Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ hoàn toàn "vắng bóng", để mặc Mỹ - Triều Tiên hạ...

TQ hoàn toàn “vắng bóng”, để mặc Mỹ – Triều Tiên hạ nhiệt căng thẳng

Dù đồng thuận thi hành các lệnh trừng phạt được Liên Hợp Quốc áp đặt với Bình Nhưỡng, Trung Quốc lại hoàn toàn “vắng bóng” trong những nỗ lực ngoại giao nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong những tuần gần đây.

Biên tập viên Ankit Panda của tạp chí Diplomat nhận định, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là người đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các cuộc họp thượng đỉnh nhằm chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, vai trò của Bắc Kinh lại vô cùng mờ nhạt.

Dù là đối tác chiếm tới hơn 90% tổng giá trị thương mại của Triều Tiên, song trong những tuần gần đây, Trung Quốc lại hoàn toàn “vắng bóng” trong những nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, khả năng cuộc họp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba sẽ có thể diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm thay vì diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng. Nếu thông tin này đúng sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kim Jong-un di chuyển tới khu vực phi quân sự phía nam, rời khỏi vùng lãnh thổ quốc gia kể từ khi nhậm chức.

Ngoài cuộc họp thượng đỉnh liên Triều, thế giới còn sắp được chứng kiến cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng Năm tới. 

Từ trước tới nay, chưa một Tổng thống Mỹ nào gặp gỡ các nhà lãnh đạo Triều Tiên do đó, khả năng ông Trump sẽ trở thành người đầu tiên làm lên lịch sử. Trước đó, hôm 8/3, ông Trump đã chấp thuận lời đề nghị gặp mặt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được phái đoàn Hàn Quốc truyền đạt trong chuyến thăm tới Mỹ. 

Tuy nhiên, tất cả những việc làm trên đều không có sự can thiệp từ phía Trung Quốc dù trước đó, Bắc Kinh đã đồng thuận thi hành lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) áp đặt với Bình Nhưỡng, đồng thời giúp chính quyền của Tổng thống Trump hiện thực hóa chiến dịch gia tăng sức ép tối đa với Triều Tiên. Điều đáng nói, bóng dáng Trung Quốc chưa từng xuất hiện trong những quyết định lớn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un dù hai nước Trung – Triều lâu nay được xem là những đồng minh thân thiết.

Thay vào đó, sau khi thông tin ông Trump và ông Kim sẽ tiến hành họp thượng đỉnh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã bày tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh khi tuyên bố: “Chúng tôi hoan nghênh những thông tin tích cực của Mỹ và Triều Tiên trong việc tiến tới đối thoại trực tiếp”.

 “Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang đi theo đúng hướng. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của các bên liên quan nhằm giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Theo ông Panda, tuyên bố của ông Cảnh cho thấy Trung Quốc “hài lòng” khi thấy Mỹ – Triều rút khỏi bờ vực chiến tranh thay vào đó, hai bên cùng ngồi xuống để đàm phán về các mối đe dọa hạt nhân. 

Gần đây, nhiều tin đồn còn cho rằng Mỹ và Hàn Quốc sẽ không đưa hàng loạt vũ khí chiến lược tham gia cuộc tập trận mang tên “Đại bàng non” trong thời gian tới. Đây là phản ứng của Mỹ – Hàn trước đề xuất “đóng băng kép” mà Trung Quốc khởi xướng. Cụ thể, theo Bắc Kinh, Triều Tiên sẽ dừng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa để đổi lại, Mỹ – Hàn ngừng tập trận chung.

Nếu tin đồn trên là sự thật, quân đội Mỹ – Hàn sẽ không huy động lực lượng tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom hạng nặng cùng tàu sân bay tham gia cuộc tập trận lớn sắp tới. Đổi lại, ông Kim sẽ giữ lời hứa không tiến hành thử hạt nhân hay tên lửa như đã nói với phái đoàn Hàn Quốc tới thăm Bình Nhưỡng. Điều này đồng nghĩa với việc hai bên đã có những bước nhân nhượng quan trọng.

Nhưng cho tới nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy, Hàn Quốc hay Mỹ hoặc Triều Tiên mặn mà với kế hoạch “đóng băng kép” của Trung Quốc.

Cũng theo ông Panda, nếu quy mô cuộc tập trận chung “Đại bàng non” năm nay có nhỏ hơn năm ngoái thì nguyên nhân không xuất phát từ Trung Quốc mà đây là một phần trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ngay cả khi Trung Quốc vẫn được xem là người chèo lái tình hình khu vực thì trong những tháng tới, vai trò của chính quyền Bắc Kinh trong việc hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng rất mờ nhạt. Bởi dù trong năm ngoái, Trung Quốc đã thay đổi quan điểm để ủng hộ lệnh trừng phạt mà LHQ áp đặt với Triều Tiên nhưng trên tiến trình tìm kiếm con đường ngoại giao để giải trừ vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc lại hoàn toàn vắng bóng, ông Panda kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới