Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnVN phản đối các hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông

VN phản đối các hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông

VN kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương của Trung Quốc về đánh bắt trên Biển Đông cũng như phản đối hành động tập trận phi pháp của Đài Loan.

Ngày 22.3, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Đài Loan tiến hành diễn tập bắn đạn thật tại khu vực đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN”. Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “VN có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Đài Loan nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của VN là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của VN đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Một lần nữa, VN kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”.
Bên cạnh đó, về việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tiếp tục ra thông báo điều chỉnh quy chế về nghỉ đánh bắt cá trên biển, bao gồm một số vùng biển của VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “VN phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. VN có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của VN được xác định phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”, theo TTXVN.
Cũng trong ngày 22.3, tờ South China Morning Post dẫn kế hoạch tái cấu trúc các cơ quan nhà nước của Trung Quốc cho hay lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) sẽ nằm dưới sự chỉ đạo của Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP) thay vì Cục Hải dương quốc gia như trước. Kế hoạch nhấn mạnh thay đổi này nhằm “thực thi đầy đủ quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với các lực lượng vũ trang”. Kể từ tháng 1.2018, PAP cũng do Quân ủy trung ương chỉ đạo trực tiếp và đảm nhận trách nhiệm thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Lyle Morris thuộc Tổ chức RAND Corporation (Mỹ), ẩn ý của việc hải cảnh được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy trung ương là lực lượng này “sẽ có sự linh hoạt và quyền hành động mang tính quyết định ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Ông Morris còn nhấn mạnh động thái mới cũng sẽ giúp hải cảnh có thể có chức năng tác chiến, được huấn luyện nhiều hơn và chia sẻ thông tin tình báo với quân đội Trung Quốc.
Trong thời gian qua, các tàu CCG tham gia không ít hoạt động gây bất ổn trên Biển Đông như bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp và đe dọa tàu cá nước khác. Hiện nay, lực lượng này được cho là sở hữu hơn 1.275 tàu, theo chuyên san The National Interest. Trong đó có tàu cỡ lớn được trang bị súng, pháo và hệ thống gây nhiễu thông tin.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp báo với người đồng cấp Philippines Alan Peter Cayetano ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hai bên sẽ thúc đẩy “một cách đều đặn và thận trọng” về hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông, theo AFP. Về phần mình, ông Cayetano cho hay hai nước đang “tìm kiếm khung pháp lý cho việc tiến hành các cuộc thăm dò và khảo sát chung”, đồng thời nhấn mạnh quan hệ song phương đang “ở trong thời kỳ vàng và trên đà phát triển rất tích cực”.
Khả năng thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên tại Hà Nội
Trả lời câu hỏi về khả năng Mỹ và CHDCND Triều Tiên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “VN ủng hộ nỗ lực mang tính xây dựng, giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định của bán đảo Triều Tiên nói riêng và trên thế giới nói chung. VN sẵn sàng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Trước đó, Tổng thống Trump ngày 8.3 bất ngờ chấp nhận đề nghị gặp từ lãnh đạo Kim, được chuyển thông qua đoàn đặc phái viên của Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời gian lẫn địa điểm vẫn chưa được ấn định và theo giới chuyên gia, Hà Nội nằm trong danh sách có thể được chọn để tổ chức cuộc gặp.

RELATED ARTICLES

Tin mới