Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngThách thức vẫn chờ Bộ Quy tắc ứng xử COC

Thách thức vẫn chờ Bộ Quy tắc ứng xử COC

ASEAN cần phải giải quyết các vấn đề cấp bách và phức tạp như định nghĩa về quân sự hóa, liệu Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có cần tính ràng buộc và phạm vi địa lý áp dụng trước khi tiến tới đồng thuận về những nguyên tắc làm giảm tranh chấp biển ở Biển Đông.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố chủ tịch sau hội nghị ngoại trưởng ASEAN kết thúc tại Singapore đã được đưa ra khá kịp thời và hợp lý bởi nó đã nêu lên quan ngại của một số bộ trưởng “về hoạt động cải tạo đất và các hành vi tại Biển Đông, nguyên nhân làm xói mòn lòng tin”. Các bộ trưởng cho rằng những diễn biến này “đã làm leo thang căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh cũng như ổn định trong khu vực”.

Những nhà quan sát và theo dõi tình hình Biển Đông không quá bất ngờ trước giải pháp mà tuyên bố đề ra. Các bộ trưởng “tái khẳng định sự cần thiết của việc củng cố lòng tin song phương, kiềm chế và tránh các hành động có thể khiến tình hình trở nên phức tạp”. Tuyên bố cho rằng các bên phải “theo đuổi cách giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”. Bộ Quy tắc COC là sáng kiến quan trọng, được các bên thúc đẩy để kiềm chế, nếu không muốn nói là giải quyết, các tranh chấp tại Biển Đông. Thỏa thuận khung về bộ quy tắc này đã được thông qua hồi tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, bất chấp những động thái hòa dịu giữa ASEAN và Trung Quốc, những khúc mắc sâu xa và nghiêm trọng vẫn chưa được hóa giải.

“‘Kỳ trăng mật’ sau khi thỏa thuận khung được ký kết đã chấm dứt, giờ là lúc để bắt đầu triển khai các công việc chi tiết. Thông qua tuyên bố này, các ngoại trưởng ASEAN đang tìm cách hoàn thành ‘COC với một lịch trình được tất cả các bên đồng thuận’”. Tuy nhiên, ông tỏ ý không mấy lạc quan về lịch trình nói trên bởi trong những năm gần đây, nhiều nhà quan sát Biển Đông cho rằng không có gì có thể đảm bảo khả năng hiện thực hóa một bộ quy tắc ứng xử trong khu vực. Trong khi đó, ngay cả trường hợp người ta xây dựng thành công COC mà không để sót bất kỳ lỗ hổng nào sau tiến trình đàm phán chính thức đầy gập ghềnh thì câu hỏi vẫn còn đó là hiệu quả của bộ quy tắc này có thể lớn tới đâu.

Có nhiều cách để xúc tiến các cuộc đàm phán, chẳng hạn như nhờ động lực xuất phát từ mong muốn thật tâm của tất cả các bên đối với việc hoàn thành bộ quy tắc này. Hoặc tại Biển Đông bất ngờ nảy sinh một số sự kiện buộc các bên phải nhanh chóng hoàn thiện một bộ quy tắc với sức ép từ phía cộng đồng quốc tế. Khả năng thứ hai được cho là sẽ dễ xảy ra hơn.

Các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc như trên chỉ thực sự bắt đầu sau vụ đụng độ tại Đá Vành khăn những năm 1990, dù trước đó các nước tuyên bố chủ quyền trong khu vực đã có không ít va chạm và cả ASEAN cũng như Trung Quốc đều chưa nhận thấy sự cần thiết của một bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, rõ ràng một bộ quy tắc có lợi cho cả ASEAN và Trung Quốc. Đối với khối khu vực, bộ quy tắc này có thể được xem là minh chứng cho vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Bắc Kinh cũng muốn dùng bộ quy tắc này để hợp thức hóa việc họ phản đối sự can thiệp của bên ngoài đối với các tranh cãi mà họ đang vướng vào ở Biển Đông.

Không chỉ có vậy, tất cả các bên đều có chung một mục tiêu là chứng minh cho cộng đồng quốc tế rằng họ có thể thúc đẩy một hiệp ước để kiểm soát, hoặc thậm chí là giải quyết, các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, không có cách nào ngăn một quốc gia nào đó bên ngoài khu vực hoạt động ở Biển Đông, bởi tuyến đường biển này là một trong những huyết mạch của nền kinh tế thế giới. Việc đảm bảo an ninh trật tự ở Biển Đông rõ ràng không chỉ là trách nhiệm của các nước duyên hải và trong khu vực mà còn của cả cộng đồng quốc tế nói chung.

Với thực tế này, câu hỏi đặt ra là liệu bộ quy tắc có hiệu quả hay không nếu các bên ký kết đi tới quyết định là không phản đối các hành động của các bên không tham gia ký kết và ở ngoài khu vực? Không ai dám chắc về cường độ các chiến dịch tuần tra hàng hải của Hải quân Mỹ trong khu vực sau khi bộ quy tắc này được thông qua, và cũng không ai dám khẳng định rằng các quốc gia như Úc, Ấn Độ hay Nhật Bản sẽ không có những hoạt động trong khu vực, như bắt tay cùng các đối tác Đông Nam Á khác trong việc củng cố quan hệ an ninh biển. Nếu những diễn biến này xảy ra, bất kỳ quốc gia tuyên bố chủ quyền nào trong khu vực cũng đều có thể có những hành động dưới dạng “tự vệ” như củng cố các hạ tầng cơ sở sẵn có, và tất cả những hành động này đều có thể bị xem là “khiêu khích”. Tuy nhiên, rắc rối này hoàn toàn có thể được dự đoán trước trong các cuộc thảo luận sâu hơn về một bộ quy tắc ứng xử.

Rắc rối là ở chỗ cách người ta định nghĩa về quân sự hóa, liệu bộ quy tắc này có cần tính ràng buộc về pháp lý hay không, phạm vi địa lý mà bộ quy tắc này ap dụng hay khả năng mở rộng để các quốc gia khác được tham gia ký kết,… Đây là những vấn đề chắc chắn sẽ dẫn tới không ít mâu thuẫn giữa các bên tham gia đàm phán.

Với cam kết đã đưa ra nhằm thúc đẩy COC, các bên cần phải nỗ lực hóa giải bất đồng trong các vấn đề kể trên, đồng thời dự trù được những thách thức liên quan đến việc tìm kiếm đồng thuận, thống nhất và thực thi bộ quy tắc, để có thể xây dựng được một văn bản phù hợp với nguyện vọng cũng như lợi ích của tất cả các bên. Nếu không làm được điều này, hoặc nếu vội vã đưa ra một bộ quy tắc “thiếu hoàn thiện”, tất cả sẽ giậm chân tại chỗ và thậm chí mục tiêu chung của ASEAN và Trung Quốc trong việc kiểm soát hiệu quả các tranh chấp biển sẽ càng bị xói mòn hơn nữa.

Tác giả Swee Lean Collin Koh là nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Biển, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore. Bài viết đăng trên “SCMP

RELATED ARTICLES

Tin mới