Friday, March 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNền kinh tế vay nợ là bình thường: Bất thường ở đâu?

Nền kinh tế vay nợ là bình thường: Bất thường ở đâu?

Một nền kinh tế vay nợ là bình thường, vấn đề là vốn đó sẽ đi vào đâu? – TS Đinh Thế Hiển.

Chặn tham nhũng vốn, đầu tư sai

​Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên lần thứ 10 năm 2018 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 20/3, TS Trần Du Lịch thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, “thực tế nền kinh tế Việt Nam kinh doanh trên vay nợ, nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu, doanh nghiệp phải vay ngân hàng”.

Do đó, ông tin tưởng tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ chuyển hướng tích cực. Điều quan trọng theo TS Lịch là Chính phủ cần tạo môi trường pháp lý yên ổn.

Lý giải cho nhận định trên, TS Đinh Thế Hiển cho biết, nước Mỹ đang là quốc gia dẫn đầu trong hầu hết các lĩnh vực, kể cả là nợ nần.

Số liệu được Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) công bố năm 2017 cho thấy, tổng số nợ trên tất cả mọi lĩnh vực của Mỹ hiện nay đang cao gấp 350% tổng GDP của chính họ.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn xem Mỹ là đối tác chiến lược và vẫn mong muốn được hợp tác làm ăn cùng Mỹ. Sự khác biệt là do Mỹ vay được nhưng trả được nợ.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển phải sử dụng trái phiếu đi vay nợ nước ngoài là bình thường và cần thiết. Vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam sẽ sử dụng vốn vay đó như thế nào và sử dụng với mục đích gì?.

Ông Hiển nói thẳng, vấn đề của Việt Nam là hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, còn gây nhiều lãng phí, thất thoát, đầu tư không thu hồi được vốn khiến nợ chồng nợ.

Theo ông Hiển, nguồn vốn vay có thể được sử dụng để đầu tư phát triển hạ tầng, cũng có thể đầu tư vào sản xuất… Tuy nhiên, thời hạn vay vốn thường kéo dài từ 5-10 năm, như vậy việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nào sẽ mang lại hiệu quả, đầu tư dự án nào sẽ thu hồi được vốn nhanh phải tính toán rất thận trọng.

Vị chuyên gia cho rằng phải đặc biệt lưu ý tới nhắc nhở của World Bank khi đưa ra nhận định về tốc độ tăng nợ trên GDP của Việt Nam đang thuộc dạng nhanh nhất, tăng 10% trong 5 năm qua.

Nhắc lại câu chuyện tăng trưởng nóng giai đoạn 2007-2010, ông Hiển cho biết, đây là giai đoạn tăng trưởng “sốc” do thị trường BĐS có nhiều diễn biến bất thường. Thời điểm đó, GDP Việt Nam tăng trưởng cao, lên tới 7,5-8,0%.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cũng theo đó tăng lên, từ chỗ chỉ 20-30% lên tới mức 57%. Chỉ số ICOR/GDP trung bình là 6 đồng tín dụng mới tạo ra được một đồng GDP.

Như vậy, tăng trưởng không đi kèm với chất lượng, nguồn vốn không đi được vào sản xuất mà chủ yếu đổ vào lĩnh vực BĐS, hay nói cách khác nếu tiếp tục tăng trưởng tín dụng để đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ là điều gây quan ngại đến bền vững tài khoá. TS Hiển cho rằng, đó là một lời nhắc nhở cần phải ghi nhớ trong sử dụng vốn đầu tư tại thời điểm này.

“Dứt khoát không được đổi điểm % tăng trưởng GDP bằng vốn đầu tư.

Ngay cả mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế cũng phải nhìn nhận lại việc này, nếu coi GDP là chỉ số duy nhất để đánh giá nền kinh tế thì việc chạy theo tăng trưởng GDP chỉ là bề nổi.

Tôi cho rằng cần phải nhìn vào cấu trúc sở hữu trong GDP, tôi lấy ví dụ: GDP tăng trưởng 8,0%, trong đó BĐS tăng, xây dựng cơ bản tăng, kéo theo việc sử dụng vốn đầu tư công cũng tăng.

Như vậy, trong trường hợp này GDP tăng không phải là tín hiệu tích cực mà lại là liều thuốc độc, là “tham nhũng vốn”, là lãng phí.

Ngược lại, nếu GDP chỉ tăng trưởng 5-6% nhưng tăng trưởng đó lại đi vào khu vực sản xuất kinh doanh của các hộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia những khâu sản xuất mang lại lợi nhuận tốt hơn, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế thì GDP mới là thực chất.

Lúc đó, tăng trưởng GDP sẽ tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn để các doanh nghiệp trong nước có thể tăng được giá trị gia tăng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn”, ông Hiển nói.

Bài học dự án nghìn tỷ

Tiếp tục nhấn mạnh việc không sử dụng vốn đầu tư để tăng trưởng GDP, TS Đinh Thế Hiển cho biết những bài học từ 12 đại dự án nghìn tỷ đắp chiếu là ví dụ thực tế nhất cho việc “tham nhũng vốn”, sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả.

Vị TS giải thích, đầu tư vốn là cách dễ nhất, nhanh nhất để giúp GDP tăng trưởng.

Ông lấy ví dụ, nếu mang 1 đồng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh thì tăng trưởng GDP rất khó nhìn thấy. Vì, 1 đồng vốn đó sau khi được đầu tư sẽ phải trải qua cả một chuỗi quy trình từ khâu sản xuất, tới khâu tạo ra sản phẩm, rồi đi tiêu thụ sản phẩm… cuối cùng mới thu hồi được vốn.

Trong khi đó, đầu tư một đồng vào dự án xây dựng sẽ giúp GDP tăng ngay phút chốc.

“Việc đầu tư dàn trải hay các công trình xây xong không biết để làm gì nhưng vẫn làm tăng GDP trong nhất thời sẽ khiến nguồn lực của nền kinh tế bị giảm. Hậu quả tất yếu là dự án thì đắp chiếu, không có nguồn trả nợ, phải đi vay và nợ nần tăng lên. Một nền kinh tế như vậy đến một lúc nào đó sẽ gặp rủi ro”, ông Hiển cảnh báo.

Ông Hiển cho rằng, giải pháp bền vững là Nhà nước phải chọn một điểm tăng trưởng hợp lý hơn, vừa sức hơn, phải ưu tiên nguồn lực cho khu vực sản xuất kinh doanh.

Song song với đó, Chính phủ cũng cần có những chính sách cởi trói cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, đảm bảo phần chi tiêu cho đầu tư phát triển tăng thêm để nuôi dưỡng sức dân, sức doanh nghiệp.

RELATED ARTICLES

Tin mới