinh sẽ trì hoãn việc đạt được COC cho đến chừng nào ASEAN còn kiên nhẫn. 

Hồi giữa tháng 11 năm ngoái, các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí bắt đầu thảo luận COC dựa trên khung mà các ngoại trưởng đã thông qua trong tháng 8/2017. Dự kiến hai bên bắt đầu đàm phán vào đầu năm nay. Khung COC đạt được sau gần 4 năm khởi động đàm phán.

Trên Biển Đông, Trung Quốc được cho là đã hoàn thành việc cải tạo phi pháp 7 đá, biến chúng thành các đảo nhân tạo và xây dựng nhiều công trình trái phép. Bắc Kinh cũng bố trí nhiều thiết bị quân sự như tên lửa, chiến đấu cơ, radar ở các căn cứ này.  

Bà Glaser đánh giá Trung Quốc dường như nhận ra rằng khi năng lực gia tăng, họ càng có cơ hội tốt hơn đạt được “kết quả cuối cùng” như mong muốn. Cách đây 5 năm, không ai ở Trung Quốc có thể nghĩ họ có được năng lực như hiện nay ở Biển Đông. Do đó Bắc Kinh có thể trông đợi sau 5 năm nữa sẽ giành được nhiều lợi thế hơn, khi Washington trở nên kém quan trọng hơn trong khu vực, đồng minh của Mỹ yếu đi và các nước cùng có tranh chấp Biển Đông sẽ từ bỏ hợp tác với Mỹ. 

Chuyên gia Glaser cảnh báo năm nay Bắc Kinh có thể xây dựng các tiền đồn mới, tập hợp các nhóm đảo để hình thành “vùng biển nội địa” ở Biển Đông, từ đó ngăn tàu thuyền các nước đi vào. Ông  Zack Cooper cho rằng Trung Quốc sẽ vừa mở rộng quyền kiểm soát, vừa nỗ lực ngăn các nước cùng có yêu sách thực hiện các hoạt động trên biển, trong đó có đánh bắt cá, cản các nước ngoài khu vực can dự. 

Thể hiện rõ sự thất vọng về chính sách của chính quyền Trump ở Biển Đông, ông Cooper cho rằng Washington sẽ không đưa ra được nhân tố gì mới trong năm 2018, so với những gì chính quyền của cựu tổng thống Obama đã làm. Mặc dù Mỹ đã công bố chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, nhưng đến nay vẫn không rõ “nó là gì”.

“Có những điều Trung Quốc có thể làm, mà Mỹ lại không thể ngăn chặn được. Chẳng hạn như Bắc Kinh tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ADIZ”, ông Cooper nói.

Từ khi Tổng thống Trump nắm chính quyền, chính sách nổi bật ở Biển Đông là điều các chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP). Bà Glaser cho rằng FONOP là cần thiết nhưng nó “không đủ để ngăn Trung Quốc xây các đảo mới”.

Trước sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, chuyên gia Cooper khuyến cáo chính quyền Trump cần có những tín hiệu rõ ràng, để Bắc Kinh nhận thấy Washington quan tâm Biển Đông. Bà Glaser cảnh báo Mỹ không nên đưa ra “lằn ranh đỏ” với Trung Quốc, vì có thể khiến Bắc Kinh thách thức, nỗ lực giành thêm các đảo mới, đẩy căng thẳng trong khu vực gia tăng.

Đưa ra những gợi ý cho Mỹ trong thời gian tới, bà Glaser cho rằng Washington nên tập trung hơn nữa vào khu vực, thảo luận thường xuyên với các nước ở đây. Mỹ cũng cần thường xuyên nêu cao luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế và giúp các nước nâng cao năng lực hàng hải.

“Đó chính là dấu hiệu Mỹ báo với Trung Quốc rằng mình chú tâm đến khu vực này”, bà Glaser nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới