Saturday, September 7, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBộ tứ vừa được ông Tập "chọn mặt gửi vàng" để giải...

Bộ tứ vừa được ông Tập “chọn mặt gửi vàng” để giải quyết mọi chuyện với Mỹ gồm những ai?

Kết thúc kỳ họp Quốc hội khóa 13, Trung Quốc đã hé lộ phần lớn những nhân vật then chốt sẽ tham gia xử lý các vấn đề trong quan hệ phức tạp giữa nước này với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: SCMP)

Ngoại trưởng Vương Nghị đã thăng chức thành Ủy viên quốc vụ, sau khi được các Đại biểu Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn hôm thứ Hai, 19/3.

Việc ông Vương trở thành Ủy viên quốc vụ – chức danh dưới Phó thủ tướng và trên Bộ trưởng, nhưng chưa từng được trao cho Ngoại trưởng đương nhiệm – một trong hàng loạt động thái nhằm nâng cao vị thế của những quan chức ngành ngoại giao trong cơ chế ra quyết sách của Trung Quốc về các vấn đề lớn: Triều Tiên, Đài Loan, biển Đông, và quan hệ với Mỹ là ưu tiên cấp bách.

Bên cạnh ông Vương Nghị, dư luận còn chứng kiến cựu “trùm đả hổ” Vương Kỳ Sơn đắc cử vị trí Phó chủ tịch nước – một vai trò chính danh trong xử lý các công việc đối ngoại; và ông Lưu Hạc – cố vấn kinh tế thân cận của chủ tịch Tập Cận Bình – trở thành Phó thủ tướng. Ông Lưu sẽ điều hành các sự vụ tài chính và kinh tế – nguồn cơn gây ra nhiều va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những thay đổi trên là rất đáng kể sau hơn 1 thập kỷ các nhà ngoại giao Trung Quốc không có sức nặng trong cơ cấu ra quyết sách của đất nước. Từ năm 1998 cho đến năm ngoái, không có nhà ngoại giao nào lọt vào Bộ chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, và Ủy viên quốc vụ là chức vụ cao nhất mà một quan chức ngành ngoại giao đạt được.

Hệ thống này chứng kiến thay đổi bước ngoặt tại Đại hội khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017, khi Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì – nhà ngoại giao cấp cao nhất đất nước – trở thành 1 trong 25 Ủy viên Bộ chính trị khóa 19. Ông Lưu Hạc cũng lọt vào cơ quan quyền lực này.

Vào tháng 2/2018, ông Dương và ông Lưu đã lần lượt thực hiện các chuyến công du Mỹ nhằm xoa dịu căng thẳng song phương. Cấp độ và chức vụ của họ là cử chỉ hiếm hoi cho thấy Bắc Kinh nóng lòng hàn gắn quan hệ với Washington.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin thân cận với chiến lược ngoại giao của ban lãnh đạo Trung Quốc cho biết, ông Vương Kỳ Sơn được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối xử lý quan hệ Mỹ-Trung, theo cơ chế ông Vương Nghị báo cáo với ông Dương Khiết Trì, và ông Dương báo cáo với Phó chủ tịch.

Ngoài ra, Vương Kỳ Sơn sẽ tham gia Tiểu tổ lãnh đạo trung ương về sự vụ đối ngoại – tổ chức phụ trách quan hệ quốc tế của ĐCSTQ.

Giáo sư Su Hao, từ Học viện ngoại giao Trung Quốc, nói ông Vương Nghị làm Ủy viên quốc vụ nghĩa là vị thế của Bộ ngoại giao được nâng cao trong chính phủ Trung Quốc khóa mới.

“Điều này trao cho ông Vương điểm tựa lớn hơn để điều phối và huy động các bộ ngành khác,” ông Su nói.

Ông Vương Nghị làm Ngoại trưởng từ năm 2013 và được dư luận Trung Quốc đánh giá cao vì luôn bảo vệ lập trường của Bắc Kinh trong các sự vụ trên thế giới. Ông nói Mỹ “phạm sai lầm chiến lược” khi xác định Trung Quốc là đối thủ, đồng thời cảnh báo Washington không can thiệp vào khúc mắc giữa Bắc Kinh với các láng giềng quanh biển Đông.

Chức vụ mới của ông Dương Khiết Trì không được nêu cụ thể tại phiên họp Quốc hội ngày 19, chỉ biết ông sẽ thôi giữ chức Ủy viên quốc vụ. Dù vậy, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói ông sẽ đóng vai trò chủ chốt trong đối ngoại của nước này nhờ vị thế Ủy viên Bộ chính trị.

Giáo sư Su dự đoán ông Dương sẽ được trao quyền hạn với các tổ chức có liên quan đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc, bao gồm Bộ thương mại và Ban liên lạc đối ngoại trung ương – cơ quan quản lý quan hệ giữa ĐCSTQ với các chính đảng khác, đặc biệt là với Triều Tiên.

Trước đây, trong vai trò cơ quan chính phủ thì Bộ ngoại giao Trung Quốc bị cho là “thiếu phối hợp” với Ban này.

Khi tiền chưa phải là tất cả

Theo SCMP, đội ngũ phụ trách đối ngoại mới là câu trả lời của Trung Quốc cho sự đình trệ trong nỗ lực gia tăng hiện diện toàn cầu. Sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng đồ sộ của ông Tập mang tên “Vành đai và Con đường” đang bị nhiều đối tác ngờ vực là cái bẫy dụ họ vướng vào các khoản nợ lớn, thậm chí chịu bất lợi về vấn đề chủ quyền.

Quan hệ Mỹ-Trung cũng lung lay. Bất chấp địa vị cấp cao, cả ông Dương Khiết Trì và Lưu Hạc đều thất bại khi không thể thiết lập các đầu mối liên hệ với những quan chức Mỹ. Và sau khi hai ông trở về thì Nhà Trắng ra thông báo yêu cầu Trung Quốc phải giảm 100 tỉ USD thâm hụt thương mại với Mỹ.

Đến thứ Sáu tuần qua, ngày 16/3, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật Đạo luật lữ hành Đài Loan, cho phép các quan chức Mỹ thăm chính thức Đài Loan. Đạo luật đã bị Bắc Kinh phản đối gay gắt từ khi còn là một dự luật, thậm chí đe dọa trả đũa bằng quân sự.

SCMP phân tích, quan hệ Mỹ-Trung trở nên phức tạp sau sự ra đi của những quan chức tương đối ôn hòa trong chính quyền Trump, như Ngoại trưởng Rex Tillerson hay cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn.

Giáo sư ngành quan hệ quốc tế của Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, ông Pan Rui nói xử lý quan hệ Mỹ-Trung là ưu tiên hàng đầu cho đội ngũ đối ngoại mới của Trung Quốc.

“Có nhiều chướng ngại trong quan hệ Mỹ-Trung. Kiểm soát các liên hệ như thế là thách thức lớn nhất với đội ngũ mới,” ông Pan cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới